Đây là lần thứ hai vua Đại Việt tự cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Kinh đô Chiêm ở Bình Định mà hai bên đại chiến ở cửa Tư Hiền, tức vua Chiêm đã sớm biết tin sắp bị tiến công và quyết định thân chinh chặn đánh quân ta. Lần thắng này ta không tàn phá kinh đô Chiêm mà chỉ “đặt vua mới”. Còn việc bắt một số người Chiêm đem về là “chiếu” theo “lệ” do Lê Đại Hành đặt ra chứ không có gì mới. Trong số người bị bắt có một phụ nữ đáng nhớ là vương phi Mỵ Ê. (Thu Tứ)



“Lý Thái Tông bình Chiêm”

Đào Duy Anh




Tuy đã bị Lê Đại Hành đánh bại nặng nề, các vua Chiêm vẫn thỉnh thoảng cho quân sang đánh phá miền duyên hải và vùng biên cảnh (...) (Việc này vừa do phía Chiêm tự ý làm như đã làm rất nhiều lần, vừa do) nhà Tống lăm le xâm lược nước ta đã ngầm khiến (...)

Một mặt khác, dân tộc Việt Nam (...) đang (...) rất sung sức tiến thủ (...) (mà) phía bắc là nước Trung Hoa lớn mạnh, phía đông là biển cả, phía tây là núi cao, không phải là những hướng có thể phát triển được (...) chỉ còn phía nam (...)

Năm 1044, Lý Thái Tông lấy cớ nước Chiêm Thành bỏ triều cống và hay cho quân ra quấy nhiễu biên thùy, quyết định tự đem binh đi đánh. Đến cửa Ô Long (nay là cửa Tư Hiền)(1), quân Chiêm ra cự chiến. Quân Chiêm đại bại, bị bắt đến năm nghìn người và ba chục voi. Vua Chiêm là Sạ Đẩu bị giết.(2) Thái Tông tiến quân đến kinh đô mới của Chiêm Thành là Phật Thệ (ở cách phía bắc thành Bình Định ngày nay khoảng mười cây số), đặt vua mới, bắt phải thần phục triều cống. Xong thu quân, bắt nhiều quân dân và cung nữ Chiêm đem về.(3) Trong số người Chiêm bị bắt, có nhiều người giỏi các nghề múa hát, kiến trúc và điêu khắc. Quân dân Chiêm ra Bắc được chia đi các nơi đang cần thêm nhân lực để khai khẩn đất hoang, như Vĩnh Khánh (nay là miền Tương Dương, tỉnh Nghệ An), Đăng Châu (nay là miền Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ)...


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin. VN, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)












____________
Chú thích của người trích:
(1) Nay thuộc tỉnh Thừa Thiên, là cửa biển thông đầm Cầu Hai với Biển Đông. Đời Trần đời Lê gọi là cửa Tư Dung, nhà Mạc gọi là cửa Tư Khách, đến đời Nguyễn (Thiệu Trị) mới đổi thành Tư Hiền. Tên tục là cửa Ông hay cửa Biện.
(2)
Đại Việt sử ký toàn thư chép Quách Gia Di chém đầu Sạ Đẩu đem dâng. Nhiều người cho QGD là một tướng Chiêm.
(3) Trong số phụ nữ bị bắt đem về có vương phi Mỵ Ê.