“Thế giới bây giờ” (3)



QUAN HỆ TÀU – MỸ



Quan hệ từ 1949 đến 1972
Quan hệ từ 1972 đến khoảng cuối thập kỷ 2000
Quan hệ từ bấy đến nay (2013)
Viễn ảnh






Quan hệ từ 1949 đến 1972

Trong gần một phần tư thế kỷ, do bất đồng chủ nghĩa, Tàu và Mỹ chính thức xem nhau là kẻ thù.

Đầu thập kỷ 1960 Mỹ đề nghị Liên Xô hợp tác với mình tấn công hủy diệt chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử còn trứng nước của Tàu, nhưng Liên Xô từ chối.

Cuối thập kỷ 1960, ở cao điểm của cuộc xung đột biên giới, Liên Xô định tấn công Tàu bằng vũ khí nguyên tử và đề nghị Mỹ bất động, nhưng Mỹ không chịu, cảnh cáo sẽ coi đó là bắt đầu Thế chiến thứ III.(1)

Sở dĩ Mỹ không chấp nhận việc Liên Xô tiêu diệt Tàu, ấy là do tổng thống Mỹ Richard Nixon lo ngại Liên Xô sau đó sẽ trở nên quá mạnh. Nixon lại nẩy sáng kiến táo bạo: đổi quan hệ với Tàu từ thù ra bạn để dùng Tàu làm giảm bớt áp lực của Liên Xô.

Năm 1972 Tổng thống Mỹ qua thăm Tàu, chính thức mở một chương mới trong lịch sử bang giao giữa hai nước.

Quan hệ từ 1972 đến khoảng cuối thập kỷ 2000

Mỹ thiết lập bang giao với Tàu nhằm làm khó Liên Xô, nhưng sau khi Liên Xô tan rã thì quan hệ giữa Mỹ và Tàu cơ bản vẫn cứ tiếp tục bình thường. Có bốn nguyên nhân chính:

- Tàu không tìm cách “xuất cảng” thể chế chính trị của mình đi bất cứ đâu.

- Tàu yếu hơn Liên Xô rất nhiều, hoàn toàn không đe dọa được Mỹ.

- Giao thương với Tàu có lợi: Tàu ưu tiên phát triển kinh tế, nên là một cơ hội khổng lồ cho giới kinh doanh Mỹ, mà hàng Tàu giá siêu rẻ cũng giúp tăng rất đáng kể đời sống vật chất của đa số nhân dân Mỹ.

- Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ bận rộn với các cuộc chiến tranh ở những nơi khác trên thế giới và rồi phải lo phòng thủ chống Al Qaeda, nên tránh động đến Tàu.

Quan hệ từ bấy đến nay (2013)

Khoảng cuối thập kỷ 2000, quan hệ giữa Tàu và Mỹ bước vào thời kỳ xuống dốc. Vì trong bốn điều kiện giúp ổn định vừa kể trên thì ba điều kiện sau bắt đầu thay đổi:

- Nhờ kinh tế phát triển và do hốt hoảng trước những thứ vũ khí mới mà Mỹ tung ra ở I-rắc, Nam-tư, A-phú-hãn..., Tàu đã tiến hành một cuộc cải tiến khả năng quốc phòng hết sức sâu rộng. Tuy về quân sự Tàu còn yếu hơn Mỹ nhiều lắm, trong một thời gian khá lâu nữa tất cả mọi cải tiến cộng lại vẫn mang ý nghĩa thủ chứ không phải công, nhưng Mỹ phải lấy làm lo ngại về cán cân quân sự tương lai.

- Giao thương vẫn có lợi cho Mỹ, nhưng do kinh tế Tàu đã phát triển tới mức làm nền tảng cho một quân lực có tiềm năng thách thức được Mỹ, bây giờ Mỹ muốn cản trở không cho kinh tế Tàu lớn mạnh thêm nữa. Gần đây Mỹ ráo riết thương nghị ký kết Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính là nhằm mục đích ấy.

- Quân Mỹ sắp rút ra khỏi I-rắc và A-phú-hãn, mối lo về Al Qaeda cũng giảm hẳn, trừ phi chiến tranh với I-răng bùng nổ, chẳng bao lâu nữa Mỹ sẽ có thể tập trung quân lực ở thật gần Tàu. Cuối năm 2011, tổng thống Mỹ Obama đã công bố chủ trương Then Chốt Á (Pivot Asia) lấy (phía đông) châu Á làm trọng tâm chiến lược mới.

Viễn ảnh

Hoàn toàn xấu.

Vì Mỹ muốn duy trì mãi mãi thế thượng phong về quân sự.

Mà Tàu thì không bao giờ chấp nhận điều đó.

Chiến tranh thực ra đã bắt đầu rồi, trên thương trường.

Câu hỏi chỉ là: bao giờ, nếu có bao giờ, New York và Thượng Hải cùng hóa thành cát bụi?



Thu Tứ
2013-08-12


















__________
(1) Theo trang
telegraph.co.uk.