“Những bóng nón lao xao. Tiếng thở hổn hển.
- Chết chửa, các anh đông thế này thì chúng em lên lối nào.
Hiền quay lại sau:
- Anh em dẹp sang cho các chị ấy lên.
- Dốc đến đứt ruột.
- Ấy sao lại đứng chỗ này, đổ hết gạo làm thế nào!
- Sắp đến ngọn chưa các anh?
- Sắp đấy, còn tí nữa thôi, các chị cố lên.
Một tiếng nói không ra hơi:
- Dưới còn đông nữa. Các anh đừng bấm đèn nữa, ngã chết mất.
Đám nữ dân công ì ạch gánh lên. Bóng nón che mặt họ mờ mờ.
Những vai áo tối thẫm cúi gò sát sườn núi. Quang thúng đưa loạt soạt trên cỏ.”

“Chúng em” gánh gạo cho “các anh” có cái ăn mà chiến đấu. Ý nghĩa quá. Thương quá.

Khắp nước có tượng đài dân công nào không nhỉ? Phải có chứ.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Xung kích (7a)



Luôn trong ba hôm, mỗi đêm những đám lửa cháy đồn lại bừng lên ven trung du. Tiếng đại bác ngày đêm vang động khắp đồng bằng.

Xong một đợt, bộ đội chủ lực rút đi, du kích tỏa ra nổ súng khắp mọi ngõ ngách. Trung đoàn quyết định Sản đem một trung đội xuống giúp huyện địa phương đẩy mạnh chiến tranh nhân dân. Ngủ một buổi sáng, đến chiều Sản dẫn trung đội Hiền đi tìm huyện. Hơn năm chục anh em đi lọt thỏm trên con đường mấy hôm trước lúc nào cũng rầm rập bộ đội, dân công. Đồi núi trở lại hoang vu. Buổi chiều to rộng chung quanh họ.

Anh giao thông đưa họ leo hết đồi này sang đồi khác, sẩm tối thì đến một cái lũng nhỏ ép giữa vách núi bốn bên. Những túp lán bé đang tỏa khói dưới mấy gốc đa núi.

Ông chủ tịch huyện ở trong một cái lán khói um. Năm sáu đứa trẻ ngồi xổm chung quanh nồi cơm đương sôi. Bồ hóng lòng thòng chạm đầu. Bà chủ nhà ôm đứa con ru quanh lán.

Sản chào ông chủ tịch, ngồi xuống cái chõng ọp ẹp. Khói không mở được mắt. Cái võng mắc chéo giữa nhà cứ vướng vào ống tay áo cụt của Sản làm anh lúng túng gỡ mãi. Mấy đứa trẻ quay cả lại phía anh bộ đội. Một đứa lũn chũn đi tới, đặt bàn tay bé xíu lên đầu gối Sản, ngẩng cổ nhìn. Sản cười khẽ béo má nó rồi kéo đứa bé lên ngồi lòng. Ông chủ tịch huyện cởi cái khăn mặt buộc ở quai xắc-cốt, dụi hai mắt quay sang:

- Anh là anh Sản phải không?

Đứa bé tụt xuống đất, đứng tựa vào đầu gối Sản, mân mê cái ống tay áo của anh. Nó bỗng đái tè vào chân Sản, rồi cứ đứng giẫm lạch bạch trên bãi nước đái. Sản cười ha hả, bế xốc nách nó ra cửa. Anh vớ cái bẳng nước, giội ào vào chân đứa bé, lại xách nó vào đặt bên cạnh bếp. Bà chủ nhà vừa ru vừa ngoái lại cười. “Chết thôi!”. Ông chủ tịch huyện nhăn nhó vì khói:

- Anh em chắc mệt. Chúng tôi đang đợi anh, mời anh sang bên này.

Sản vẫn còn cười, xoa đầu đứa bé, rồi lom khom theo ông chủ tịch ra ngoài.

