Nhà ở phố, những cái sân thật quý. Đó là nơi da người được tiếp xúc thẳng với ánh nắng. À, nhưng nếu sân có một giàn hoa thì nắng sẽ là nắng lọc, xanh xanh...

Để biết thêm về nhà cổ ở phố cổ Hà Nội, xin đọc cả Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Đình Toàn.
(Thu Tứ)



Nguyễn Hiến Lê, “Nhà ở ngõ Phất Lộc”




Nằm sau lưng phố bờ sông, đầu trông ra cột đồng hồ ở bờ sông Nhị, đuôi trở ra phố hàng Mắm, ngõ Phất Lộc rất hẹp, ngang độ hai thước, dài non hai trăm thước, lát đá gồ ghề và chỉ có một dãy nhà nhìn ra phía sau lưng một dãy nhà mới hơn, cao hơn, ở sát ngay trước mặt.

Nhà nào cũng thấp hơn mặt đường khoảng một thước – vì đường được đắp sau – và từ đường phải xuống ba bốn bực gạch mới vào phòng ngoài. Thời xưa có vài nhà bằng lá nhưng từ hồi tôi lớn lên thì nhà nào cũng bằng gạch. Đa số hẹp, chỉ độ hai ba thước, mà sâu có chỗ tới trên ba chục thước, như nhà tôi. Đi ngoài đường nhìn vào, thường thấy một căn hun hút, thấp, kê một án thư với hai tràng kỷ hai bên, và một ông già ngồi với chiếc điếu thuốc lào mà xe điếu là một cần trúc uốn cong. Trước năm 1930, thỉnh thoảng còn thấy thấp thoáng một thiếu nữ mảnh khảnh, da trắng xanh, ăn mặc theo lối cổ, tóc để đuôi gà, từ phía trong đi ra nhà ngoài rồi lại trở vào ngay. Những nhà đó thuộc loại khá phong lưu. Nhà nào cũng có sân nhỏ ở trong, trồng cây cảnh. Tường hai bên xây thành từng bực đi xuống như cầu thang. Tôi nhớ như chỉ có mỗi một nhà là có tường thấp phía trước, từ trong nhô lên một ngọn cây đào hay lựu, khế, và khách qua đường không thể không ngừng bước trước cánh cổng đóng kín mà tưởng tượng vẻ yêu kiều, thướt tha của một hai thiếu nữ chơi với một em nhỏ ở phía trong.

Ngõ có một ngôi đền kiến trúc sơ sài, cửa gỗ luôn luôn đóng, trên cửa là một mái nhỏ với một bầu rượu lớn ở giữa. Tôi chỉ vô đền đó một hai lần khi còn nhỏ, thấy sân khá rộng nhưng rất vắng, vắng cả bóng ông từ. Ông lủi thủi như một bóng ma, cơ hồ không bao giờ ra khỏi đền. Tôi không biết đền thờ ai mà quanh năm không có người đến lễ. Lạnh lẽo và buồn, nên bọn nhỏ chúng tôi chỉ ghé mắt nhìn vào chỗ thờ phụng tối om rồi chạy ra liền.

Hai căn nhà số 2 và số 4 ở đầu ngõ do cụ ngoại chúng tôi cất trong đời Tự Đức có thể tiêu biểu cho những ngôi nhà cổ vào hạng tương đối phong lưu ở Hà Nội. Mái ngói, tường gạch, rui, cột, xà đều bằng danh mộc, năm sáu chục năm không mọt. Ngôi nhà số 2 chiều ngang ba thước, chiều sâu ba mươi hai thước, ngoài đường bước vào là một căn bếp thấp hơn mặt đường ba bốn tấc; qua khỏi bếp, xuống ba bốn bực nữa, tới nhà trong thông thống từ trước tới sau, không ngăn thành từng phòng; có một sân nhỏ mỗi chiều chừng hai thước cho nhà khỏi tối; tiến vô sâu nữa, gặp một sân dài bốn thước và choán hết chiều ngang của nhà, sân đó có một bể con chứa nước. Gần cuối nhà (C) là một khúc quẹo qua bên trái (thuộc về nhà số 4) rộng hai thước rưỡi, sâu mười thước, gồm hai phòng 2,5 x 3 thước, cách nhau một cái sân dài 4 thước.

Có hai căn gác xép, thang gỗ gần như dựng đứng, phải khom lưng dò từng bước mới lên được; gác thấp, phải cúi đầu mà đi. Ở (A) là một cửa nhỏ thông ra nhà thờ.





Nhà số 2 cha chúng tôi được thừa hưởng, còn nhà số 4 rất rộng, ngang tới mười thước, sâu hai mươi sáu thước là phần hương hỏa, có nhà thờ, các cụ ngoại tôi để lại cho một người cháu họ, vì các cụ không có con trai, chỉ có hai bà con gái mà bà nội chúng tôi là cả.

Phía trong cùng nhà số 4 là nhà thờ tối om om, nhìn ra một cái sân lát gạch. Trước sân là một bể con có núi non bộ, hai bên (B) là bệ trồng cây dạ hợp và mẫu đơn (trong Nam gọi là bông trang), rồi tới một bể nước rộng, sâu, có miệng một con cá bằng mảnh sứ phun nước mưa hứng ở các mái ngói xuống. Hai bên sân là phòng. Vậy kiến trúc ngôi nhà đó như chữ U.

Nhà ngoài là sân, bếp, chỗ tắm giặt, cầu tiêu, tất cả chiếm trọn chiều ngang mười thước, và sâu khoảng bốn, năm thước.

Nửa ngoài cùng chia thành từng căn cho thuê; hồi tôi nhỏ, những căn đó bằng lá, gỗ; khoảng 1927-1928, người ăn hương hỏa bán đi một phần để xây gạch, phần còn lại để cho thuê (...)

Nhìn bản đồ chúng ta thấy hai ngôi nhà thông với nhau bằng cửa A đó thật là ngoắt ngoéo như một mê thất, không tiện cho người thường ở mà rất tiện cho các nhà làm cách mạng. Trong cuốn Đông Kinh nghĩa thục, tôi đã nói các bác tôi dùng căn nhà số 2 làm chỗ tiếp các đồng chí – với đôi khi vài nhà cách mạng Trung Hoa – và giấu các đồ quốc cấm: sách, báo, truyền đơn, súng lục. Mật thám của Pháp tới xét thì mới còn mò từng bước ở nhà ngoài, các cụ ở nhà trong đã kịp trốn hoặc chuyển đồ qua nhà số 4 bằng cửa A rồi khóa trái cửa đó lại; từ nhà số 4 có thể leo tường qua nhà bên cạnh được. Nhưng trong thời các cụ hoạt động (1906-1910), mật thám không đến xét lần nào cả. Tôi nghe nói cuối năm 1946, đầu năm 1947, các nhà ở ngõ Phất Lộc đều đục tường thông với nhau để tự vệ quân dễ dàng lưu thông mà chống Pháp, sau cùng rút lui về phía cầu Long Biên, vượt sông Nhị, qua bên Gia Lâm.


(Trích
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992)