“Thế giới bây giờ” (5)



QUAN HỆ TÀU – NGA



Quan hệ từ 1949 đến 1960
Quan hệ từ 1960 đến 1991
Quan hệ từ 1991 đến nay
Viễn ảnh







Quan hệ từ 1949 đến 1960

Đây là mười năm bang giao tương đối tốt đẹp. Tương đối thôi, vì ba lý do:

- Tàu tuy yếu hơn nhưng không chấp nhận làm đàn em của bất cứ nước nào.

- Tàu và Liên Xô sớm đi hai đường khác nhau trong việc diễn dịch ý thức hệ Mác.

- Bất đồng về chủ quyền ở một số vùng đất.

Quan hệ từ 1960 đến 1991

Đầu thập kỷ 1960, mâu thuẫn Trung – Xô trở nên công khai và kéo dài gần 30 năm, có lúc dẫn tới xung đột vũ trang. Trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1969, Liên Xô đã định tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời (năm 1976), quan hệ song phương bắt đầu cải tiến, nhưng rất chậm chạp.

Năm 1989 tổng thống Liên Xô Gorbachev qua thăm Trung Quốc, chính thức bắc lại nhịp cầu. Tuy nhiên, lúc bấy giờ nội tình Liên Xô đã rối tung, Gorbachev không đưa ra đề nghị gì cụ thể ngoài việc bắt đầu tích cực thương nghị giải quyết vấn đề biên giới (nhằm giúp Liên Xô cắt giảm ngân sách quốc phòng, để cố cứu kinh tế đang khủng hoảng).

Quan hệ từ 1991 đến nay

Có thể nói ngày Liên Xô tan rã cũng là ngày ra đời một liên minh mới trên liên lục địa Á – Âu.

Bang giao Tàu – Nga tốt đẹp ngay từ đầu và nói chung liên tục cải tiến.

Khác với tình hình Trung – Xô trước kia, giữa Tàu và Nga không có chuyện đàn anh đàn em, không có diễn dịch ý thức hệ bất đồng, cũng không có tranh chấp biên giới (thương nghị thành công).

Thay vào những yếu tố gây chia rẽ, Tàu và Nga cùng cảm thấy cần phải liên kết chặt chẽ với nhau để chống lại âm mưu bá quyển của Mỹ. Mỹ càng xông tới, Tàu và Nga càng muốn sát cánh!

Nhờ đôi bên đều chủ trương tuyệt đối không can thiệp vào nội bộ của nhau, việc sát cánh thực hiện tương đối dễ dàng.

Viễn ảnh

Một mặt, rất sáng sủa. Vì:

- Về đối ngoại toàn cầu, Tàu và Nga cần nhau và không bị điều gì cản trở phát triển hợp tác.

- Về kinh tế, mậu dịch Tàu – Nga cơ bản là “thắng-thắng”. Tàu cần mua và Nga cần bán tài nguyên và vũ khí tối tân. Vũ khí thì không lâu nữa Tàu sẽ tự túc, nhưng mua bán tài nguyên là chuyện lâu dài. Quan hệ hợp tác trong một số lĩnh vực công nghệ cao cũng có tiềm năng phát triển.

Mặt khác, ở chân trời vẫn có mây đen lấp ló. Nga luôn sợ ngày nào đó Tàu sẽ bắc tiến chiếm đất của mình!



Thu Tứ
2013-08-26