Lán cơ quan mái lá còn trắng. Chung quanh đám bếp, ba bốn người chuyện lầm rầm. Có một vành khăn vuông. Ông chủ tịch đưa Sản đến ngồi nhập bọn.

- Đây là anh Đông, huyện ủy viên, anh Lạc cán bộ huyện, chị Lý cán bộ tỉnh Thái Nguyên mới về giúp chúng tôi trong chiến dịch, anh Sản chính trị viên đại đội, còn tôi là Hòa.

Sản giơ tay trái bắt tay mọi người. Anh hãy còn vui vì đứa bé trong lán, vừa cười vừa bảo chị cán bộ:

- Tôi đã gặp chị một lần.

- Thế ạ! Tôi không nhớ ra.

- Hôm chị gặp Kha, tôi cũng đứng đấy, nhưng mà vội đi trước thành ra chưa được làm quen.

- À phải rồi. Anh là anh Sản. - Lý nhìn nhanh ống tay áo cụt - Thế mà tôi không nghĩ ra... Anh Sản với anh Kha thân lắm phải không?

Sản gật đầu, rút cây củi châm thuốc lá.

- Vâng, tôi là chính trị viên của Kha.

Lý nghĩ nhanh: mình vô ý quá. Nghe nhắc mãi, hôm nay gặp lại không nhận ra. Sao bảo anh Sản khắc khổ ghê lắm. Mặt còn trẻ mà tóc gáy đã bạc nhiều. Lý hỏi:

- Anh Sản người quê Quảng Yên phải không?

Sản nhìn tay Lý chất củi vào bếp, tự nhiên chú ý.

Hai bàn tay sứt sẹo, những ngón tay méo mó...

- Vâng trước tôi có làm ở nhà đúc kẽm. Quê tôi ở gần bến đò Rừng.

Lý ngoảnh lại. Hai mắt chị cán bộ có một ánh dữ dội. Bến Rừng. Nước trắng mênh mông, sóng mạnh như sóng biển. Lý lại như thấy nhói sạt qua dưới vai phát súng bắn đuổi đằng sau. Rồi nước ngập ùa vào mặt. Ngoi mãi, sặc sụa. Tay cố bơi, tóc kéo xuống nặng như đá... Lý nói khẽ:

- Pháp vẫn ném cán bộ xuống sông Rừng đấy, anh Sản ạ.

Sản đoán theo những thay đổi thoáng trên mặt Lý. Anh bỗng nhớ lời Ngọc kể. Chị Lý đã có lần suýt chết ở mạn sông Rừng. Mà hai bàn tay sứt sẹo chắc cũng là dấu vết một cuộc tra tấn nào của Pháp. Anh chính trị viên nhìn chị cán bộ mặt còn trẻ lắm, bỗng xúc động trong lòng. Một cô học sinh, bước vào kháng chiến, gặp những thử thách như thế!

Lý vẫn ngồi im lặng. Đồng chí này có vẻ hiền và thật thà. Anh Sản không có cái sắc mắc tò mò khó chịu của một số người Lý đã gặp. Nhưng chắc bộ đội khó giấu được anh ấy cái gì. Họ đồn Kha nể anh chính trị viên của mình lắm.

Đồng chí Lạc ghé tới nhìn bao súng lục của Sản.

- Cái súng này của Đức phải không anh?

- Vâng, súng Pa-ra-ben-lom.

Lạc quay lại ông chủ tịch, nhe răng cười.

- Được khẩu súng này vào tề thì yên trí.

Anh huyện ủy viên Đông tay bó gối, mắt lim dim.

- Chỗ hai nghìn cây tre có kịp không anh Hòa?

- Độ ngày kia thì đủ, được hơn nghìn cây rồi.

- Tôi báo cho công binh chiều ngày kia đến lấy có được không?

- Được. À anh báo cho trung đoàn mang tiền xuống lấy năm con bò của đồng bào gò Bảng một thể.

