Trong gần năm thế kỷ sau ngày khai sinh, Đại Việt đã xung đột qui mô và ác liệt với láng giềng phương nam. Đôi bên đều có những lần vua ngự giá thân chinh và đều có vua tử trận. Ta đánh vào tận kinh đô Chiêm, thì Chiêm cũng ba lần đánh ra tận Thăng Long.

Lê Thánh Tông bình Chiêm là lần thứ bảy và lần cuối cùng vua Đại Việt tự cầm quân nam chinh. Lần này ta không chỉ đánh tận kinh đô Chiêm, mà nhân đại thắng mở nước luôn đến đó.

Từ đây Chiêm Thành chỉ là cái bóng mờ đợi tan của vương quốc từng có thời đòi Tàu giao quyền cai trị Giao Châu (1) và mới chưa tới 100 năm trước còn uy hiếp Đại Việt tơi bời. May mắn lịch sử: cũng chính vào lúc này Chân Lạp bắt đầu suy thoái trầm trọng. Nhờ hai chủ đất phương nam cùng trở nên bất lực, đợt nam tiến thứ hai từ Phú Yên đến mũi Cà Mau đã rất dễ dàng, nhanh chóng.

(Thu Tứ)

(1) Năm 433 vua Lâm Ấp sai sứ sang Tàu thương lượng việc này. Tuy không thành công, đề nghị táo bạo nói lên thế lực của Lâm Ấp lúc bấy giờ (xem Trần Ngọc Thêm,
Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, 2001, tr. 428).



Đào Duy Anh, “Lê Thánh Tông bình Chiêm”




Buổi đầu, vua Chiêm Thành sợ uy thế của Lê Lợi nên vẫn giữ lễ triều cống. Sang hai đời vua sau, quân Chiêm lại hay vào đánh phá miền Hóa Châu (...)

Sang đời Lê Thánh Tông thì cuộc xung đột trở nên quyết liệt. Năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn muốn giành lại đất cũ, sai sứ sang cầu viện với nhà Minh, rồi đem đại binh (...) ra đánh Hóa Châu.

Được tin ấy, Lê Thánh Tôn quyết định đánh Chiêm, bèn sai lựa chọn hoàng đinh từ 15 tuổi trở lên để sung vào quân ngũ, được 26 vạn người. Thái sư Đinh Liệt và Thái bảo Lê Niệm được cử làm Chinh lỗ tướng quân, đem thủy binh đi trước. Vua suất đại binh cũng do đường biển tiến sau.

Đến Thuận Hóa, Lê Thánh Tông tự viết một bản Bình Chiêm sách để phát cho tướng sĩ, rồi tiến quân vào Quảng Nam. Một mặt sai Tả du kích tướng quân Lê Hy Cát đem năm trăm chiến thuyền ngầm vượt biển vào cửa Sa Kỳ (Quảng Ngãi), đắp lũy xây đồn để chặn đường về của quân Chiêm, một mặt sai Bộ binh tướng quân Nguyễn Đức Trung ngầm tiến quân theo đường chân núi, còn tự mình đem hơn nghìn chiến thuyền cùng rất đông quân ra biển tiến vào nam.

Quân Chiêm ở miền Quảng Nam rút về giữ thành Chà Bàn, nhưng đến núi Mạc Nô (phía tây cửa Sa Kỳ) thì gặp quân ta chặn đánh tan tác. Lê Thánh Tôn tiến quân đến cửa Thái Cần (thuộc huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), đánh giết quân Chiêm rất nhiều. Trà Toàn phải xin hàng.

Lê Thánh Tông lại đem quân tiến phá cửa Thi Nại, rồi đổ bộ tiến đánh thành Chà Bàn. Trà Toàn lại xin hàng, nhưng vua Lê cứ hạ lệnh đánh thành và truyền cho tướng sĩ phải gìn giữ kho tàng trong thành không được đốt phá. Quân ta dùng vân thê để trèo vào thành, giết rất nhiều quân Chiêm và bắt sống được hơn ba vạn. Vua Chiêm cũng bị bắt sống.

Đại tướng Chiêm là Bồ Trì Trì đem quân dân vào đất Phan Lung (tức Phan Rang) giữ được hai phần năm nước Chiêm và tự xưng làm vua, rồi sai sứ sang xin Lê Thánh Tông cho được triều cống. Vua Lê phong cho làm vua Chiêm Thành trên đất từ Đại Lãnh trở vào. Nhưng để chia thế lực của người Chiêm, vua cắt đất phía tây và phía bắc của Chiêm Thành còn lại đặt làm hai nước Nam Bàn và Hoa Anh.(1) Còn đất Đại Chiêm (Quảng Nam) và Cổ Lũy (Quảng Ngãi) quân ta mới chiếm lại, cùng đất mới chiếm thêm từ miền Hoài Nhân đến đèo Cù Mông (tức tỉnh Bình Định bây giờ - TT) thì bị tháp nhập vào bản đồ nước ta làm đạo Quảng Nam.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)
















___________
(1) Nước Nam Bàn đại khái là miền Thủy Xá, Hỏa Xá, tức là miền Công Tum và Ban Mê Thuột. Nước Hoa Anh có lẽ là miền Phú Yên.