Tại sao thơ văn cần nhạc? Thực ra không phải thơ văn nào cũng cần nhạc, mà chỉ thứ thơ văn có chứa cảm xúc mới cần nhạc, để nhờ nhạc giúp chở cảm xúc vào lòng người thưởng thức thơ văn. Văn xuôi như văn Nguyễn Tuân mới nên nhờ tai đọc lại. Những loại văn xuôi tối tân hơn, xin chỉ cậy mắt thôi, cho tai được miễn! (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Phải đọc lại cả bằng tai”




Viết ra rồi, chưa có nghĩa là đã xong hẳn (...) (Phải) đọc lại bằng mắt, đọc lại bằng tai. Đọc thầm bằng mắt và đọc to lên bằng miệng để cho tai cũng đọc (tức là nghe) với (...)

Tự mình kiểm tra về tính trong sáng của văn mình, cặp mắt vẫn là ở hàng đầu, rất cần, nhưng một mình nó riêng tôi cho là chưa đủ. Có những tiếng, những chữ mỗi lần vác từ trong kho dân tộc ra mà dùng, cần phải gieo nó xuống, cần phải gõ nó lên mà đo lại cả những vòng ngân vang của nó. Người đã làm nổi thơ thì rất hiểu sự quan trọng của tai, cái tai nhạc của nhà thơ giúp việc đắc lực cho sự trong trẻo của lời thơ. Mà người làm văn xuôi cũng phải hiểu điều này (...) Bởi không thấy được cái tiềm lực kín đáo của chất nhạc trong mọi cái hơi của văn xuôi, cho nên đã bục ra một số hiện tượng tê thấp và thấp khớp tại chỗ văn xuôi này, tại chỗ văn xuôi kia (...) (Văn xuôi có chất nhạc), hãy khá đừng lẫn nó với cái kiểu văn xuôi biền ngẫu con hoang của thể phú! (cái thứ nhạc biền ngẫu ấy đã từng phá đám mất bao nhiêu là trang văn xuôi có thể là hay).


(
Các nhà văn nói về văn, nxb. Tác Phẩm Mới, 1985)