“Tuyên truyền võ trang”...

“Tuyên truyền” thì dễ hiểu: nhân dân cần được giải thích về chủ trương, chính sách của nhà nước, và cần được thông tin về tình hình kháng chiến. Vì nhu cầu giữ vững tinh thần quyết chiến của dân, việc thông tin không nhất thiết phải chính xác. Thắng một, cứ nói thắng hai; thua hai, cứ nói thua một. Mặt khác, cũng phải nhấn mạnh rằng khó khổ còn nhiều để dân chuẩn bị cho đúng mức. Tóm lại: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!”!

Nhưng tại sao lại “võ trang”?

À, đây là chỗ vô cùng đau xót.

Không phải nhân dân ai ai cũng sẵn sàng theo kháng chiến bất chấp tình hình đâu. Có đầy những kẻ nếu thấy kháng chiến ít súng ít quân, sẽ không theo, thậm chí còn tích cực giúp giặc! Để tuyên truyền dễ có hiệu quả, kháng chiến phải về làng với càng nhiều súng nhiều quân càng tốt. Không nhiều thật, thì cứ nhiều giả: đeo súng hỏng, lựu đạn thối, chỉ có một trung đội mà chạy tứ tung, bảo nhiều trung đội!

Dĩ nhiên cái sự thực này về dân chẳng mới mẻ gì. Và dĩ nhiên, dân ở bất cứ đâu cũng thế, chẳng riêng gì dân Việt.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Xung kích (7b)



Sản đã tỉnh ngủ hẳn, nằm tính kế hoạch tuyên truyền võ trang.

Đêm vẫn rét buốt, càng lúc càng buốt quá. Anh em vẫn quắp nhau ngủ mệt như chết. Sản toan trở dậy đốt lửa thì nghe thấy tiếng chân bước khẽ bên ngoài lán, rồi một bóng người lom khom ôm mớ củi bước vào. Tiếng bật lửa xạch xạch, mấy cây củi bắt cháy lên, hơi lửa ấm tỏa ra trong lán. Bóng người ngồi im trước ngọn lửa mặt thần ra nghĩ ngợi. Sản khẽ nhổm dậy nhìn xem ai, thì đó là Cốc.

- Cậu không đi ngủ à?

Cốc vẫn nhìn chăm chăm vào ngọn lửa đang bập bùng, và lấy tay đẩy thêm mấy cành khô vào cho cháy to hơn.

- Tôi nghĩ thương ông cụ Đậu quá anh ạ. Nghĩ thương làng tôi, không biết bây giờ ai mất ai còn.

Cốc muốn nói nhiều mà không nói được, không biết kể thế nào cho hết những điều đang làm cho gan ruột anh bổi hổi. Từ lúc bắt đầu leo qua dãy Tam Đảo, sang đến đất Vĩnh Yên quê hương, Cốc đã khấp khởi hồi hộp. Những quãng đường này Cốc đã thuộc lòng. Có lẽ ban ngày, trèo lên mấy đỉnh đồi cao, đã có thể nhìn thấy cái lũy tre thưa thớt quanh xóm quê Cốc ngày trước. Với cây đa cao um tùm. Trong bao nhiêu ngày chiến đấu, Cốc đã qua nhiều nơi giặc đốt phá. Nghĩ đến làng nhà, Cốc cũng đoán chừng khó tránh khỏi tan tác. Nhưng mỗi khi nghĩ đến quê hương, trong trí Cốc vẫn hiện lên cái quang cảnh một vùng thôn, xóm, ấp, trại, rải trên những khu đồi xinh xắn, đây đó một mái nhà lá nấp dưới bóng cọ xanh nắng hoặc bên rừng trám, rừng bạch đàn... Bây giờ tất cả đã thành cỏ hoang, gai góc ngập đầu! Cốc vẫn còn bàng hoàng, như chưa hiểu được...

