Nhờ đọc Cao Xuân Hạo, biết câu tiếng Việt có cấu trúc Ðề-Thuyết. Trông lại, thấy chẳng cần thành câu cú gì, chỉ hai chữ thôi cũng đã Ðề-Thuyết: trong "bướm vàng" thì bướm là Ðề mà vàng là Thuyết.

Với cái ám ảnh Ðề-Thuyết chưa rời, đọc phát biểu của Nguyễn Hưng Quốc về thơ lục bát dưới đây, thấy trong một số trường hợp câu lục là Ðề, câu bát là Thuyết.(1)

Vậy người Việt chẳng những Ðề-Thuyết khi nói mà có thể Ðề-Thuyết cả khi thơ!

(Thu Tứ)

(1) Dĩ nhiên như vậy thì “câu” lục và “câu” bát không phải là câu, mà là hai phần của một câu thập tứ!



Nguyễn Hưng Quốc, “Lục Đề, bát Thuyết!”




Thử đọc mấy câu thơ mở đầu Truyện Kiều:

“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...”

Người ta không thể tách riêng hai câu lục ra khỏi văn cảnh của nó: nó không có ý nghĩa và không thể tự tại. Nó phải gắn liền với câu bát kế tiếp. Mà đây cũng là đặc điểm chung của các bài thơ lục bát Việt Nam, ở đó, câu lục thường đóng vai trò một gợi mở, một đẩy đưa, một giới thiệu; chính câu bát mới có chức năng chuyên chở nội dung thông báo.


(Nguyễn Hưng Quốc,
Nghĩ về thơ, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1989. Nhan đề phần trích tạm đặt.)