Năm 2011 Ấm Thượng còn xanh thế này, trách nào năm 1965 Xuân Diệu về “tìm em”, “thăm em” phải kêu rằng:

“Núi sông, cây cỏ nhuộm màu thần tiên”.(1)

Ngày ấy Ấm Thượng chưa nuôi cá hay cung cấp dịch vụ gì, chắc “em” là một cô gái hái chè hay một cô gái trồng rừng...

Sao tâm đầu thế, mà ý lại không “hiệp” nhỉ? Hay Xuân muốn “em” rời nơi

“Khói ngưng mặt nước, sương trùm đầu non”,

nhưng “em” không nỡ...

Nếu cô gái năm xưa 20 tuổi (Xuân khi ấy mới 49 xuân xanh!), thì bây giờ chưa tới thất tuần. “Cụ” còn ở đời chăng, đâu đó trong thị trấn Hạ Hòa hiện đại vẫn xanh chăng?

(Thu Tứ)

(1) Xem bài thơ “Anh về Ấm Thượng...” của Xuân Diệu.



Khuyết danh, “Ấm Thượng - một vùng xanh”





ảnh khuyết danh

Xã Ấm Thượng xưa kia chính là thị trấn Hạ Hòa hôm nay. Phố xá nhộn nhịp (...) Đường nhựa dọc ngang, nhà cao tầng mọc lên san sát, chợ tấp nập người mua bán, chủ yếu là hàng nông sản vùng cao đưa xuống.

Có thể nói, hiếm có thị trấn nào đang trong thời kỳ đô thị hóa mở rộng không gian kiến trúc gấp hai, ba lần nhưng vẫn giữ được mầu xanh của rừng tự nhiên và rừng mới trồng, như thị trấn Hạ Hòa. Cách đây mấy tháng, chúng tôi có dịp lên đỉnh núi Buộm thuộc dãy núi nằm ở phía đông bắc thị trấn. Từ trên cao nhìn xuống, đâu đâu cũng xanh ngắt một mầu. Đó là rừng tự nhiên, rừng lâm nghiệp, vườn cây ăn quả, ruộng lúa đang thì con gái, rồi đồi chè đang mùa hái búp, xen lẫn 99 ngách đầm Ao Châu. Vườn cây ăn quả ở thị trấn Hạ Hòa chủ yếu là vải, mơ, trám đen, trám trắng, măng sặt, măng tre, chục năm trở lại đây là măng Bát Độ.



ảnh khuyết danh

Hạ Hòa là cửa ngõ phía bắc lên Yên Bái, Lào Cai. Từ Hà Nội ngược lên theo đường sắt, đường sông đều phải qua Hạ Hòa. Rồi đây, đường cao tốc Nội Bài - Côn Minh (Trung Quốc) cũng đi ngang qua thị trấn.

Chiếc xuồng máy của Lâm trường Thanh Hòa đưa chúng tôi xuyên vào các ngách đầm Ao Châu. Đầm nhìn từ trên cao giống như mặt một con trâu, trong hai sừng có một sừng thông ra sông Hồng gọi là Ngòi Lửa. Anh cán bộ lâm nghiệp kiêm lái xuồng kể: “Tỉnh Phú Thọ và huyện Hạ Hòa đã quy hoạch đầm Ao Châu trở thành khu du lịch sinh thái, theo đó rừng tự nhiên phải được bảo vệ, rừng trồng phải được phát triển. Các khu nghỉ mát giờ chưa được xây dựng, nhưng chắc chắn trong một vài năm tới, các khu nhà nghỉ sẽ mọc lên. Vào ngày nghỉ, các bác đến đây tha hồ nghỉ ngơi, ăn cơm cá trắm đầm Ao Châu kho với trám trắng Ấm Thượng!”.



ảnh khuyết danh

Ở thị trấn Hạ Hòa hiện có hơn 1.000 hộ sản xuất nông - lâm nghiệp. Ngoài trồng rừng, thị trấn khuyến khích người dân nuôi cá lồng. Với hơn 200 ha mặt nước đầm Ao Châu, người dân quanh vùng đang hết sức phát triển nghề nuôi cá.

Thị trấn Hạ Hòa đang từng ngày khởi sắc.


(Lược trích từ trang
baomoi.com. Hình như nguồn là báo Nhân Dân, số ra ngày 9/4/2011.)