Nghệ thuật là một biểu hiện của văn hóa. Năm 1938, khi nêu những đặc tính căn bản của văn hóa dân tộc, Đào Duy Anh viết: “Đừng nên xem những tính chất ấy (...) là bất di bất dịch”.(1) Thử nghĩ. Tại sao “đừng…”? Bởi văn hóa là do môi trường sinh hoạt. Môi trường đổi ít thì đặc tính căn bản không đổi. Nhưng môi trường đổi nhiều tới mức nào đó thì đặc tính căn bản sẽ đổi. Từ lúc ấy, ta có một nền văn hóa khác. Năm nay 2023. Nghệ thuật ráo riết tiếp thu cái nghĩ suy luận ngự trị văn hóa mới, tưởng như vẫn còn, nhưng thực ra… Chế Lan Viên từng dự phóng “Thơ thế kỷ 21”. Có đâu người ơi. Chỉ ít lâu sau khi người hóa hư không thì thơ cũng bắt đầu diễn biến hóa hư không. Người thật cởi mở, đã tạo ra được nhiều hoa mới và đẹp, có ngờ chăng đó là những đóa nở rất gần phút cuối cùng của một Nước Thơ… (Thu Tứ)



Chế Lan Viên, “Tiếp thu hiện đại”




Chúng ta rất mừng khi thấy một nghệ thuật nào đó có gốc rễ sâu trong quá khứ dân tộc. Nhưng nghệ thuật cũng như cái cây vậy, nếu rễ ăn sâu nhưng cây đã ruỗng đã già thì có nghĩa gì. Theo tôi, không phải cái gì cổ nhất thì dân tộc nhất (...) Dân tộc, theo tôi nghĩ, cũng không bắt buộc là phải xuất xứ, sinh sản ngay từ trong dân tộc ấy (…)

Ta hay nhầm lẫn “vin vào cái gốc”, “giữ vững cái gốc”, với “bo bo lấy gốc”. Bo bo lấy gốc thì không tiếp thu cái mới, tiếp thu hiện đại được! Mà “mới”, “hiện đại”, là nhu cầu cấp thiết của tất cả mọi ngành, cho mọi “sinh vật”, “nghệ thuật” nào muốn tồn tại.


(“Múa rối và thơ”,
Tác Phẩm Mới số 58, 2-1976, in lại trong Các nhà văn nói về văn, nxb. Tác Phẩm Mới, 1985. Nhan đề tạm đặt.)