“Thế giới bây giờ” (6.1)



CÁCH MẠNG VŨ KHÍ (I)



Thời đại đá
Từ đầu thời đại kim loại đến thế kỷ 14
Từ thế kỷ 14 tới cuối Thế chiến I
Từ cuối Thế chiến I tới cuối Thế chiến II






Vì luật sống căn bản của loài người là Luật Rừng Xanh, ai ai đều mong muốn mình mạnh hơn người khác. Cải tiến vũ khí cũ hay chế tạo vũ khí mới, do đó luôn là ứng dụng hàng đầu của tiến bộ kỹ thuật.

Vũ khí có năm tiêu chuẩn đánh giá:

- Sức công phá

- Tầm đánh

- Độ chính xác

- Tốc độ đánh (bao lâu thì tới mục tiêu)

- Tần số đánh (bao nhiêu lần trong một đơn vị thời gian).

Sau đây hãy điểm qua một số vũ khí tiêu biểu mà nhân loại đã phát minh cho tới nay.

Thời đại đá

Vũ khí làm bằng vật liệu tự nhiên sẵn có như đá, gỗ, tre, xương v.v., thiết kế chủ yếu để đập, bổ, đâm.

Tuy có cung, nỏ, nạng, lao để đánh từ xa, nhưng giao tranh điển hình là đánh xáp lá cà: một người vung vũ khí nhằm vào đúng một người.

Từ đầu thời đại kim loại đến thế kỷ 14

Vũ khí đánh gần trở nên đa dạng hơn hẳn, nhiều món có lưỡi bén có thể dùng để chém.

Vì sắt cứng hơn đồng đáng kể, nên từ đồng qua sắt cũng là một đợt nâng cấp chất lượng vũ khí rất quan trọng.

Về phương tiện chở vũ khí, ngoài loài vật, ở một số nơi có nhiều ngựa loài người sáng kiến chế tạo loại chiến xa ngựa kéo, một thời được xem là rất hiệu quả. Ở vùng sông nước hay ven biển, thì thuyền là phương tiện chở chính.

Giao tranh điển hình vẫn là đánh xáp lá cà.

Chưa có vũ khí sát thương hàng loạt.

Từ thế kỷ 14 đến cuối Thế chiến I

Tuy người Tàu phát minh ra cả thuốc súng lẫn súng, nhưng cho đến khi người Âu châu bắt đầu cải tiến thiết kế và sáng tạo thêm thì những thứ vũ khí dùng chất nổ chưa được xem là cực kỳ lợi hại.

Người Âu làm cho súng cá nhân bắn từng phát một bắn được xa hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, Họ chế ra lựu đạn, súng liên thanh. Và họ hoàn thiện đạn pháo nổ: so với thứ “thần công” bắn cục đá cục sắt của các nước Á Đông thì đại bác Âu ghê gớm hơn không biết bao nhiêu! Trong thế kỷ 19 người Âu lại phát minh được TNT, một loại chất nổ mới mạnh hơn hẳn thuốc súng cổ điển.

Việc sản xuất các phương tiện chở cũng đạt tiến bộ lớn. Các loại tàu chiến nổi trên mặt nước mỗi ngày mỗi thêm tối tân. Đặc biệt, về cuối thời kỳ này xuất hiện thêm bốn phương tiện chở hoàn toàn mới và đầy tiềm năng, là xe tăng, tàu ngầm, máy bay và tàu sân bay.

Tàu ngầm và máy bay lại dẫn tới hai thứ “đạn” mới. Một là đạn tự hành dưới nước, tức thủy lôi. Hai là đạn được thả chứ không phải bắn, tức bom. Bom và thủy lôi chứa nhiều chất nổ gấp nhiều lần đạn pháo, trở thành hỏa lực áp đảo trên chiến trường.

Cũng về cuối thời kỳ này, xuất hiện vũ khí hóa học. Trong Thế chiến I, vũ khí hóa học giết khoảng chín chục ngàn và gây thương tổn cho khoảng một triệu hai trăm ngàn người.

Nhân loại bây giờ có khả năng giết nhau từ xa và giết được hàng ngàn người trong một “phát”!

Từ cuối Thế chiến I đến cuối Thế chiến II

Từ 1918 đến 1945, chất lượng chiến cụ tiếp tục cải tiến ngoạn mục.

Về các phương tiện chở, phát triển đáng chú ý nhất là sự trưởng thành của tàu sân bay, vốn hãy còn trứng nước khi Thế chiến I chấm dứt. Chỉ trong đôi chục năm, loại tàu này đã trở thành biểu tượng của sức mạnh hải quân, thay thế những thiết giáp hạm khổng lồ trang bị đại pháo.

Về đạn tự hành, lần đầu tiên xuất hiện “bom bay”. V1, V2 của Đức tuy khả năng hạn chế nhưng có giá trị báo hiệu sự ra đời của hỏa tiễn.

Về sức công phá, dĩ nhiên cuối Thế chiến II đã xuất hiện một thứ vũ khí “cách mạng”: bom nguyên tử. Vừa “lọt lòng”, bom nguyên tử đã được đem ra sử dụng ngay, mỗi quả giết được hàng trăm ngàn người chỉ trong nháy mắt!

Cũng trong thời kỳ này, vũ khí sinh học “khoa học” (phân biệt với dạng thô sơ như nấm độc, xác thối v.v.) phát triển. Trong chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945), quân đội Nhật chắc chắn đã dùng vũ khí sinh học để tấn công quân và dân Tàu, nhưng hình như không gây được bao nhiêu tổn thất.



Thu Tứ