Đây là lần thứ sáu vua Đại Việt tự cầm quân đi đánh Chiêm Thành.

Lần này đại bại, vua tử trận!

Sử nhận định vua “không nghe lời can, khinh thường quân giặc (...) chứ không phải là do bất hạnh”. Nhưng thực ra có thể đã có bất hạnh. Nếu Đỗ Tử Bình đã đem hậu quân lên cứu... Nếu Trần Húc đã không hàng (giả sử y hàng trước khi vua bị giết)...

Thương thay Đỗ Lễ! Còn tên Tử Bình trước lừa vua sau bỏ vua, “tha cho hắn tội chết”, là tha làm sao?!

Chế Bồng Nga đã rửa được phần nào cái nhục bại trận mà quân Chiêm tích lũy trong gần bốn trăm năm.

(Thu Tứ)



Đại Việt sử ký toàn thư, “Trần Duệ Tông bình Chiêm”



Vua ở ngôi 4 năm, thọ 41 tuổi. Vua ương gàn cố chấp, không nghe lời can, khinh thường quân giặc, nên mang họa vào thân chứ không phải là do bất hạnh (...)

Quý Sửu (1373)

Mùa thu, tháng 8, định việc bổ sung quân ngũ, đóng sửa thuyền chiến để chuẩn bị đánh Chiêm Thành (...) Mùa đông, tháng 12, xuống chiếu nói việc vua thân đi đánh Chiêm Thành (...)

Giáp Dần (1374)

Tháng 3, xuống chiếu cho Thanh Hóa, Nghệ An đào kênh đến cửa biển Hà Hoa (...)

Ất Mão (1375)

Sai đốc suất người Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình đắp sửa đường sá từ Cửu Chân đến Hà Hoa, 3 tháng thì xong (...) Mùa thu, tháng 8, làm sổ quân, thải bớt người già yếu, lấy người mạnh khoẻ bổ sung vào. Những người làm thuê của các hộ, xá Thanh Hóa, Nghệ An đều phải sung vào quân ngũ (...)

Bính Thìn (1376)

Tháng 5, Chiêm Thành đến cướp Hóa Châu.

Tháng 6, xuống chiếu cho các quân sắm sửa khí giới, thuyền chiến để chuẩn bị việc thân chinh Chiêm Thành.

Tháng 7, ngự sử trung tán Lê Tích dâng sớ can (...) Vua không nghe.

Tháng 8, xuống chiếu cho quân dân Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu chở 5 vạn hộc lương tới Hóa Châu.

Tháng 10, đại duyệt quân thủy, bộ ở bãi cát sông Bạch Hạc. Hai vua đích thân làm tướng.

Tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành, dẫn 12 vạn quân xuất phát từ kinh sư (...) Sai Lê Quý Ly đốc thúc Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa chở lương cấp cho quân.

Trước đây, chúa Chiêm Thành Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua sai hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng lên [vua]. Tử Bình ỉm đi, lấy làm của mình, nối dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh. Bấy giờ quan quân đến cửa biển Di Luân, các quân vượt biển mà tiến. Vua cưỡi ngựa dẫn quân bộ, men theo bờ biển, đến cửa biển Nhật Lệ đóng quân lại, luyện tập trong một tháng. Người Tân Bình, Thuận Hóa bắt được người Chiêm trốn sang, đem đến dâng nộp.

Đinh Tỵ (1377)

Mùa xuân, tháng giêng, ngày 23, đại quân tiến đến cửa Thi Nại của Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, đóng ở động Ỷ Mang.

Bồng Nga dựng trại bên ngoại thành Đồ Bàn, sai viên quan nhỏ là Mục Bà Ma đến trá hàng, nối dối là Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ còn lại thành không, nên tiến quân gấp, đừng để lỡ cơ hội.

Ngày 24, vua mặc áo đen, cưỡi ngựa nê thông, sai Ngự Câu vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kíp truyền lệnh tiến quân.

Đại tướng Đỗ Lễ can rằng: “(...) Cổ nhân có nói: “Lòng giặc khó lường”. Thần xin bệ hạ hãy xét kỹ lại”.

Vua nói: “(...) Cổ nhân nói “Dùng binh quý thần tốc”. Nay nếu dừng lại không tiến, thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà”. Rồi sai lấy áo đàn bà mặc cho Lễ.

Quân lính bèn nối gót nhau như xâu cá mà đi. Cánh quân đi trước và cánh quân ở sau hoàn toàn cách biệt. Giặc thừa thế xông ra đánh chặn. Giờ Tỵ, quan quân tan vỡ. Vua bị hãm trong trận mà chết.

Bọn đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết cả.

Giặc bắt sống được Ngự Câu vương, đem con gái gả cho.(1)

Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân, không đến cứu nên thoát chết. Lê Quý Ly đốc quân chở lương, nghe tin vua băng, bỏ trốn về nước.

Ngày hôm ấy ở kinh sư, ban ngày mà trời tối om, chợ búa phải đốt đuốc để mua bán. Xe cũi chở Tử Bình về qua Thiên Trường, người ta lấy gạch ngói ném vào thuyền mà chửi hắn. Quân trở về, trị tội Tử Bình, tha cho hắn tội chết, phạt tội đồ làm lính.

Trước đây, ngự sử đại phu Trương Đỗ (có sách chép là Xã) (...) ba lần dâng sớ can vua (đừng tự mình cầm quân đi đánh Chiêm Thành) không được, bèn treo mũ mà bỏ đi.


(
Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 7)




__________
(1) Năm 1381 triều đình ta dụ giết được kẻ hàng giặc này.