“Gốm Việt là một kết hợp độc đáo giữa sáng tạo bản địa và một số yếu tố ngoại lai từ Trung Quốc, Khơ-me, Chàm và Ấn-độ (...) người Việt đã tạo ra những món đồ gốm tinh tế nhất vùng Đông Nam Á.” (John Stevenson & John Guy, Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition, Mỹ, 1997)

“Từ những viên gạch lát nền, lát thềm, gạch xây tường, ngói lợp mái, ngói ống, ngói nóc tới các đầu rồng, đầu phượng, các linh thú, các thạp, thố, bình, ấm, chén, bát, đĩa v.v. (...) Tất cả (...) đều in đậm nét văn hoá Đại Việt.” (Hoàng Quốc Hải, “Thành xưa in dấu”, Hà Nội, 2004)

Chúng tôi cũng đã được xem khá nhiều đồ gốm Lý – Trần và cả đồ gốm cổ bên Tàu. Theo thiển ý, về kỹ thuật gốm ta luôn thua gốm Tàu nhưng về mỹ thuật lại có giá trị hơn, nhất là trong đời Trần.

Sản phẩm Đại Việt tiêu biểu đẹp mộc mạc mà tinh tế. Chẳng hạn trang trí “hoa nâu” trên gốm Trần thường chỉ là vài nét men đơn sơ trên nền trắng ngà, mà thật ưa nhìn.

Sản phẩm Trung Quốc tiêu biểu thì cầu kỳ và tinh xảo, nghĩa là rắc rối và khéo. Khéo chứ không phải đẹp. Mỹ thuật gốm Tống còn tương đối thoáng, Nguyên bắt đầu “chật”, đến Minh, Thanh thì chật ních. Chẳng những chật hình chật nét, mà còn chật cả... màu sắc nữa. Cái bình đời Thanh trang trí rậm rịt, sặc sỡ, bán được 70 triệu đô năm 2010, nói thực, nom.. nản quá!

Tiếc không biết chừng nào, bắt đầu từ đời Lê cái mỹ thuật gốm riêng và cao của ta bị chính triều đình ta rẻ rúng. Cứ càng về sau, gốm cung đình Việt Nam lại càng giống gốm Tàu, thảm hại!

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Chiến, Gốm Lý - Trần trong thành T.L.



Các hiện vật gốm sứ thu được đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia gồm những dòng như sau: đồ gốm men xanh lục, đồ gốm men trắng, đồ gốm men ngọc, đồ gốm men hoa nâu.

Đồ gốm men xanh lục:



Nắp hộp gốm men xanh lục đời Lý - ảnh HKHLSVN



Bát gốm men xanh lục đời Lý - ảnh khuyết danh

Thường có xương gốm màu trắng, nung ở nhiệt độ thấp.

Chiếc đầu trụ chạm nổi sóng nước, gần giống hình nậm hai đầu, chân đế giật cấp, thuộc thời Lý. Các đầu tượng người nam và nữ có kích thước nhỏ, chỉ điểm một vết men xanh hoặc vàng. Hiện còn chưa giải mã được thiết kế này.

Tượng sư tử gốm men xanh lục tìm thấy ở làng Đại Yên năm 1915 là một pho tượng đáng chú ý. Tượng mô tả sư tử nằm, ngẩng cao đầu, chân sau trùng. Trên đầu và lưng trang trí các đường văn khắc vạch. Men xanh lục chỉ còn rõ trên đầu, cổ và dấu vết trên thân. Phần không men lộ cốt đất màu đỏ gạch.

Đồ gốm men trắng:



Bình (?) gốm men trắng đời Lý - ảnh khuyết danh



Bình gốm men trắng đời Trần - ảnh sách Stevenson và Guy

Tác phẩm tiêu biểu là chiếc ấm có nắp, men trắng ngà. Ấm có dáng quả dưa, chân đế con tiện, vòi hình đầu rồng, quai hình chim vẹt đang ngủ. Trên nắp và vai chạm nổi băng cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ đều đặn, mang rõ phong cánh nghệ thuật thời Lý. Hiện vật tìm thấy ở làng Vĩnh Phúc năm 1927.