Sản nghĩ: đợt hai đã chuẩn bị gấp. Khéo mình đi chuyến này về lại đánh luôn. Đông vẫn ngồi bó gối:

- Chả biết chuyến gạo đêm nay có êm đẹp không? Lại gây gây rồi.

Lý nói:

- Anh đi nằm đi. Sang thì chắc lọt. Chỉ có về e không kịp. Được cái dạo này cứ tối là qua bốt tha hồ. Hôm qua tôi qua đường sắt ung dung lắm.

Đông rù hai vai, kéo cái cổ áo tây cũ lên.

- Phải đi nằm thật. Mai chị em không về kịp thì chị nói chuyện hộ cho một buổi.

Lý gật đầu, quay lại giảng nghĩa cho Sản, thấy như Sản đã biết rồi. Tuy vậy chị vẫn nói:

- Từ hôm các anh đánh, đêm nào cũng có gạo bên kia sang vì du kích mở được đường. Rồi còn sang nhiều nữa.

Đông trèo lên giường trùm chăn run lật bật. Buổi họp bắt đầu bàn chương trình cho tuần lễ võ trang tuyên truyền.

Suốt chiều hôm sau, hai trung đội chủ lực và du kích đi mải miết. Các anh đội viên cười đùa luôn. Nắng bắt đầu nghiêng xuống các thung lũng, họ leo lên một cái dốc dài, ngập cỏ gianh. Vừa thở, Thông vừa ngoái lại bảo Cốc:

- Cái này thì kém gì Cốc Lùng ở Đông Bắc.

Mẫn lệt bệt phía dưới nói lên:

- Ngày một bữa cơm mà leo ghê quá.

Đồng chí Lạc đi bên Cốc góp chuyện:

- Dạo này được ngày một bữa cơm là khá. Có hồi du kích chỉ húp mỗi bữa bát cháo.

Thông dừng lại đeo hộ Mẫn khẩu súng và tiếp:

- Thì cũng như chúng tôi hồi bốn bảy. Mới đánh trên đường số bốn, cứ phải chạy đi vay dân từng đấu thóc xay ra nấu cháo cho cả trung đội húp nước. Thỉnh thoảng được nắm cơm bằng cái ca. Mà cái thằng Cốc thì cứ nghêu ngao: đây con trăng chiếu trên đồi cao, không hiểu ra cái nghĩa lý gì, bố ai cũng không chịu được.

Cốc cười, lại nhớ đến tiếng hát của Hoán và câu nói đùa của nó: “Mày cố đi rồi tao gả em gái cho”. Hơn ba năm rồi. Cốc bảo Lạc:

- Dạo ấy đói luôn và rách tợn.

Mẫn hỏi:

- Anh Lạc này, còn leo nhiều không?

- Úi dà, còn đến nửa đêm.

Vừa nhô lên đầu dốc, nắng lóa đầy mắt. Sản bảo:

- Anh em tạt ngang vào bụi mát mà nghỉ.

Trước mặt các anh đội viên, những ngọn đồi san sát như đàn voi phủ phục. Dưới xa, đồng bằng lóa mờ. Mấy chỗ nước trắng thấp thoáng. Những đám cây xanh như có khói phủ. Một anh nói:

- Gò Bảng, đánh hôm nọ kia kìa.

Sản cũng nhận ra cái đồi đuôi cá, bên trên đen đen một cục vuông... Chú Lũy ngã ở đấy, lăn lăn trên đống gạch vụn. Nó sắp được về đi học trường Thiếu sinh quân. Sản đưa mắt nhìn những con sông máng. Năm kia, cậu Quang đổ ở bờ máng Thanh Vân. Trên dải đất Vĩnh Yên đã hy sinh nhiều đồng chí. Hôm nay sông Lô mờ quá, không nom thấy...

