Dù có bận rộn tới phút chót - đóng cho xong một chiếc cầu bắc qua hào, một chiếc thang trèo tường, khoét lỗ nhét kíp chẻ đầu dây ngòi cho mớ “bánh khảo” đem về muộn, hay nắm những nắm cơm vét nồi... – chắc chắn đa số chiến sĩ sắp ra trận đều có lúc bỗng nhớ đến những cái gì đó rất xa mặt trận... nhớ thoáng chốc thôi...

“Lá ngụy trang rung nghiêng ngả. Đoàn bộ đội trông như khu rừng trong cơn gió to. Cáng tre, cầu, sọt, thang nhấp nhô, lúc lắc...”.

Những khu rừng thấp biết đi kỳ dị theo nhau tiến về điểm tập kết.

“Mới năm ngoái, những buổi xuất phát, toàn những lưỡi mác, bàn tay anh em tím đi vì rét, áo quần toạc từng mảng hở da thịt. Hôm nay chúng ta đã khác.” Thương quá. Mừng quá. Nhưng còn phải “khác” thêm nhiều nhiều nữa, phải có cả đại bác, cao xạ, thì mới đánh được những đòn chí mạng, anh em ơi.

“... Chào quyết thắng”.

Rừng ra khỏi rừng, tiến xuống đồng bằng.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Xung kích (5)



Buổi họp của chi ủy mở rộng sáng sớm hôm ấy quyết định hẳn kế hoạch tác chiến của đại đội Trần Phú. Các cán bộ giải tán vội vã, Sản lại quàng cái xắc-cốt, lên tiểu đoàn hội ý về một số vấn đề có thể phát sinh ở chiến trường, Kha lắc đầu trông theo cái ống tay áo lòng thòng của anh chính trị viên, rồi gọi:

- Đói lắm rồi, đồng chí Tằng ơi.

Độ đứng dậy bảo:

- Mày để phần cơm cho tao. Tao phải lên tiểu đoàn giục xem bánh khảo về chưa. Cái chỗ lĩnh về thì chỉ được một mồi.

- Việc gì phải giục. Tiểu đoàn cũng đang lo sốt vó. Ông Cường ông ấy lại sạc cho.

- Được rồi, mày cứ mặc tao.

Kha một mình trong lều. Công việc đầu tiên của anh là lau cái súng lục. Anh tháo bao, rút khẩu súng ra ngắm nghía, chùi một vết ngón tay trên nòng súng, lên đạn, hãm khóa rồi cẩn thận bọc vào miếng vải đỏ. Anh mở ba-lô, tìm bộ quần áo mới, vải còn thơm, mặc vào. Như thế là xong con người. Giờ chỉ đợi đi. Mỗi lần sắp ra trận, thế nào Kha cũng phải cố thay cho được bộ quần áo. Trước, Kha còn dành riêng cái mũ ca-lô xanh mang theo từ Hải Phòng, hôm nào sắp tác chiến mới đội. Cái mũ ấy rơi mất trong lần rút lui ở Châu Yên, Kha tiếc mãi. Kha nghĩ: “Có chết mình cũng chết cho đẹp”. Thằng Sản cũng biết ý nghĩ ấy của Kha. Có lần nó bảo: “Mày vẫn lôi thôi lắm”. Kha mỉm cười. Chỉ có một điểm nó còn nhượng bộ Kha, chính là cái điểm “lôi thôi” ấy. Ai như nó được. Mùa rét năm nay, cái áo bơ-lu-dông cũ của Sản lại rộng thêm, hai má nó lại nhọn thêm. Cái mớ tóc sau gáy thêm nhiều sợi bạc. Nó hơn Kha hai, ba tuổi chứ mấy. Kha hơi buồn, nghiêm trang lại trong lòng. Nhiều lúc, biết tính Sản làm chết thôi, Kha mặc kệ, trút hết việc cho nó. Lúc sáng, ở trung đoàn về, nhìn thấy Sản ngủ, mặt hóp lại, mắt nhắm im, Kha giật mình. Nó mở mắt, đờ ra nhìn Kha mấy giây như không nhận ra, rồi mới chớp chớp mấy cái. Kha nhớ một lần nó chỉnh thằng Độ: “Cảm tình suông không phải cảm tình của một thằng đồng chí. Cảm tình với nó thì phải làm cho nó tiến bộ. Anh cảm tình mà cứ như đánh vỡ mặt người ta rồi lại nịnh theo nó, thì làm gì?”. Thằng Sản nói đúng. Kha sẽ phải cố gắng giúp nó hẳn hoi từ bây giờ.

