Bà Đống hẳn đã được dân làng Nhồi thờ từ trước khi thờ Phật. Đạo Phật không độc tôn, khi vào nước ta không đòi tổ tiên ta phải bỏ tín ngưỡng đang theo, trái lại, tỏ ra hết sức hòa đồng: chùa xây để thờ Phật nếu muốn thờ luôn đấng thiêng liêng nào nữa thì cứ thoải mái! Có nhiều thần của người Việt cổ đã vào ở luôn trong chùa hàng bao thế kỷ nay. Bà Đống thì mỗi năm mới vào một lần, ở chỉ vài hôm. Bà ngụ “tại một gò đất ngoài đồng”. Không thấy nói trên gò có tượng. Vậy “mời lên” đây là tượng trưng, trên chiếc kiệu khiêng về chùa chỉ có ghế không? (Kiệu, ghế, đòn khiêng làm bằng tre mây, chắc cho nhẹ, vì toàn phụ nữ khiêng. Những chiếc đòn ấy mà “lao” thì nguy hiểm, hay thực ra là tung ngang?) (Thu Tứ)



Đặng Văn Lung v.v., “Lễ hội làng Nhồi”




Làng Nhồi, tức làng Hòa Đình, nằm hai bên quốc lộ 1A, sát thị xã Bắc Ninh về phía nam. Hội chùa của làng là ngày 7 tháng giêng âm lịch hằng năm. Làng Nhồi không có nghè, chỉ có đình. Thành hoàng gọi là Bà Đống, “trú ngụ” tại một gò đất ngoài đồng. Có lẽ khoảng đồng này ngày xưa thuộc làng Nhồi nhưng nay thì thuộc địa phận làng Đống Cao. Vì vậy cho nên mỗi lần hội, làng lại phải tổ chức rước thành hoàng về chùa, tan hội lại rước ra. Lễ rước tiến hành như sau:

Tối ngày mồng sáu âm lịch, các cô gái chưa chồng trong làng tụ tập ngủ bọn. Đến giờ Tý (nửa đêm), chuông chùa thỉnh, các cô thức dậy, từng tốp từ nhiều phía lặng lẽ đi đến gò đất làng Đống Cao. Một vị thứ chỉ đã đến đó trước, đốt hương khấn vái. Lúc này họ mới ngả kiệu ra lắp. Lắp xong kiệu, mời Bà Đống lên, rồi rước về.

Đi đầu đám rước có hai cô khiêng chiếc trống cái, một cô cầm dùi vừa đi vừa đánh theo nhịp ba. Theo sau trống là hai cô khiêng chiêng với một cô đánh chiêng theo nhịp trống. Sau đó mới đến bốn cô khiêng kiệu. Kiệu làm bằng tre. Trên kiệu buộc một chiếc ghế mây có tay vịn, xung quanh ghế có buộc lá cây và gài các thứ hoa. Đòn khiêng làm bằng tre có dán giấy ngũ sắc. Khi chiêng trống nổi lên thì trai làng Đống Cao chạy ra giằng kiệu. Bên Đống Cao đã chuẩn bị sẵn một số đòn lao, là những khúc gỗ to bằng bắp tay, dài chừng 1m đến 1m50, dán giấy ngũ sắc. Hai bên giằng kiệu ra vẻ kịch liệt, rồi bên Đống Cao đem đòn ra ném, bên Nhồi bắt lấy rồi ném lại, cứ thế. Đòn đám trúng vào ai, tuy có bị đau nhưng người ta tin rằng người đó năm ấy sẽ có phúc, gặp nhiều may mắn. Các cô ở Nhồi vừa giao tranh với trai Đống Cao vừa bảo vệ cho những người khiêng kiệu. Khi đoàn kiệu ra khỏi phạm vi làng Đống Cao, thì cuộc giao tranh kết thúc.

Khi về tới chùa, cũng là lúc trời rạng sáng, người ta làm lễ đưa Bà Đống vào vị trí đã sắp xếp trước trong chùa. Tất cả các cô quỳ trước Phật đài. Người xem đứng chật cả chùa. Giữa lúc đó, một tràng pháo nổ ran xen lẫn tiếng trống chiêng vang rộn.

Dứt tiếng pháo, một sư cụ ở trong chùa bước lên phía trước, quỳ xuống gõ mõ tụng kinh. Chừng vài phút sau, các cô cúi xuống lễ Phật và Bà Đống. Lúc này người xem đã giãn ra. Thềm chùa, sân chùa được trải chiếu, và từng bọn quan họ ngồi hát với nhau xưng tụng công đức Vua Bà và Phật.

Lúc đó các cụ ở các làng lân cận (Xuân Ổ, Khả Lễ, Niềm, Yên) cũng đã khăn áo chỉnh tề, đem cành cau thẻ hương và tiền lễ đến lễ Phật.

Các cụ, các bà ở Nhồi chia nhau thành từng nhóm năm, sáu người một, ra tận cửa chùa đón khách thập phương. Gặp nhau, đôi bên chào hỏi niểm nở theo tiếng nhà Phật: “Nam vô A-di-đà Phật”. Bên khách bưng cơi trầu và toàn bộ lễ vật một cách cung kính ngang ngực tiến lên. Cụ này bắt đầu cất giọng, và cả toàn khách cùng hát theo, nội dung là chào mừng hội và dâng tấm lòng thành lên Phật. Dứt tiếng hát của khách, thì nhóm các cụ bà bên chủ cũng cất tiếng hát nói lên tấm lòng thành với Phật. Hai bên lần lượt hát như vậy một lúc xong, chủ mới đỡ lễ, đỡ nón, dẫn khách vào trong chùa lễ Phật. Vào lễ Phật xong, lại ra hát một lúc nữa. Hát xong, hai bên mới mời mọc, chuyện trò, thăm hỏi nhau. Những lời trao đổi lúc đó, ngay cả khi mời nước, mời trầu, chủ và khách cũng đều hát lên.

Sẩm tối, các cô gái lại vào làm lễ Phật lần thứ hai, và lúc này mới chính thức vào hội. Con trai ở các làng khác kéo đến rất đông. Khi bọn con gái ở chùa bước ra, họ reo hò ầm ĩ, rồi cùng nhau mời đón các cô đi về “nhà chứa” hát quan họ cho đến khuya.

Hiện nay việc nghiên cứu về thành hoàng còn chưa được chú ý lắm. Theo ý kiến một số nhà nghiên cứu, thì thần bản thổ vốn ngày xưa ở ngoài làng, về sau mới đưa về thờ ở nghè. Nếu đúng như vậy, cách thức thờ Bà Đống trên đây phản ánh một phong tục xa xưa. Tính chất cổ xưa còn thể hiện trong lễ tiết “lao đòn đám”, trong sự quy định chỉ có phụ nữ mới được đi khiêng Bà Đống, cùng quan niệm đòn đám chạm vào ai thì người đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm...


(Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý,
Quan họ - nguồn gốc và phát triển, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1978)