Sáu năm trước, khi Cốc bỏ quê, tìm ra Hà Nội để xin vào vệ quốc đoàn thì lúc ấy, Cốc chỉ thấy như con chim sổ lồng. Mồ côi từ nhỏ, Cốc lớn lên là đứa trẻ lang thang vạ vật đầu làng cuối chợ. Bắt đầu biết khôn, Cốc đã thấy mình là đứa ở chăn trâu chăn bò trong đồn điền nhà tuần Bách, rồi đến khi thành người, vẫn là cu-li nhà bò. Cái nhà bò mà bây giờ ông cụ Đậu ở, suốt mười mấy năm trời đã là nơi Cốc sống nửa người nửa ngợm với đàn súc vật của lão chủ. Bốn mùa chỉ có cái khố, manh bao tải che thân, những đêm rét như thế này, Cốc đã quen đốt lửa suốt đêm mà sưởi, rồi lăn ra ngủ ngay bên cạnh, có khi sém cả tóc không biết.

Sản giở gói thuốc lá mán đưa mời Cốc:

- Cậu hút một điếu cho ấm.

Cốc lắc đầu và cuộn một điếu cho anh chính trị viên. Họ ngồi bên nhau, không nói, nhưng cùng thấy ấm áp hơn. Bên ngoài gió vẫn ào ào. Thỉnh thoảng một luồng gió tạt vào trong lán, chạy sột soạt dưới mái gianh và làm cho ngọn lửa chồm lên, réo phù phù.

*

Mỗi đêm, hai trung đội từ trong núi đi xuống các làng tề, càng ngày càng sát đường nhựa. Họ len lỏi giữa các bốt và tháp canh dày đặc, vào tận từng xóm, họp nhân dân nói chuyện, giải thích chính sách của chính phủ. Họ khuyên lính dõng, bảo an, đem súng về với kháng chiến. Họ cảnh cáo bọn tề ác. Các cán bộ địa phương theo sát bộ đội, tìm bắt mối lại với các gia đình tốt, gây lại tổ chức. Cứ như thế hành quân, giải thích, bố trí chặn tuần tiễu của địch suốt đêm, sáng ra họ lại về trong lán. Tiến sâu vào hệ thống cứ điểm của địch, mỗi buổi tuyên truyền võ trang lại gay go hơn buổi hôm trước. Hai ba lần, đã phải nổ súng lẻ tẻ.

Ngày cuối cùng, ông chủ tịch huyện và Lý sang.

Sản đang ngồi nói chuyện với ông chủ tịch xã, trong góc bếp một cái lán của đồng bào tản cư. Giữa lán, trên giường nứa, những bồ thóc lớn chồng chất. Cái cối xay ù ù ngoài thềm.

Trông thấy ông chủ tịch huyện và Lý, Sản ngừng câu chuyện, tươi cười chào. Lý bỏ nón mừng rỡ bắt bàn tay trái của anh chính trị viên. Ông chủ tịch hỏi:

- Công việc thế nào anh Sản? Mấy hôm hễ cứ nghe súng đêm là chúng tôi lo.

- Công tác có kết quả tốt. Nổ súng một hai lần nhưng không xảy ra điều gì. À, anh Hòa ạ, anh Lạc với tôi có mấy ý kiến đang định hôm nào về thì bàn với anh. Thứ nhất là vấn đề sản xuất. Đây bỏ mất nhiều ruộng quá.

- Chúng tôi cũng định bàn chuyện ấy, anh cứ góp ý kiến luôn.

Hòa vừa nói vừa quay sang ông chủ tịch xã.

- Ta phải bắt đầu gọi đồng bào về, ông chủ tịch ạ. Chạy xa quá, bỏ hết ruộng rồi chết đói.

Cái mũ dạ đen nước dưa của ông chủ tịch xã gật gật.

- Bắt đầu về rồi. Tôi đã cho làm dần những đám ruộng gần. Đồng bào người ta còn sợ nó bắt mất trâu, chưa dám ra mấy.