Tiếng đồng chí Tằng vẳng đến: “Chú đem hộ tôi lên. Tôi còn phải nắm cơm”. Tiếng Lũy láu táu: “Miếng gan kia để làm thức ăn bữa chiều cho anh ấy hơn”.

Kha ngả vào lều lấy cái bơ-lu-dông khoác ngoài. Cầm cái áo lên anh bỗng nhìn thấy cái huy hiệu hôm trước xin của Lý. Kha mân mê nó trên tay. Vừa mới gặp Lý được mấy ngày mà như đã lâu lắm rồi. Mỗi ngày bây giờ nhiều việc quá. Hôm sau không kịp nhớ lại hôm trước nữa. Không kịp dừng lại với tình cảm nào. Kha lấy trong ba-lô ra cái hộp thuốc lá cũ bằng sắt. Anh mở nắp hộp, bỏ cái huy hiệu vào. Trong hộp, loáng một ngôi sao bạc trên cuống vải xanh. Kha cầm một tấm ảnh cũ vàng trong hộp đưa lên xem. Hôm nay lại nhìn lại ảnh mẹ như mỗi lần sắp ra trận. Gia tài của Kha tất cả chừng ấy: ảnh mẹ, tấm huân chương, bây giờ thêm cái huy hiệu. Kha đậy nắp, bỏ hộp xuống đáy ba-lô, đặt gọn gàng vào một góc lều. Nghe đói rồi đây. “Cơm đâu anh Tằng ơi?”.

Chú Lũy mang cơm lên cho anh Kha rồi lủi ngay xuống bếp. Bên cạnh nồi ba mươi cơm nghi ngút hơi trên ba hòn đá to, đồng chí Tằng đang bò trên một miếng vải bạt rộng. Những ngón tay xù xì khum khum nắm vào cái khăn vải hai ba cái, giở ra được một nắm cơm mịn.

- Có mấy miếng thịt để cho chú trong cái bát kia kìa, ăn đi. Còn cơm kia.

Lũy cầm bát thịt đưa lên mũi:

- À, ưu điểm.

- Chú kể nốt đi. Qua cái cầu rồi sao? Có bò vào đến hàng rào không?

- Lại chả vào! Ông du kích đi với mình cứ tái cả mặt.

Tằng phì cười:

- Anh này nói phét. Tối bỏ mẹ nhìn thấy người ta tái mặt thế nào.

Lũy đờ ra gân cổ:

- Thấy chứ lị. Làm gì chả thấy.

- Ừ thì thấy. Thôi kể nữa đi. Hàng rào nó thế nào?

- Như hàng rào Bản Trại ấy. Chó làng tề nó cứ cắn ông ổng, chốc lại cốc một tiếng, boong một tiếng, kinh bỏ cha.

- Mấy lần hàng rào?

- Chả biết. Chỉ thấy tua tủa. Anh Kha bảo bảy lần.

- Bảy lần?

Tằng quay hẳn lại.

- Ừ, cả rào với dây thép gai. Mà cái tường nó như là cái thành Sơn Tây ấy. Cũng vuông đen lù lù như thế. Này, ụ vệ tinh là cái gì anh Tằng?

Anh cấp dưỡng lại ngẩng lên.

- Ờ... chắc nó là cái ụ súng chứ cái gì. Nó thế nào?

- Có hai cái ở trước cổng đồn. Nó ở ngoài hàng rào kia, thành ra mình không dám bò lên lối ấy. Thôi anh nắm cơm. Tôi phải lên đây.

Cái mũ sắt chú bé biến thoắt. Đồng chí Tằng thần người ra mấy phút. Cái đồn nó thế, thảo nào! Tằng biết rõ tất cả mọi chuyện trong đại đội. Cái bếp của anh, cậu nào xuống cũng đem theo thứ tin gì đó. Nghĩ đến trận đánh sắp tới, Tằng bồn chồn cả ruột ran, cúi xuống cái nồi ba mươi xới hai bát to vào miếng vải, nắm quàng lên.

*

Tiếng máy bay âm ỉ phía Lập Thạch không lúc nào ngớt. Ngoài đường cái, lác đác những anh vác gạo chạy vội từ mé đèo xuống. Bị gạo trùng trục như con lợn vắt trên vai, họ khập khiểng đuổi nhau trên đường.

