Đây là lần thứ ba vua Đại Việt tự cầm quân đi đánh Chiêm Thành.

Từ năm 982 đến năm 1069, ba lần vào đánh, ba lần đại thắng, quân Đại Việt có phần nào gặp may chăng?

Về người cầm quân, phía ta cả Lê Đại Hành và Lý Thái Tông đều là “vua - tướng”, tự mình có tài dụng binh, còn Lý Thánh Tông thì có Lý Thường Kiệt là tướng rất giỏi đi theo. Phía Chiêm Thành, các vua Bê Mi Thuế, Sạ Đẩu, Chế Củ có tài thao lược hay không? Các tướng Chiêm thế nào?

Về quân, Việt đông hơn hay Chiêm đông hơn? Độ thiện chiến tương đối ra sao?

Những câu hỏi không còn trả lời được.

Đoán liều: Có phải Chiêm thất bại vì chiến lược không uyển chuyển, cứ hễ ta tiến vào là Chiêm đem toàn lực yếu hơn ra cự ngay, chứ không chịu “thua trước để thắng sau” như cái lối Trần Hưng Đạo đánh quân Mông Cổ?

Dù sao thì sự đã rồi, lâu lắm rồi.
(Thu Tứ)



“Lý Thánh Tông bình Chiêm”

Đào Duy Anh




(Sau khi đại bại năm 1044) Vua Chiêm nuôi chí báo thù. Chế Củ lên ngôi năm 1061, sửa sang vũ bị rất chu đáo, không chịu triều cống nhà Lý mà lại triều cống nhà Tống nước Trung Hoa để dựa thế mà chống nước ta.

Năm 1069, Lý Thánh Tông (...) viện cớ cũ (tức cớ năm 1044 Lý Thái Tông đã viện, là Chiêm bỏ triều cống), tự đem 5 vạn quân đi đánh Chiêm Thành, sai Lý Thường Kiệt làm Đại tướng quân đi tiên phong.

Quân ta theo đường biển, đến cửa Nhật Lệ, đánh tan thủy binh Chiêm đóng ở đó, tiến thẳng vào nam, đổ bộ ở cửa Thi Nại để chuẩn bị đánh kinh đô. Quân Chiêm dàn trận trên sông Tu Mao (có lẽ là sông Tân An). Lý Thường Kiệt cùng em là Thường Hiến chia quân làm hai cánh, đánh tạt ngang vào quân địch, giết được mấy vạn người. Nghe tin bại trận ở Tu Mao, Chế Củ đem vợ con bỏ thành chạy về phía nam.

Lý Thường Kiệt đem quân đuổi theo đến tận biên giới Chân Lạp (phía nam Phan Thiết), bắt được Chế Củ và rất nhiều chiến tù. Lý Thánh Tông đem Chế Củ về Thăng Long, bắt phải cắt nhường đất ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh (tỉnh Quảng Bình và phần bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay) rồi thả cho về nước. Thế là Đại Việt bắt đầu lấn đất Chiêm Thành.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin. VN, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)