Lý ngồi dựa vào bồ thóc, nhìn em bé đang ngủ, xanh xao, rồi lại nhìn bà mẹ rách rưới đang xay thóc. Ở đây đồng bào khổ quá! Lý vẫy tay đuổi con ruồi đang bay trên mặt em bé và bàn:

- Ta phải tổ chức du kích canh gác thì đồng bào mới dám bạo dạn ra làm. Thoạt đầu cứ chiều hẵng ra, làm đến đêm về. Đang có đà chiến thắng, nó không dám sục sạo như trước, phải đẩy mạnh cho dân làm ngay.

Sản gật đầu tỏ ý tán thành. Hòa nói tiếp:

- Ông cho du kích sang, tôi phát thêm súng đạn cho. Bộ đội mới gửi biếu huyện một số. Còn chỗ gạo xay thế nào?

Ông chủ tịch xã chỉ ra thềm nhà:

- Đang làm cả. Lán nào cũng huy động hết người.

- Ông làm xong danh sách dân công chưa?

- Xong rồi. Tôi có chia đủ loại ABC như trong thông tri của huyện.

- Còn một chuyện này nữa, còn cờ không?... Cờ để mét-tinh.

Ông chủ tịch xã mới đầu không hiểu. Nghe hết câu, ông nhoẻn cười. Mét-tinh! Đã bao lâu, từ ngày giặc chiếm đóng rộng ra, mới lại nói đến việc này. Chuẩn bị mét-tinh là bộ đội sắp về giải phóng đây!

- Cờ thì còn đủ. Bao giờ mét-tinh?

- Ấy là chuẩn bị thế thôi.

Sản nghĩ thầm: đợt hai chiến dịch đến nơi rồi.

Gần chiều, một tốp bảy tám đồng chí xã đến. Cốc nhận ra mấy mặt quen trong làng Lộng. Thông thì thào với anh: “Hôm nay gay đấy. Mình thấy nói du kích chưa vào làng này được lần nào. Nó rào như cứ điểm ấy. Tháp canh ngay đầu làng. Ô-tô tỉnh đi lên có năm phút”.

Họ đi suốt chiều tối ra tới tận đường nhựa.

Đêm đã khuya. Lạc dẫn một tiểu đội xuống xóm lẻ bờ sông đào. Hiền đi với khẩu súng máy chặn đường tỉnh. Trung đội du kích vây tháp canh. Sản, Lý và ông chủ tịch huyện lên một quả gò trước cổng làng.

Dỡ hàng rào một lúc thì chó cắn. Phía sông đào, mõ kêu đổ hồi. Súng tay lẹt đẹt sau lưng. Lý nhổm dậy nói nhanh:

- Phá rào mà vào thôi.

Ông chủ tịch huyện giọng phàn nàn:

- Mấy thằng phản động nó trốn hết còn gì!

Sản nghe ngóng tiếng mõ, tiếng súng rồi bảo:

- Báo động chỗ đồng chí Lạc rồi. Tháp canh nó thấy động thì bắn, chưa biết mình vào làng đâu.

Lý giục đồng chí chủ tịch:

- Vào thôi anh Hòa.

- Ừ. Chị nhớ bắt xong thằng tổng Chuyết thì tổ chức giải thích cho nhân dân nhé. Chúng tôi bên này phụ trách đám bảo an, chị cứ yên trí mà làm bên ấy.

Hai người chạy xuống.

Tiếng chó sủa bên trong rộ lên. Lý theo Hòa đạp qua mấy lần hàng rào vào làng. Bóng mũ sắt một anh bộ đội nhô ra.

- Tụi bảo an chuồn cả rồi.

- Thôi tổ nào vào tổ ấy, nhanh lên.

Họ vụt biến vào các ngả. Cốc giật tay Lý.

- Chị đi với chúng tôi kia mà.

Lý chạy theo anh đội viên. Anh giao thông đưa họ tới một nếp nhà tranh nhỏ.(1) Thông cầm ngang súng đạp đổ liếp nhảy vào. Đèn bấm lên. Thông chui ra.