- Các ông vác gạo, ngụy trang vào! Đi đâu mà nghênh ngang như đám rước ấy.

- Có phải tụi nhà mình không nhỉ? Này các anh đơn vị nào thế?

Mấy anh vác gạo vẫn cắm đầu chạy.

Một tốp thứ hai tới. Thông chạy hẳn ra đường, giữ một anh lại.

- Các đồng chí ở đơn vị nào?

- Hai mươi hai. Buông ra cho người ta đi, đã vội bỏ mẹ lại còn.

- Anh có thấy bọn chúng tôi về sau không?

- Bọn nào?

- Đại đội Trần Phú.

- Không biết.

Anh vác gạo cắm đầu định chạy. Thông túm lấy thắt lưng.

- Chạy đâu!

- Bỏ ra, anh này hay nhỉ.

Thông cười hì hì.

- Cho tớ hỏi đã. Tiểu đoàn chín ấy mà.

Anh vác gạo giằng ra, chạy miết, cành lá trên lưng rung tít, nói vọng lại:

- Chín thì còn xa. Sáng còn bên kia đèo.

Thông xé xoàn xoạt một cái ống quần cũ làm giẻ. Cái đầu trọc của Cốc lúi húi trên thỏi mìn bánh với mấy cái dây ngòi. Cốc vừa khoét lỗ nhét kíp vừa luôn ngẩng mắt lên theo dõi cái kéo đang lúng túng trên tay Mẫn.

- Cậu Mẫn cắt chéo đi, không phải, chéo nhọn đi thế này kia mà. Lấy dao díp chẻ đầu ngòi ra. Khéo không vãi thuốc. Thế đốt nó mới bắt nhanh. Phải đợi nó bén hẳn vào thuốc, xì khói ra, hẵng chạy.

Mẫn mím môi cố gắng làm theo đúng lời chỉ dẫn. Cốc nhớ đến những ngày mình mới vào bộ đội. Ngày ấy, Cốc cũng lúng túng như Mẫn bây giờ, nhưng Cốc chóng quen hơn. Lần đánh trận đầu, thằng Hoán cũng ngồi chỉ dẫn cho Cốc từng tí một. Chiều hôm trước, nó còn nghêu ngao: “Đây con trăng chiếu trên đồi cao...” rồi bảo Cốc: “Mày cố đi, tao gả em gái cho”, sáng hôm sau Hoán đã chết rồi. Nó cũng quê gần vùng này. Tự nhiên Cốc hỏi Thông:

- Này cái áo sợi trắng của mình liệu cậu mặc có vừa không?

Thông nhìn bạn, lo lo. Quái, mặt thằng Cốc hôm nay trông thế nào! Sao nó hỏi vậy. Khéo nó đổ mất.

Trong ruột Thông nôn nao. Hôm nay đánh chỉ có một mồi bánh khảo này. Mà lại thiếu đứt đi một tiểu đội. Thông phải lên châm lấy mới được.

Một tiếng oàng làm mọi người giật mình. Một tiếng oàng thứ hai. Oàng oàng oàng liên tiếp. Lá cây rào rào trên đầu.

- Các đồng chí nhanh tay lên – tiếng anh tiểu đội trưởng Thiềng hét giữa tiếng nổ vẫn ầm ầm đập vào vách núi.

*

Mệnh lệnh của tiểu đoàn: mười hai giờ, tập trung toàn thể bộ đội ở khu rừng thông.

Độ nhìn đồng hồ.

- Mười một giờ rưỡi còn gì! Toàn những mệnh lệnh không để cho thở nữa!

Kha đứng dậy, buộc quai mũ sắt gọi to:

- Đồng chí Ruộng báo cáo cho các trung đội tập hợp toàn thể, trong năm phút ra đường cái.

Sản giậm chân:

- Thế là bọn lấy gạo không về kịp.

Từ các bụi cây bờ suối, bộ đội đổ ra đầy đường cái. Những tốp vác gạo vẫn tiếp tục chạy về, càng ngày càng vội vã, cuốn theo sau chân từng đám bụi đỏ. Thang, cầu, sọt, cáng, đòn ống quay ngang quay dọc, giữa những mũ sắt, nòng súng chạy lên, chạy xuống, gọi hét ơi ới.

- Đứng vào hai hàng dọc.

