Cũng như nhiều người chỉ thấy Lăng Cô từ trên xe lửa, Nguyễn Hiến Lê tưởng đó là một “hòn cù lao”! Lăng Cô chắc chắn là một trong vài nơi đẹp nhất trong rất nhiều nơi rất đẹp dọc bờ biển miền Trung. Nhưng cũng như Cửa Tùng, Đại Lãnh v.v., Lăng Cô bớt đẹp nhiều rồi, do nhân dân xây dựng quá bừa bãi và xả rác quá vô tư!

“Non sông Việt Nam sao mà đẹp thế!”.

Góp một bàn tay giữ đẹp, ai ơi.
(Thu Tứ)



“Bờ biển miền Trung”

Nguyễn Hiến Lê




Cảnh (...) bờ biển Trung Việt (...) đẹp nhất là ở đèo Cả và đèo Ải Vân (cũng gọi là Hải Vân). Năm 1941 (...) tôi đã được ngắm cả hai nơi đó (...)



ảnh khuyết danh


Xe lửa từ Nha Trang ra, vừa qua một trái núi thì tới bãi biển Đại Lãnh dài khoảng hai cây số, như một cánh cung ba mặt là núi, một mặt là biển. Một rặng dương (phi-lao) vi vu bên đường quốc lộ số 1 ngăn bãi cát vàng ở bờ biển với đồng lúa xanh ở chân núi. Chỉ trong một khoảng không tới hai cây số vuông mà có đủ các cảnh núi cao, rừng rậm, có thác, có suối, với một nhịp cầu bắc ngang, cảnh đồng ruộng thôn quê, cảnh phố xá ở trước ga, cả một xóm chài nữa với những chiếc lưới đong đưa trước gió.



Đại Lãnh - ảnh khuyết danh


Ra khỏi ga Đại Lãnh độ dăm trăm thước, tôi thấy ở bên đường xe lửa một tấm bảng (...) Tôi gọi nhà tôi lại: “Tới đèo Cả rồi!” (...) Hành khách đổ xô lại các cửa sổ để ngắm cảnh.

Xe chạy chậm lại, độ mười cây số một giờ vì đường dốc mà nguy hiểm. Đèo dài 11 cây số, từ ga Đại Lãnh đến ga Hảo Sơn. Núi ở bên trái, rất cao và có nhiều cây lớn và những tảng đá phẳng như bàn cờ bên những dòng thác và suối. Xe chạy sát một vách núi dựng đứng, nhìn xuống biển thấy ngợp. Mũi Ba đâm thẳng ra mặt biển mênh mông, thấp thoáng vài cánh buồm xa xa. Cảnh thật hùng vĩ.



Đại Lãnh - ảnh khuyết danh


Cái đặc sắc nhất ở đây là màu ngọc thạch của nước biển, trong lạ lùng, đứng trên xe lửa nhìn xuống mà cũng thấy rõ những tảng đá ở đáy, gần bờ. Màu đó càng ra xa càng biến đổi lần lần, đục lại thành màu xám, tới ngoài khơi thì thành màu lơ đặc (...)

Đường xe lửa ngòng ngoèo, qua sáu cái hầm rất ngắn, trừ hầm cuối cùng dài non hai cây số. Trong hầm tối như đêm và tiếng xe chạy nghe rầm rầm như bao nhiêu tảng đá đổ trên đầu.



Đại Lãnh - ảnh khuyết danh


Trong chuyến ra Bắc lần thứ hai, tôi được ngắm cảnh đèo Cả ban đêm (...) “Đêm đó tôi đương ngắm cảnh biển mênh mông nhấp nhô dưới ánh trăng thì xe lửa lượn vào một khúc quẹo và những làn sóng bạc bỗng biến đâu mất mà trước mặt tôi hiện lên một dãy núi đen tím với một cái vũng lốm đốm mươi ngọn đèn chài đỏ như than hồng trên một làn nước phẳng lặng: cảnh biến đổi thật huyền ảo và trong một phút, tôi có cảm giác là mọc cánh mà lên tiên”.

Hôm sau (...) tôi được ngắm cảnh đèo Ải Vân (...)

Ở đây xe lửa chạy theo bờ biển 30-40 cây số; non ba giờ liền, tôi được nhìn một cuốn phim quay cảnh thiên nhiên (...)

Vì một đầu máy không kéo nổi chuyến xe, nên phải móc thêm một đầu máy ở phía sau để đẩy nữa (...) Cũng như ở đèo Cả, xe chạy giữa một bên là vách đá dựng đứng, một bên là biển thẳm mênh mông.



