“Dư âm phồn thực”




Dân tộc Việt Nam có truyền thống hoàn toàn thoải mái đối với sinh hoạt tình dục.(1) Sau khi “mùa cổ điển” của văn học chữ Nôm bắt đầu lúc nào đó trong thế kỷ 18, “thừa cơ” tiếng mẹ đẻ được các nhà nho dùng nhiều khi sáng tác, nét cơ bản của văn hóa dân tộc này đã xâm nhập mạnh mẽ vào văn chương bác học. Trên “cành” thơ Nôm, ngay bên cạnh những “quả” Cung oán, Chinh phụ, Kiều, thơ Bà Huyện Thanh Quan, thơ Nguyễn Công Trứ, thơ Cao Bá Quát, thơ Nguyễn Khuyến, thơ Tú Xương v.v., là lủng lỉu những “trái” Xuân Hương...(2)

Như thế hoàn toàn tự nhiên, vì nho Việt vẫn là dân Việt, trong lòng không hề xem tục là xấu. Nho ta viết chữ Tàu thì thôi, chứ đã sáng tác bằng quốc ngữ thì sao khỏi có lúc cầm bút lông nhúng vào mực Tàu để viết ra những chữ những câu rất trái ý thánh hiền Tàu.

*

Giặc Pháp chiếm nước ít lâu, chữ quốc ngữ La-tinh thay chữ quốc ngữ Nôm và Tây học thay Nho học. Có ai để ý, với ngoại lệ xin sẽ nói sau, văn học chữ quốc ngữ La-tinh tiền chiến thiếu hẳn cái nét Xuân Hương của văn học chữ quốc ngữ Nôm ngay trước nó? Chính thơ Xuân Hương cũ thì có được in lại bằng chữ quốc ngữ mới để bán cho những người hoài cổ, nhưng không có nhà thơ mới nào sáng tác loại thơ Xuân Hương.

Ô hay, thời Nho học, mặc cho... Khổng Tử cấm, trí thức Việt vẫn thơ tục vô tư. Tại sao bước sang thời Tây học, lại rủ nhau cùng thoát ly văn hóa dân tộc thế?

Giặc Pháp không chỉ đổi cái cách ta viết chữ quốc ngữ và nội dung của chương trình học đâu. Giặc đã làm xẩy ra cái diễn biến “tỉnh Tây hóa” cả một nước quê (3), mà một kết quả là thay đổi quan trọng trong lòng trí thức Việt Nam. Thời Nho, học trò điển hình ở ngay trong làng, sống chan hòa với dân làng, nên học Nho thì học vẫn cứ thấm nhuần văn hóa Việt Nam. Thời Tây, học trò phải ra tỉnh học, sống xa cách nông thôn là chỗ hầu hết người Việt sống, do đó dần dần trở nên bỡ ngỡ với một số nét của chính văn hóa dân tộc mình. Tam Nguyên Yên Đổ làm thơ dùng chữ “buội” tỉnh bơ, trong khi đố ai tìm thấy trong thơ Mới một tiếng tục nào.

Thân xa quê, lòng rồi lạ quê, là chuyện buồn không thể tránh được.

*

Một nét văn hóa cơ bản lẽ nào mất đi “không một tiếng vang”.(4) Thời tiền chiến nét tục không vang trên thi đàn chính thức, nhưng có dư âm ở ít nhất đôi nơi khác.

Năm 1942, khi dịch Tây sương ký, đến những đoạn nóng bỏng trong câu chuyện tình giữa Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh, dịch giả Nhượng Tống bỗng hóa thi sĩ:

“(...) Tha cho nhau tội lần khân,
Tôi mở dần khuyết áo, cởi lần dây đai...
Chưa quen ngây ngất cả người,
Buồng khuya lan xạ ngát mùi hương xông.
Sao không quay mặt lại cùng?
Yêu nhau phượng bế loan bồng đã sao!
Then mây mở cửa Ðộng Ðào...
Ðào tiên hớn hở đón chào tin xuân.
Những là tê tái tần vần,
Lả dần vóc liễu, mở dần lòng hoa...
Rồng, mây, cá, nước mặn mà!
Nụ đơn nở, giọt sương sa đầm đìa...
Nhị non, hương sớm bốn bề,
Tha hồ con bướm đi về thong dong!
Em dùng dằng nửa thuận nửa không!
Tôi khắp người bủn rủn, trong lòng mê tơi!”
.

Tất nhiên là “em Oanh” rồi thuận để “anh Thụy” tha hồ... “Mây lồng đài Dương” không được lâu như ý, vì “em” đang đêm trốn mẹ lén qua với “anh”. Chia tay bịn rịn, “anh” xin ngay cái hẹn nữa:

“Bây giờ họp mặt buồng xuân,
Bao giờ lại được cởi lần dây lưng?”
.

Hoa còn lúng túng, bướm đã cầm... cuống, khen dồi:

“Mày xanh lồ lộ vẻ xinh!
Nõn nà bộ ngực xuân tình đầy vơi!”
,

rồi rất tự nhiên lên luôn lịch ái ân:

“Ðã thương, thương trót họa là..
Ðêm mai sang sớm hơn là đêm nay!”
!

