Sông Hồng và sông Đà cơ bản chảy song song theo hướng tây bắc - đông nam. Sông Đà khúc chót đổi hướng, chảy từ nam lên bắc, đổ vào sông Hồng. Nơi Hồng gặp Đà là ngã ba Trung Hà. Sông Hồng tiếp tục chảy khoảng mười cây số nữa thì gặp sông Lô. Nơi Hồng gặp Lô là ngã ba Bạch Hạc. Ngã ba này mùa lũ rộng mênh mông chắc do cù lao giữa sông chìm mất nhiều hơn là do tràn bờ? “Cây gạo cổ thụ (...) cùng với nhà cửa ở Việt Trì nhô lên lần lần”. Nhớ Sơn Nam cũng có lần viết: “Sông Cửu Long, mùa nước nổi (...) sông rộng, mặt nước như nổi vồng lên, rặng dừa bên kia bị khuất gốc chỉ thấy ngọn”. (Thu Tứ)



“Ngã ba Bạch Hạc”

Nguyễn Hiến Lê









Một cảnh nữa (cảnh trên là núi Ba Vì) tôi cũng lưu luyến là cảnh sông Hồng ở bến đò Vân Sa qua Việt Trì. Phải qua sông vào mùa nước lũ – tháng 6 tháng 7 âm lịch – mới thấy được sự bát ngát, hùng vĩ của núi sông. Mùa đó, chỗ ngã ba Bạch Hạc này – một nơi danh tiếng trong lịch sử - mênh mông có tới ba cây số. Nước chảy băng băng và ta liên tưởng tới câu “Đại giang đông khứ” của Tô Đông Pha. Chiếc thuyền thúng bập bồng trên sóng, không khác chi một cánh bèo. Phải ngược dòng một khúc xa rồi mới qua sông, có khi mất hai giờ mới tới bờ bên kia. Cây gạo cổ thụ, trơ trọi, gốc lớn không biết mấy ôm, cùng với nhà cửa ở Việt Trì nhô lên lần lần. Cảnh ở đây sao hợp với cảnh trước Phượng Hoàng đài ở Kim Lăng thế:

“Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại,
Nhị thủy trung phân Bạch Lộ châu.”
(Lý Bạch)

“Ba non rớt nửa ngoài trời biếc,
Hai nước chia đôi bãi Lộ bồi.”

Cũng hai dòng nước: dòng sông Đà nước trong veo và dòng sông Hồng cuồn cuộn nước đỏ như son; cũng một bãi cò trắng (bạch lộ), tức bãi Vân Sa chạy lên tới Chiểu Dương, nơi có một vườn vải danh tiếng nằm sát bờ sông; còn núi thì phía tây nam có ba ngọn núi Tản, phía bắc có ngọn núi Hùng. Kim Lăng là cố đô của Trung Hoa, thì đây, trên bờ con sông Hồng có làng Cổ Đô (không rõ là kinh đô thời nào), lại có huyện Bạch Hạc, xưa là đất Phong Châu, nơi Hùng Vương đóng đô. Nỗi hoài cổ của ta bát ngát như dòng sông.

Sông Hồng và núi Tản thật hùng vĩ xứng nhau, mà lại ở gần nhau như vậy thì đây chính là đất thiêng của dân tộc; tổ tiên ta lựa nơi đây làm nơi phát tích, dòng giống tất trường cửu và uy hùng như sông núi.


(Trích
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992)