Năm 1935 cũng tại làng Vĩnh Phúc đã phát hiện một chiếc ấm men trắng ngà khác, bị vỡ miệng. Ấm có gờ miệng viền tròn, quai ấm hình chim vẹt ngủ, vai chạm nổi băng cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ đều đặn. Đây là hai dáng ấm đẹp thời Lý hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Đồ gốm men ngọc:



Bình gốm men ngọc đời Lý - ảnh khuyết danh



Bát gốm men ngọc đời Trần - ảnh khuyết danh

Việc sản xuất rất công phu. Đất được lọc kỹ tạp chất, xương gốm mịn, chắc và nặng. Lớp men phủ ngoài rất dầy, màu xanh ngọc, trong và bóng. Men ngọc có nhiều sắc độ, tùy theo độ lửa và thời gian nungi. Đồ gốm men ngọc Việt Nam gồm những màu vàng xám, vàng chanh, xanh ngọc sẫm, xanh ngả da táo.

Gốm men ngọc thường là đồ gia dụng như ấm, bát, bình, chén, đĩa, hộp, lư hương, liễn, lọ, ống nhổ... Hoa văn trang trí thường kết hợp kỹ thuật khắc chìm hoặc in chìm với chạm đắp nổi, khiến cho men đọng giọt đậm giọt nhạt không đều, tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt.

Tại làng Quần Ngựa đã tìm thấy một chiếc ấm gốm men ngọc thời Lý có miệng đứng, thân dáng quả dưa, vòi hình đầu rồng, quai hình đuôi rồng, đáy lõm để mộc. Trên vai ấm đắp nổi 4 dải mây hình khánh 2 đường chỉ (?), thân ấm khắc hình hoa lá sen và quanh chân đế là băng cánh sen phủ màu xanh ngả vàng.

Đồ gốm men hoa nâu:



Thạp gốm men hoa nâu đời Trần- ảnh HKHLSVN



Vò gốm men hoa nâu đời Trần - ảnh TT



Bình gốm men hoa nâu đời Trần - ảnh TT



Chậu gốm men hoa nâu đời Trần - ảnh TT

Với đặc điểm dùng màu nâu để trang trí trên nền men ngà, đây là một dòng độc đáo trong truyền thống gốm Việt Nam. Cốt dày dặn, phù hợp với kỹ thuật khắc chìm. Họa tiết được sắp xếp thành những mảng to trên nền thoáng.

Dòng gốm này còn có lối trang trí vẽ nâu dưới men trắng như một gạch nối với dòng gốm hoa lam. Và cả lối trang trí nổi theo phong cách phù điêu giàu tính hoành tráng.

Hoa văn trang trí trên gốm hoa nâu ngoài chủ đề Phật giáo, Đạo giáo, còn phần nào phản ảnh cuộc sống con người và thiên nhiên.

Các hiện vật thuộc dòng gốm men hoa nâu được lưu giữa tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia gồm ấm, bát, chậu, chân đế, đài sen, đĩa sen, đế tượng, liễn hoa, nắp gốm, thạp, tượng…

Tạm kết

Sưu tập đồ gốm men thời Lý - Trần tìm được trong khu vực thành Thăng Long lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một bằng chứng quan trọng về bước tiến đặc biệt trong lịch sử gốm cổ Việt Nam.

Trong số hiện vật có nhiều loại chưa gặp ở bất cứ nơi nào khác. Chúng không chỉ mang giá trị mỹ thuật cao mà còn biểu lộ một tinh thần phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần chứng minh tính chất đặc thù chuyên biệt của loại đồ gốm men dùng trong cung đình.

Ngoài ra, thông qua những sản phẩm này chúng ta có thể hiểu rõ hơn về mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa Đại Việt với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Chiêm Thành.


(Lược trích bài “Đồ gốm men thời Lý - Trần tìm được trong khu vực thành Thăng Long lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia” của Thu Nhuần, đăng trên trang
baotanglichsu.vn. TN cho biết nguồn là bài “Đồ gốm men thời Lý - Trần tìm được trong khu vực thành Thăng Long lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Hà Nội” của Nguyễn Đình Chiến, đăng trong Thông báo Khoa học, số 1, 2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội. Ảnh minh họa do người trích tạm chọn từ nguồn khác.)





Bình đời Thanh bán 70 triệu đô năm 2010 - ảnh khuyết danh