- Nó chạy mất rồi. Sờ chăn còn ấm.

Cốc lao sang nhà bên cạnh. Mấy con chó con sủa ăng ẳng trong nhà, Cốc đập liếp hỏi to.

- Trong nhà có ai không, mở cửa.

Tiếng đàn bà quát: “Mấy con chó này hay thật!”. Một tiếng trẻ khóc ề à. Cánh liếp hé sang một bên. Hơi ấm nồng nồng từ trong nhà phả ra. Mùi sữa hoi, mùi tóc gây gây. Người đàn bà, tóc xõa sau vai, nói không ra hơi.

- Ai đấy?

Lý trả lời:

- Không phải Tây đâu, chị đừng sợ. Chúng tôi ở ngoài cơ quan hôm nay về nói chuyện với đồng bào đây.

Cốc đứng sau lưng Lý hỏi:

- Chị Năng đấy phải không?

- Ai thế?

- Cốc đây chị ạ.

- Úi giời anh Cốc!

Người đàn bà luống cuống. Chị ta bước hẳn ra ngoài, tay búi tóc sau gáy.

Bọn Thông, Mẫn cũng vừa tới. Cốc hạ thấp giọng:

- Chị có biết thằng tổng Chuyết chạy trốn đâu không?

Chị Năng đứng im mấy giây.

- Sau nhà có lối sang bên lão Quản, hay là nó chạy đằng ấy.

- À phải, tôi nhớ ra rồi, - đồng chí giao thông giục – Đi nhanh các anh.

Lý bàn:

- Anh tên là gì nhỉ? À anh Cốc. Anh quen nhiều đồng bào, ở lại đây giúp tôi nhiều việc cần. Ba anh đuổi thằng Chuyết có đủ không?

- Được.

Ba người kia chạy đi. Chị Năng đẩy liếp bảo:

- Chị vào đây. Anh Cốc vào đây. U ơi, anh Cốc về đây này.

Ngọn đèn hoa kỳ thắp lên, trông căn nhà càng lụp xụp. Bà cụ ôm đứa cháu ngồi dậy trên cái chiếu rách. Cái bàn thờ gỗ còn trắng. Cốc hỏi chị Năng.

- Đây làng ta ở xóm này cả phải không?

- Vâng, nó dồn cả làng về đây.

Bà cụ bế cháu lò dò bước tới. Cụ cầm lấy ngọn đèn soi vào mặt Cốc, rồi bỗng sụt sịt khóc.

- Anh Cốc ơi, Tây nó đánh chết thằng Năng rồi.

Cốc chống súng ngây người không biết làm thế nào. Chị Năng mắt đỏ hoe. Lý đứng im lặng nén cảm động. Một đời bà cụ này không biết đã bao nhiêu lần chết con chết cháu, nhà cửa phút chốc tan nát, họ hàng thất lạc, chết đói, chết phu, chết lụt, chết dịch, bây giờ chết bom, chết càn quét. Bên ngoài súng nổ nhiều. Tình hình này, làm cái gì thật nhanh thôi. Mình không có mối, không biết rõ tình hình, không gì bằng hỏi ngay chị Năng xem có thể làm được gì.

- Chị Năng ạ, chúng tôi muốn nói chuyện với bà con. Có cách nào họp nhanh được không?

Chị Năng lau nước mắt:

- ... Hay là bây giờ chị cứ ở đây, em đi gọi cho mới chóng được. Độ mươi mười lăm nhà có được không?

- Được! Cốt thật nhanh! Người tốt, người xấu, chị cứ gọi cả lại đây, càng đông càng hay.

Chị Năng quấn cái khăn vuông trắng hấp tấp đi. Lý bảo Cốc:

- Tí nữa đồng bào đến, anh Cốc nói chuyện nhé.

- Tôi biết gì mà nói!

- Khó gì đâu. Anh cứ báo tin tức cho bà con biết. Tin biên giới, tin vừa rồi. Phát truyền đơn cho đồng bào. Còn điều gì cần nói thêm tôi sẽ nói sau.