Phía trên, đám Thông, Cốc, Mẫn vẫn túm tụm với đồng chí Lạc. Mấy anh chung quanh cũng xúm đến nghe chuyện. Lạc chỉ mấy cái bao thuốc lá Gô-loa và những mẩu giấy bạc bọc sô-cô-la còn vương vãi trong những kẽ đá và bảo:

- Cái này là trận lùng tháng tám. Nó bên kia sang, đến đây nó nghỉ ăn trưa rồi đem anh Năng vào đống đá đánh chết.

Cốc bỏ mũ sắt, lau đầu.

- Năng làng tôi ấy à?

- Ừ. Ông cụ Đậu về kể chuyện, nó vác đá giần vào mặt anh ấy tra lán du kích mãi. Anh nhất định không nói. Hôm sau bọn mình lên nhặt xác không nhận ra mặt nữa.

- Anh em chuẩn bị đi. Chuẩn bị!

Tiếng trung đội trưởng Hiền ra lệnh.

Bộ đội đứng dậy.

Con đường xuống lại lên, chạy ngang những sườn đá, qua không biết mấy chục suối. Nhọ mặt người, Lạc bảo: “Ta đến bốn ngọn núi đèn”.

Bốn ngọn núi đèn, nhìn gần, như bốn quả đồi xinh xắn. Sao đã lấp lánh chung quanh. Dưới chân, những ngọn núi thấp hơn vây bọc. Cốc nói to một mình:

- Nhiều sao quá. Mai nắng vỡ đầu.

Sườn núi vừa dốc vừa trượt, họ xuống từng bước một, nhiều lúc phải ngồi xuống mà tụt.

Một tiếng thốt lên:

- Lắm đuốc chưa kìa!

Xa dưới núi, những chấm lửa chi chít đỏ hồng một vệt dài tới sáu, bảy cây số, các anh đội viên dừng cả lại nhìn. Gió thổi ào ạt vào mặt họ. Đồng chí Lạc nói to:

- Nó đốt đồng đấy.

Trung đội trưởng Hiền đang bấm đèn pin soi đường, bỗng nghe phía dưới kêu.

- Ai bấm đèn thế? Ngã chết cả bây giờ.

Hiền tắt đèn. Những bóng nón lao xao. Tiếng thở hổn hển.

- Chết chửa, các anh đông thế này thì chúng em lên lối nào.

Hiền quay lại sau:

- Anh em dẹp sang cho các chị ấy lên.

- Dốc đến đứt ruột.

- Ấy sao lại đứng chỗ này, đổ hết gạo làm thế nào!

- Sắp đến ngọn chưa các anh?

- Sắp đấy, còn tí nữa thôi, các chị cố lên.

Một tiếng nói không ra hơi:

- Dưới còn đông nữa. Các anh đừng bấm đèn nữa, ngã chết mất.

Đám nữ dân công ì ạch gánh lên. Bóng nón che mặt họ mờ mờ.

Những vai áo tối thẫm cúi gò sát sườn núi. Quang thúng đưa loạt soạt trên cỏ. Hai trung đội tạt vào những bụi rậm cao đến mặt, rẽ lá lần xuống.

Dốc núi xuống mãi không hết. Lúc nghe suối ào ào, chân bước thấy bằng, họ mới biết đã tới chân núi. Đêm đã khuya. Nghỉ độ nửa giờ bên cạnh suối, họ lại đi. Bước thấp bước cao, ngủ gà ngủ gật. Gió rét, càng làm đầu óc họ tê dại, mơ mơ màng màng. Sản rét quá chân tay cứng cả lại, hít hơi sương vào trong ngực như phải bỏng.

Trên cao như ở giữa trời, bỗng hiện ra một bó đuốc xa. Bó đuốc cháy to chuyển động rất nhanh, gần lại, rồi lại đi xa, có lúc đứng im, rồi sau cùng biến vào trong núi. Cốc giật tay Thông, hí hửng: “Làng mình cách đây chỉ độ bốn cây”.

Thông buồn ngủ quá, chỉ ầm ừ. Cốc vẫn tỉnh như sáo:

- Này cậu Lạc, đây sắp qua nhà bò rồi đấy nhỉ.