Kha chống tay vào bao súng, đứng giữa đường nhìn bộ đội kéo ra.

Một anh cấp dưỡng đeo rổ cơm nắm len lỏi giữa bộ đội.

Trên một thửa ruộng phía trong, đại đội trưởng Ngọc cầm sổ tay vừa nhăn mặt vừa ghi. Tiếng một anh chính trị viên gào lên: “Các đồng chí mệt như thế này mà phải đi ngay bây giờ là vì chúng ta cần tranh thủ thời gian. Ngày hôm nay...”, tiếng nói lạc vào những tiếng ồn ào.

- Gạo đơn vị nào về đấy?

- Vẫn hai mươi hai đấy à?

- Tránh ra, tránh ra.

Một khẩu đại liên lặc lè đi qua, nòng bọc vải bạt, ba chân sắt đè lên vai anh đội viên béo lùn. Lại súng máy. Hòm đạn sắt chạy lạch xạch. Hòm đạn gỗ. Một anh vừa ôm ngực ho vừa chạy. Tiếng thở gấp. Lá ngụy trang rung. Những sọt tre nhấp nhổm. Một cái cầu dài lắc lư trên vai hai người dân công, dẫn đầu một đoàn cáng.

- Này, ông cụ, đi với bộ đội vui không?

- Ta ở đâu đấy?

- Bắc Ninh đây! Bắc Ninh đây!

Anh dân công gánh cáng cười nhe răng đen, vừa đi vừa quay sang trái, sang phải.

- Không có phụ nữ nhỉ. Các chị Trung du không đi à?

- Hoan hô thanh niên xung phong tải thương.

- Phụ nữ còn ở nhà gánh gạo qua sông các anh ạ.

- Tránh giạt vào! Máy bay đấy.

Tiếng thét truyền đi. Một anh đeo cái loa to tướng sau lưng chạy hốt hoảng qua. Dân công vẫn kéo tới. Mấy ông cụ tay cầm lá cọ che đầu, vai gánh cáng. Một chú bé mười ba mười bốn đeo tay nải. Lại một tốp bộ đội vác gạo hích vai chen lên...

- Nó bay xa rồi. Đi đi thôi anh em.

Con đường cái nghìn nghịt người lẫn lộn trong bụi đất đỏ. Những cây con hai bên đường bị giẫm rạp xuống. Lá ngụy trang rụng đầy đường. Trên một cái bếp lớn, một chảo nước vẫn sôi sùng sục. Ngựa hí ầm ĩ trong các bụi cây.

- Voi kìa, voi kìa, rẽ sang cho voi nào!

Huỵnh huỵch những tảng sắt đi qua. Một cái mũ nan nhoi nhoi đằng sau những sọt tre to lấp người. Đại đội trưởng pháo binh, lưng gù gù khua gậy ra lệnh:

- Liên đội đi quá lên năm trăm thước rồi rẽ vào bên cạnh.

Dưới gốc thông, hai ba con bò vẫy đuôi gặm cỏ. Đội du kích huyện đã tập hợp riêng một góc. Ông chủ tịch huyện tay giữ vành mũ lá chạy đi chạy lại, cái xà-cột lọc xọc.

Mũ sắt, mũ nan, thang, sọt, cáng vẫn kéo vào rừng thông. Bờ đường, hai ba chục đồng bào Mán Cao Lan, đàn ông, đàn bà, trẻ con, đứng hai hàng trước tấm băng giấy viết chữ mực tím lòng ngòng: “Hoan hô bộ đội”. Ông ủy nhiệm thôn tay cầm mũ, miệng nhai trầu, đứng đầu hàng.

- Chạy lên, không đứt liên lạc.

- Chạy lên, chạy lên.

Chân rầm rập, bụi đỏ càng mù mịt. Mấy anh cán bộ đứng châm thuốc lá ở góc đường rẽ, xì xào trỏ một đại đội đang đi qua.

- Chủ công hôm nay đấy.

- Đi lạnh thật. Trông họ tỉnh lắm mày ạ.

- Này cái cầu đan kỹ lắm. Trên nẹp, dưới nẹp.

Độ khoác áo mưa sột soạt, cứng thẳng. Sản cúi đầu đi nhanh. Kha vừa bước vừa ngoái cổ cười vội với mấy thằng bạn. Mũ sắt, súng tua tủa, xung kích im lặng đi.

