Hoa điển hình thơm suốt ngày đêm nhưng ban ngày hương hoa bị hương… khói xe và các thứ mùi sinh hoạt khác “che” mất, phải đợi đến khi “ánh đêm” xua hầu hết... người Hà Nội vào nhà thì số ít “đi dạo trên những con đường ngan ngát” mới “cảm nhận được hoàn toàn chất thiên nhiên tinh khôi” quanh mình...

Mong Hà Nội tiếp tục xanh – với những loài cây truyền thống có hoa thơm chứ không phải với “cây Tây” điển hình hoa không thơm – để con cháu người Hà Nội thức khuya dạo phố sẽ được thưởng thức “những làn hương kỳ ảo” từng phất qua dưới mũi cha ông…
(Thu Tứ)



Băng Sơn, “Hương đêm Hà Nội”




Hà Nội về đêm (...) Nhất là khi có những làn hương kỳ ảo (...) như mang một tâm hồn khác (...) Những tầng cây ban ngày xanh biếc chuyển sang màu thẫm như nhuộm ánh đêm. Hoa không khoe sắc để gọi bướm ong hay mắt người, mà làm một việc khác mơ màng hơn: tỏa hương vào bầu trời thanh sạch. Mùa nào Hà Nội cũng có riêng một thứ hương đêm (...) Cũng không hiểu mùa tạo ra hương hay hương gọi mùa về (...)

Hà Nội mùa thu (...) không bị mưa phùn làm ẩm ướt, không bị nắng xém cả lá cây. Cũng không bị gió mùa đông bắc làm tê tái (...) Lá bay vàng rộm mặt đường (...) sương lam mơ hồ trên mặt sóng... Thời tiết cứ dìu dịu (...) Những làn hương từ đâu đó lan tỏa vào không gian (...)

Hoa dạ hợp trắng muốt, vừa tỉnh khỏi một cơn mộng nồng nàn, khi những ngọn đèn đường sắp thức dậy. Chẳng dễ gì tìm thấy cây nửa thẳng nửa leo ấy, thấy những cành mềm cho bốn cánh hoa mập mạp, cong như móng con rồng thiêng bí mật. Chỉ cảm thấy đâu đây nở bông hoa như sự có mặt của người vô hình, người thích trò ú tim ẩn hiện, người hẹn hò với ta nhưng còn nấp vào chỗ nào để ta phải hồi hộp kiếm tìm.

Khu vườn biệt thự nào trên đường Phan Đình Phùng (...) tung ra những con sóng hương hoàng lan thoảng nhẹ, và hương ngọc lan như ngón tay tháp bút, trắng muốt, sắc sảo hơn, khiêu khích hơn. Ngõ Tức Mạc, Cung Thiếu nhi và những nơi nào, cây hoàng lan mấy trăm năm còn bền lòng xức nước hoa cho Hà Nội.

Xin những đôi người hãy thủy chung đến bạc đầu nếu một lần đã sóng bước dưới đường thơm hoa sữa phố Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du. Hẳn có người khó ngủ nếu bên cửa sổ có xòa một cành sữa mùa thu. Có lẽ sương thu đã lấn át, đã bắt hương sữa chỉ được bay ngang, hoặc sà xuống thấp, sương thu chiếm phần chiều cao? Vì vậy mà hương sữa cứ ướt đẫm tóc những đôi người (...) Có đôi người đã có cháu nội cháu ngoại mà năm nào cũng phải một lần dắt tay nhau đi trong đêm sương thu đầy hoa sữa. Lúc ấy họ nói gì với nhau, họ nghĩ gì bên nhau, họ nghĩ gì về Hà Nội, hỡi mùa thu đi qua mà chẳng bao giờ mất (...)

Vườn Chí Linh có mấy khóm dạ lan hương, đêm hè hoa nở như níu chân người qua lại để tâm sự điều gì.

Dọc bao phố cây xum xuê tròn bóng, những hàng sấu cổ thụ cứ tháng ba lại khiêm tốn tỏa một thứ hương ra xung quanh. Không thơm ngát, không tình tứ, chỉ thoảng nhẹ như không có, chợt hiện rồi chợt biến, khi những bông hoa như cái chuông nhỏ xíu trắng ngà rơi nhẹ không một âm vang. Cả hương và hoa cứ bay cứ rơi (...) không để ý có khi người vô tình không thấy.

Đi trong đêm (...) hồn ta (...) cảm nhận được hoàn toàn chất thiên nhiên tinh khôi trong hương thơm hoa lá.

Đôi khi hiếm hoi bắt gặp từ ban-công chuồng chim nhà ai một chút hương nhài khêu gợi mà kín đáo, lả lơi mà thắc thỏm, không đủ sức bay xa. Hoặc qua một ngõ có ngôi chùa cổ kính, một gốc bưởi cằn nào đó bỗng tỏa làn hương mộc mạc đồng quê, gợi nhớ đến đĩa bánh trôi bánh chay tháng ba có hội làng rộn rã, và có những làn mưa lây phây làm duyên cho cánh đồng, cây cỏ...

Hương đêm Hà Nội (...) yêu biết bao nhiêu (...) không uổng phí, nếu phải thức những đêm dài để đi dạo trên những con đường ngan ngát (...)