- Ừ.

- Lão Đậu còn sống không?

- Còn. Khéo đuốc vừa rồi là ông cụ cũng nên.

Cốc bào Thông.

- Mình phải vào qua mới được.

- Vào đâu?

Cái nhà bò vẫn còn mấy mảng mái ngói. Những cột gạch sứt sẹo nhô lên từ trong các bụi cây. Sản bảo Hiền:

- Anh cứ đi trước với bộ đội. Tôi vào đây với đồng chí Lạc... Anh cho một đồng chí mang khẩu tom-xông ở lại với tôi.

Cốc bước ra.

- Đề nghị anh cho tôi rẽ vào đây. Tôi biết chỗ này.

Cỏ lau đã mọc kín trong cái nhà nuôi bò cũ. Ánh than hồng lờ mờ trong một góc. Một ông già loắt choắt ngồi ngủ gật lim dim trước đống lửa đã vạc. Lạc nói to.

- Chào cụ Đậu.

Ông già mở đôi mắt kèm nhèm.

Một tiếng gầm gừ trong xó tối làm mấy người giật mình. Ông già quát “Mực!”. Con chó đen cụp lông, nằm xuống. Lạc lại hỏi:

- Cụ vừa đi đâu về thế?

Ông già nhìn anh cụt tay đang bỏ chăn khoác, ngồi xuống.

- Đi đưa đường cho mấy cô gánh gạo.

Cốc cũng ngồi xuống hỏi:

- Ông Đậu có nhận ra cháu không?

Hai mắt ông già mở to.

- Giời ơi anh Cốc. Anh ở đâu về thế?

Con chó mực bò đến nằm sau lưng ông già, chân cào đất, kêu rít những tiếng rên rỉ. Ông già ngửng đầu.

- Anh Cốc ơi, thôn ta sắp thành rừng cả rồi. Chả còn gì. Tôi cũng sạch sành sanh anh ạ. Làng ta bị trận nước úng, lúa đã vàng trứng cá mà tuốt từ gốc lên không còn hạt nào. Sót được mấy quãng đồng đình, nó về gặt cướp hết. Thôi thì trâu bò lợn gà, nó chả từ cái gì. Con chó con chưa mở mắt nó cũng không bỏ. Rồi là a-lê về căng tuốt! Tôi không đi, thằng Tây lai nó nện luôn cho mấy báng súng. Mày không về căng phải không? Mấy thằng nữa xúm lại, đứa quất cây nứa tươi vào mặt, đứa thúc ba-toong vào ngực. Bố “du kít”, bố “Việt min”, về căng, a-lê, a-lê. Chả còn ra cái giống người. Ấy thưa anh một đoạn như thế.

Quay sang anh cụt tay, ông già bảo:

- Anh có đói vùi tạm mấy củ sắn mà ăn. Còn mấy củ kia kìa. Sắn tôi tăng gia đấy, có gì đâu.

Sản vừa bóc vỏ sắn vừa hỏi:

- Cụ ở thế này bao nhiêu lâu rồi?

- Đến một năm. Tôi cũng biết chẳng còn ra người ra ngợm nữa. Cứ như con chó rừng. Chúng nó cứ bảo tôi về Lộng. Đứa nào về cứ về, tao ở đây chẳng về đâu cả. Hết Tây tao về.

Con chó đen gầm gừ. Nó nhắm hai mi mắt đầy lông lại, ghếch mõm lên hai chân trước, rúc vào tro. Cốc giơ tay định vuốt, con chó chồm dậy, lông dựng đứng, nhe nanh rít lên. Ông già vỗ lên đầu con chó bảo nó nằm xuống.

- Lâu ngày không thấy người nó thế đấy. Mỗi lần dắt nó về làng, nó cứ chạy thẳng đến cổng nhà tôi mà rít cuống lên. Mà nào có còn ra hồn nhà với cửa.