Qua cái băng giấy “Hoan hô...”, Kha bỗng nhìn thấy Lý bên kia đường. Lý cũng ở đây à. Kha toan chạy sang chào nhưng lại thôi. Vội lắm. Đằng sau, những tiếng ào ào như sóng làm Kha ngoảnh lại.

- Cái gì mà ầm lên thế nhỉ?

Những bóng mũ sắt phía sau rối loạn. Tiếng ào ào lên tới gần...

- Gạo, gạo.

- Bánh khảo về luôn đây chúng mày ơi! Thôi chết Tây rồi.

Họ nhảy lên la hét. Tim Kha cũng đập thình thịch. Mồ hôi ướt đẫm ngực áo những anh mới tới. Cánh mũi to phập phồng, miệng há ra hổn hển.

- Báo cáo ban chỉ huy chúng tôi đã về đủ.

- Các anh ăn cơm chưa?

- Chúng tôi trút gạo lấy súng theo ngay, chưa ăn.

- Đồng chí Tại về gọi cấp dưỡng đem cơm ra ngay cho anh em.

Một đoàn đầu ngựa cất cao, bọt mép sùi trắng, giữa những cánh tay giơ lên rối rít. Những anh ngồi ngựa, lưng đeo ba-lô, tay giật cương, tay kia cầm mũ múa hoa lên.

- Bánh khảo nhiều không?

- Đủ dùng, đủ dùng.

- Ngựa chạy suốt đêm đấy. Vào trong này mà lĩnh.

Độ cười khà khà.

- Thôi được. Vào trước đi, nhanh lên. Không có khổ. Có cũng khổ.

Lá ngụy trang rung nghiêng ngả. Đoàn bộ đội trông như khu rừng trong cơn gió to. Cáng tre, cầu, sọt, thang nhấp nhô, lúc lắc.

- Ái chà, dân công chạy khỏe nhỉ.

- À, ông cụ này tôi đón tay hôm ở cái cầu gãy đây mà.

- Hoan hô đồng chí bố. Bố chạy có tướt không hả bố?

- Kìa cụ Thúy, bộ đội hoan hô kìa!

- Hôm nay có được xem súng nổ tận mắt không nào!

- Mình được vào đồn một cái không nhỉ.

- Chạy lên! Chạy lên!

*

Trong rừng thông, những đơn vị tới trước đứng từng khối vuông ồn ào. Ngựa chạy giữa những hàng người. Giấy trắng nhỏ bay tới tấp như cánh bướm trên những bàn tay tranh nhau giơ ra.

- Cái gì thế?

- Thư Bác.

- Đâu đâu? Đưa tao. Chúng tao chưa có thật mà.

- Cài lên mũ cái đã.

Khu rừng dần im xuống.

“... Chiến dịch này là lần đầu tiên ta đánh đồng bằng (...)”.

Buổi chiều âm u. Anh chính trị viên trung đoàn đọc mỗi câu lại ngừng lại, nhìn những khối người im phăng phắc.

“(...) Chào thân ái và quyết thắng”.

Một làn sóng chạy trên những mũ sắt, những nòng súng, những vai áo nâu, những khăn bịt đầu, những đòn ống dựng đứng. Tiếng hoan hô làm những đàn chim bay vù lên cao tán loạn. Anh trung đoàn trưởng bước lên.

- Thưa các đồng chí, trong lúc gấp rút này, các đồng chí có cho phép tôi thay mặt trung đoàn hứa với Bác không?

- Có!

Anh trung đoàn trưởng nhìn bộ đội, dân công trước mặt. Mới năm ngoái, những buổi xuất phát, toàn những lưỡi mác, bàn tay anh em tím đi vì rét, áo quần toạc từng mảng hở da thịt. Hôm nay chúng ta đã khác.

- Chúng ta hứa với Bác hôm nay không thắng không về. Đường rút lui của chúng ta là bạt cái cứ điểm của nó mà về.

Kha nắm báng súng lục bên hông, mặt đỏ bừng. Sản nhìn nhanh những đám mây đen đang đùn ra giữa trời. Mây này, tối trời, hành quân tốt. Đến sớm, giải quyết được nhanh.

Tiếng đại bác đã im. Gió thổi càng lúc càng mạnh. Tiếng anh trung đoàn trưởng khàn khàn.

- Mệnh lệnh hành quân.

Bộ đội bắt đầu ra khỏi rừng.


(còn tiếp)