Ðêm mai, đêm mốt, đêm kia..., hoa cứ đều đặn “nở” vào giờ Tí canh ba như thế được ít lâu thì Bà Lớn biết. Bị tra hỏi đưa cô chủ qua bên ấy để “(cô) làm trò gì”, con a tì Hồng ấp úng:

“Chắc là tiêm thuốc bổ cho nhau!
Cái trò trai gái biết đâu cho cùng!”
.

Hỏi vậy, nhưng Bà Lớn biết thừa trò gì đã diễn ra giữa con gái mình và tên nho sinh “dâm đãng” kia. Chuyện đã lỡ, chi bằng gả quách cho hắn, với điều kiện phải thi đỗ làm quan. Về phần Trương Quân Thụy, trên đường vào kinh thi Hội, còn bàng hoàng:

“Ðêm qua đệm thúy hương bay,
Nhích mình kề má, luồn tay gối đầu,
Dưới đèn tỉ mỉ nhìn nhau,
Càng nhìn càng thấy mọi màu mọi tươi!”
.

Màu tươi cần đêm đêm thắp đèn nhìn tỉ mỉ trước khi nó hết tươi. Kẻ đi thi phen này phải lo xôi kinh nấu sử thật chín để mau mau được về nhìn!

Ra sau mùa, nhưng thơ Mái tây của Nhượng Tống tự nhiên kém gì những bài Xuân Hương sáng tác ngay giữa mùa cổ điển.

*

Dư âm thứ hai đến từ tác giả Tắt đèn, Lều chõng. Ai cũng biết Ngô Tất Tố ấy. Có một Ngô Tất Tố khác hình như ít được để ý. Nguyễn Công Hoan kể ông Ngô này dịch Cẩm Hương đình kể chuyện Dương Quý Phi cưỡng dâm thanh niên thành bài hát xẩm:

“Loan thì phòng, loan thì phòng,
(...)
Ðôi gối hoa chiếc dọc chiếc ngang,
Tóc mây rũ rợi, cái thoa vàng lung lay...”
,

được Tản Đà khen “Văn anh này láu lắm!” và từ đó hai người giao thiệp.(5)

Hẳn không ngẫu nhiên, người làm được thứ thơ “láu lắm” sau đó có sáng tác một quyển tiểu thuyết dã sử về Hồ Xuân Hương. Trong Trong rừng nho (6), rải rác những bài thơ Nôm truyền tụng quen thuộc, thêm một bài song thất lục bát năm mươi câu “láu” ơi là láu, hẳn của chính tác giả:

“(...) Cơn vắng vẻ mặt dầy ngắm lại,
Lúc buồn tình tay gãi đã quen.
Rành rành múi mít đôi bên,
Lùm lùm trai úp là miền hạ thôn.

Cỏ rêu mọc xanh om cửa tía,
Lá cờ bay đỏ khé song đào.
Môi dầy, miệng rộng, trán cao,
Ðúng trong tướng pháp “anh hào nghi dung”.

Ấy rõ thật là... vông rầy rậy,
Bằng lương nhân trông thấy cũng ghê.
Há như lá tróc, lá tre,
Mà cười mà ngắm mà kề mà hôn?

Của trời cho, xinh giòn là thế (…)

Nhưng mà lại vào dòng quý tướng,
Bộ râu xồm quai nón phất phơ.
Màn quần che kín sớm trưa,
Tuyết sương chẳng quản nắng mưa chẳng từng”
.

Giữa bài thơ trên của Ngô Tất Tố với bài “Đèo Ba Dội” chắc có hàng trăm năm phân cách, trong đó năm chục năm sau là dâu bể xã hội, văn hóa, thế mà hai bài y như tác phẩm cùng thời!

*

Sau Nhượng Tống khá lâu, trong cụm thơ rất hay kia, nếu lắng kỹ ta có thể nghe được dư âm phồn thực. Yếu lắm rồi, nhưng không thể nhầm, chính là nó! Dịp khác chúng tôi xin sẽ bàn.



Thu Tứ
Viết năm 2013
Sửa tháng 5-2017




















__________
(1) Xem bài “Tục nhiều căng ít” trong sách
Cảm nghĩ miên man II, nxb. Hội Nhà Văn, 2017.
(2) Chúng tôi cho rằng đây là tác phẩm của một số nhà nho, chứ không phải của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Xem bài “Thơ Hồ Xuân Hương” trong sách
Cảm nghĩ miên man, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và nxb. Thế Giới, 2015.
(3) Xem bài “Thôi một nước quê” trong sđd. nơi chú thích (2).
(4) Nhan đề một vở kịch của Vũ Trọng Phụng.
(5)
Tuyển tập Nguyễn Công Hoan, tập III, 1986.
(6) Nxb. Mai Lĩnh (Hà Nội) in lần đầu khoảng năm 1940, nxb. Ðà Nẵng tái bản năm 1990.