Sản nghe từ nãy, vẫn nghĩ đến cái tháp canh mấy hôm nữa sẽ phải đánh, anh xem đồng hồ tay và xoay câu chuyện.

- Mấy hôm nay bọn bảo an ở tháp canh ngoài Lộng thế nào cụ rõ không?

Mắt ông cụ nhấp nháy vui lên.

- Nhũn lắm rồi. Đêm hôm bộ đội ta đánh gò Bảng, chúng nó còn chửi làm phách. “Ăn thua gì, mai lại chạy như vịt”. Đến lúc tin về, cứ ru rú suốt ngày đêm trong lô-cốt như chó cụp đuôi. Có hôm du kích đi qua ban ngày, chúng nó cũng lờ đi.

Lạc hỏi thêm:

- Thằng tổng Chuyết còn ở làng không?

- Nó cho vợ con lên bốt. Ngày ở làng, đêm về bốt ngủ.

Cốc thấy Sản đứng dậy, cũng đội mũ lên. Anh cười, đeo súng lên vai.

- Nó lên bốt à! Thôi ông ở đây nhá. Rồi cũng về làng về nước ông ạ.

Lạc vỗ vai ông già.

- Cụ đi ngủ.

Ông già ngửng đầu.

- Các anh không ăn hết sắn đi đã.

Mấy người đi khỏi, cái đầu bạc của ông lão vẫn gật gà gật gù hồi lâu trước đám bếp.

*

Đến lán của du kích, bộ đội đã ngủ say. Sản chui vào, tìm một chỗ trống, nằm quấn chăn. Sản mơ màng thấy mình đi giữa một cánh đồng, chung quanh vắng vẻ. Qua cái nhà bò chập chờn ánh lửa, nhìn trước nhìn sau thấy là cảnh Quảng Yên, khu nhà máy kẽm. Vẫn cái tường đá cao cắm mảnh chai như tường nhà pha. Sản đi qua hai cánh cổng sắt to tướng... Máy điện chạy ầm ầm. Dưới mái tôn, thằng Bá, thằng Hải, thằng Đức cầm xẻng đứng lì lì trước lò lửa đỏ rực. Cái quạt điện xoay tít, quạt bễ nóng rát rạt. Mồ hôi chảy thành dòng nước than đen trên mặt trên cổ chúng nó. Sản muốn hỏi chuyện chúng nó mà không nói ra được. Sao chúng mày lại ở đây? Tao đi bộ đội rồi, làm chính trị viên đại đội. Láo, đứa nào bảo tao cụt tay, tay tao còn đây thôi. Vẫn làm việc được. Sản còn cả hai tay, cầm xẻng xúc quặng lẫn với than xông hơi nóng ngùn ngụt. Tống một xúc vào lò, hơi nóng đã bốc lên hoa mắt. Thằng Hải rũ xuống ho, mặt tái mét như bị cắt tiết. Sản cũng rũ xuống ho mãi. Thằng cai Tây đi đến trợn mắt túm lấy cổ áo Hải lắc mạnh. Nó hét: “Hai hào tám, hai hào tám”. Sản muốn bắn nó mà sờ không thấy súng. Quần áo Sản đã khô giòn như bánh đa. Sản cởi áo nhúng vào thùng nước rồi lại mặc vào người và xúc quặng xông vào lò. Cái áo khô đi trông thấy, Sản bỏng cả người, đi guốc lẹp kẹp. Đám thợ lùi lũi ra cổng. Thằng Hải nằm vật ra đất, mồm há hốc, ngáp ngáp. Sản chạy đến ôm lấy nó, gầm lên.

Sản choàng mở mắt. Trong lán sáng mờ mờ. Sương rơi lộp độp trên mái gianh. Trong lòng Sản vẫn còn đang xôn xao cả lên. Sản thừ người, nhớ thằng Hải, thằng Đức, thằng Bá! Chúng nó đang ở Hồng Gai, cực khổ chắc là cực khổ lắm.


(còn tiếp)