Lý và Cốc ra sân đứng đợi. Một bọn đến đầu tiên, xúm lại quanh, líu tíu:

- Anh về bao giờ?

- Anh biết tin thằng Thanh nhà tôi không?

- Trông anh ấy lạ hẳn đi. Ngoài ấy ra thế nào?

Cốc không kịp trả lời mọi người. Buổi nói chuyện tự nhiên mà bắt đầu.

Lý không phải nói thêm nhiều, tiếng súng đã gần lắm. Mọi người đứng không yên, Lý bảo:

- Súng ta đấy, bà con ta cứ bình tĩnh. Chúng tôi về hôm nay, rồi lại đi vội ngay. Tôi chắc bà con ta đang muốn hỏi: tại sao bộ đội đánh rồi lại rút, cho chúng tôi vẫn phải khổ. Tôi đã nghe có mấy cụ hỏi hồi nãy. Thưa các cụ, bộ đội ta đánh bây giờ cốt diệt nhiều giặc, chứ chưa cốt chiếm lại đất. Diệt nhiều giặc thì rồi chúng nó phải bỏ đất như là ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Dưới ta rồi cũng thế, nhưng mà phải lâu hơn, khó hơn. Cho nên đồng bào ta cần hiểu rõ, đừng nghe giặc nó tuyên truyền nhảm. Nay mai, bao giờ bộ đội về thì ta phải lo giúp đỡ bộ đội. Bây giờ chỉ còn một điều: các cụ, các ông bà đã được báo tin tức, thì phải cho bà con hàng xóm cùng biết, cho họ hàng ta khỏi đi lầm đường. Ai trót đi lầm, chúng tôi cũng xin nhờ các đồng bào hôm nay khuyên bảo hộ. Chính phủ vẫn sẵn lòng khoan hồng đối với những người hối lỗi.

Cốc lách ra ngoài đám đông đang chăm chú nghe chị cán bộ. Anh cố ý tìm, rồi bỗng bấm một người con gái yếm trắng ra một chỗ.

- Chị Môn này, tôi có gặp ông cụ đấy!

Người con gái cúi đầu mân mê vạt áo.

- Chị có muốn ra ngoài không? Ông cụ mong chị lắm.

- Thưa anh cho em còn nghĩ.

- Ừ cái ấy tùy chị. Nhưng mà tình hàng xóm, với lại cùng là ở thanh niên ngày trước, tôi bảo thật chị cũng đừng nên tham buôn tham bán quá, rồi hối không kịp.

- Không phải thế đâu anh ạ.

Môn thì thầm nói nhanh. Cốc muốn hỏi thêm, nhưng những tràng súng máy như đã ngay đầu làng. Lý nói vừa xong, rẽ đám đông ra. Họ ồn ào quấn quít. Cốc nắm tay người này người khác. Lý ôm lấy chị Năng: “Em đi đây”. Chị Năng nghẹn ngào ứa nước mắt.

Cốc đưa Lý chạy miết. Tiếng súng nổ càng nhiều, hai ba phía. Trở lên đến cái gò trước cổng làng, gặp cả bọn ông chủ tịch huyện đang đợi. Có một bóng áo cánh trắng tay bị trói sau lưng. Ông chủ tịch hối hả:

- Đủ rồi. Thôi đi ngay.

- Thế nào, bên anh ra sao?

- Liên lạc được rồi, thằng chó này nó lại chạy sang bên tôi, mình tóm ngay được.

Lý đưa mắt tìm không thấy Sản, bỗng bồn chồn cả trong người.

- Anh Hòa, đồng chí Sản đâu?

Hòa chỉ tay về mé đường nhựa.

- Dưới kia. Ta đi nhanh thôi. Nó ở tỉnh lên. Đang đánh đấy!