Đèo Hải Vân - ảnh khuyết danh


Cảnh thực vật ở đây thay đổi luôn luôn, nhiều vẻ đẹp hơn ở đèo Cả: chỗ thì cây cối thưa thớt, thoải mái mà chỉnh tề, chỗ thì chen chúc nhau cố bíu lấy nhau trên một sườn núi cho khỏi tuột xuống thung lũng. Có nơi một giống dây leo lá tròn trùm kín hàng mấy chục mẫu, trông xa như một tấm mền xanh căng ở sườn núi, có cột chống ở dưới.

Thỉnh thoảng xe qua những chiếc cầu nho nhỏ bắc qua suối. Dòng nước trong leo lẻo xô đẩy nhau trên những phiến đá nhẵn rồi chui vào một cửa tò vò chuối màu xanh non, sau cùng thoát ra tại một bãi cát vàng ở xa xa. Đẹp nhất là những thảm cỏ điểm hoa tím và vàng rung rinh như cánh bướm.

Xe vẫn phì phì uốn khúc gắng trườn về phía con đường quốc lộ số 1 vờn mây ở lưng núi bên kia. Xe chui vào hầm – quãng đường này có bảy tám cái hầm – và mỗi lần ở hầm ra thì cả một cảnh trời cao biển rộng hiện ra trước mắt: trời xanh lơ, biển xanh ngọc thạch (tôi nghe nói từ Huế trở ra biển mới đục, mất màu thần tiên đó). Biển ôm những cù lao ở ngoài khơi, liếm những bãi cát vàng cánh cung ở bờ, vỗ vào chân vách đá. Nó vào gần tới bờ lại lùi ra, để lại một viền bọt trắng.

Xe vẫn phì phì lên, cảnh vẫn thay đổi. Có khi xe lùi vào trong để cho ta ngắm những vũng nho nhỏ có dăm nóc nhà ngói đỏ giữa vài thửa ruộng, sau một bãi cát; có khi nó lượn bên một bãi cỏ rộng, lưa thưa vài gốc dương đương hòa nhạc với sóng biển: đây hẳn là chốn hẹn hò của những con nai vàng trong những đêm trăng (...)

Càng lên cao, các ngọn núi càng xích lại gần nhau. Núi đã mờ mờ. Xe đã chui vào mây. Lạ thay, tôi có cảm giác biển cũng dâng lên để được gần trời. Mây lờn vờn ở ngoài khơi, bóng mây làm cho mặt biển lốm đốm như mai con đồi mồi.

Xe vẫn uốn khúc, nặng nề leo. Quốc lộ số 1 đã khuất trong mây rồi. Chung quanh chỉ thấy biển và mây (gọi đèo này là đèo “Hải Vân”, phải quá), đương giữa trưa mà có sương mai.

Tôi nhìn về phía sau: đầu máy thứ nhì đã rời chuyến xe mà quay trở về lúc nào rồi. Xe đã lên đến đỉnh đèo. Tôi tiếc ngơ ngẩn. Quốc lộ số 1 và đường xe lửa lại cùng nhau xuống, một đường vẫn chạy sát bờ biển như mê cảnh biển, một đường lùi vào trong, không muốn rời núi mây.



Lăng Cô - ảnh khuyết danh


Nhưng đến Lăng Cô (một ga nhỏ) thì hai đường gặp nhau, như cùng nhận rằng có thể không ngắm biển hay không ngắm mây, chứ không thể không ngắm Lăng Cô.



Lăng Cô - ảnh khuyết danh


Có người cho rằng Lăng Cô là cảnh đẹp nhất trên đường Đà Nẵng – Huế. Từ trên cao nhìn xuống, nó y như một bức tranh thủy mặc. Một cù lao nhỏ ở gần bờ biển, bằng phẳng, mọc toàn dương, có nhà, có chùa, có ghe đánh cá và lưới phất phơ dưới gió. Một cây cầu dài nối với bờ. Những buổi chiều mây ngũ sắc in trên mặt nước, những chiếc ghe giương buồm ra khơi, hay những đêm trăng sóng bạc nhấp nhô vạch một đường sáng tới một đảo ở chân trời, ngồi ở gốc dương đầu cầu ngắm cảnh thì ai mà không mơ tới cảnh Bồng Lai ở cuối con đường sáng trên biển đó? (...)

Được thưởng cảnh thần tiên, tâm thần tôi nhẹ nhàng lên (...) Trên ba mươi lăm năm nay không được thấy lại cảnh đó, nay không biết ra sao. Non sông Việt Nam sao mà đẹp thế!


(
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992)