Tiếng súng càng dữ dội. Mé ấy, mình chỉ có một tiểu đội súng máy. Lý vừa chạy theo Hòa vừa hỏi thêm:

- Nó lên thế nào?

- Lên nhiều. Đánh to hơn mười phút rồi.

Lý ngoảnh lại phía đường cái. Anh Sản nguy mất, sao mình không nghĩ đến anh ấy ngoài này mà lần chần mãi. Anh Sản có việc gì không? Lý vừa chạy vừa nghe những tràng súng máy lồng lộn đằng sau.

Đến chân núi, họ lăn ra ngủ. Các tiểu đội lẻ tẻ về dần. Chỉ có bọn Sản không thấy tăm hơi. Lý ngồi trong một cái miếu đổ nát trông ra con đường mòn, ngóng mãi những bóng mũ sắt. Rồi mệt quá, Lý ngủ gà ngủ gật.

Mờ sáng, nghe tiếng nói cười, Lý choàng mở mắt. Bọn Sản về thật. Đầu anh chính trị viên quấn miếng băng trắng. Lý vừa nhẹ hẳn trong lòng, vừa giật mình.

- Anh sao thế?

Sản mệt nhọc vừa cất khẩu súng ngắn vào bao, vừa trả lời:

- Xước qua bên trán thôi. May, thấp tí nữa chạm mắt thì lôi thôi.

Ngồi xuống nghỉ, Sản kể qua câu chuyện: nó ở tỉnh lên năm xe, bị đánh bất thình lình, chết mất non chục thằng. Đáng lẽ bộ đội rút ngay nhưng sợ các bộ phận vào làng không kịp ra nên tiểu đội súng máy đánh rát kìm hẳn địch lại. Nó tỏa ra bao vây, nhưng hoảng, không dám vào gần mình. Bọn tháp canh cũng định xộc ra, bị trung đội du kích bắn chết mấy đứa, còn chạy tán loạn.

Sản kể xong đứng dậy.

- Bây giờ tôi phải đi ngay về trước trung đoàn cho kịp hội nghị. Bộ đội sẽ nghỉ lại một ngày, chiều bắt đầu về.

- Anh ở lại ăn cơm hẵng đi.

- Tôi có cơm nắm sẵn rồi. Đợi cơm lại mất một hai tiếng.

Lý cũng đứng dậy.

- Anh Sản đợi, tôi cũng về huyện bộ bên ấy bây giờ.

Ông chủ tịch gật đầu.

- Ừ phải, tí tôi quên. Chị bảo anh Đông mai tôi về.

Hai người đi nhanh. Trời sáng rõ, họ đến một con suối lớn.

- Rửa mặt cái đã cho tỉnh ngủ anh Sản ạ. Tôi mệt quá.

Sản vui vẻ:

- Chị đói chưa? Rửa mặt xong ta ăn cơm, không có thì thật tình kiến bò bụng ghê lắm rồi.

Hai người bỏ ba-lô, xắc-cốt. Dòng suối trong lặng, cá nhỏ bơi từng đàn. Sản khoan khoái, vốc nước lên tóc lên cổ. Lau xong mặt, ngửng lên, anh mở to mắt kinh ngạc. Hai tay áo của Lý xắn cao, để lộ hai cánh tay chằng chịt những sẹo suốt từ trên xuống cho đến hai bàn tay. Lý thấy Sản nhìn, cười không được tự nhiên.

Sản vẫn nhìn hai cánh tay Lý, giọng anh dịu dàng hẳn lại.

- Quảng Yên, phải không chị Lý?

Lý chớp đôi mắt đen láy.

Ngồi ăn cơm, Lý kể chuyện hoạt động ở Quảng Yên. Sản cứ cúi đầu nghe và không nói, chỉ luôn luôn khẽ gật.

Cơm xong, hai người lại đi ngay. Sản cứ cắm cúi đi trước. Gần trưa, họ chào nhau ở ngã ba, mỗi người một đường về.


(còn tiếp)





___________
(1) Hẳn đây chỉ là chỗ ở tạm.