“Nửa năm hơi tiếng vừa quen” thì thân phụ Thúc Sinh xuất hiện, “dạy cho má phấn lại về lầu xanh”! Thúc Sinh không vâng lời. “Nghe lời sắt đá tri tri” của con, bố “sốt gan”, lên quan đâm đơn kiện. Không biết “nguyên đơn” viết thế nào mà “mặt sắt đen sì” “suy” rồi “luận” rất bất lợi cho Kiều. Giữa “hai đường” quan đưa ra, Kiều chẳng thà bị đánh hơn lại làm đĩ. Thì quan cho “gia hình”: “Ba cây chập lại một cành mẫu đơn / (…) / Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày”! Người bị đòn đau khóc, kẻ đứng trông sụt sùi càng thê thảm, đến nỗi mặt sắt động lòng gọi hỏi. Nghe Thúc Sinh trình bày, quan thấy Kiều “cũng thị phi biết điều”, rồi thử tài làm thơ của nàng, thấy giỏi quá, bèn phán: “Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân!”, truyền cho Thúc ông “dẹp nỗi bất bình”, nhận Kiều làm con dâu! Lại truyền “sắm sửa lễ công / kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao / bày hàng cổ xúy xôn xao / song song đưa tới trướng đào sánh đôi”, cho Kiều vinh quy! Đời xuống chó lên voi nhanh quá, có chóng mặt lắm không, thiên hương ơi? À, phen này “phong lôi nổi trận bời bời” nhưng lặng ngay. Phen sau sóng ngầm đánh mới thật là ghê!

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 1385-1472)



Nửa năm hơi tiếng vừa quen, (1385)
Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng.
Giậu thu vừa nảy giò sương,
Gối yên đã thấy xuân đường đến nơi.
Phong lôi nổi trận bời bời,
Nặng lòng e ấp tính bài phân chia. (1390)
Quyết ngay biện bạch một bề,
Dạy cho má phấn lại về lầu xanh!
Thấy lời nghiêm huấn rành rành,
Ðánh liều, sinh mới lấy tình nài kêu.
Rằng: “Con biết tội đã nhiều, (1395)
Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam.
Trót vì tay đã nhúng chàm,
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây!
Cùng nhau vả tiếng một ngày,
Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành. (1400)
Lượng trên quyết chẳng thương tình,
Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi!”
Thấy lời sắt đá tri tri,
Sốt gan, ông mới cáo quỳ cửa công.
Ðất bằng nổi sóng đùng đùng, (1405)
Phủ đường sai lá phiếu hồng thôi tra.
Cùng nhau theo gót sai nha,
Song song vào trước sân hoa lạy quỳ.
Trông lên mặt sắt đen sì,
Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời: (1410)
“Gã kia dại nết chơi bời,
Mà con người thế là người đong đưa!
Tuồng chi hoa thải hương thừa,
Mượn màu son phấn đánh lừa con đen.
Suy trong tình trạng nguyên đơn, (1415)
Bề nào thì cũng chưa yên bề nào.
Phép công chiếu án luận vào,
Có hai đường ấy, muốn sao mặc mình:
Một là cứ phép gia hình,
Một là lại cứ lầu xanh phó về!” (1420)
Nàng rằng: “Ðã quyết một bề,
Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần!
Ðục trong thân cũng là thân,
Yếu thơ vâng chịu trước sân lôi đình.”
Dạy rằng: “Cứ phép gia hình!” (1425)
Ba cây chập lại một cành mẫu đơn.
Phận đành chi dám kêu oan,
Ðào hoen quẹn má liễu tan tác mày.
Một sân lầm cát đã đầy,
Gương lờ nước thủy mai gầy vóc sương. (1430)
Nghĩ tình chàng Thúc mà thương,
Nẻo xa trông thấy lòng càng xót xa.
Khóc rằng: “Oan khốc vì ta,
Có nghe lời trước chẳng đà lụy sau.
Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu, (1435)
Ðể ai trăng tủi hoa sầu vì ai?”
Phủ đường nghe thoảng vào tai,
Ðộng lòng lại gạn đến lời riêng tây.
Sụt sùi, chàng mới thưa ngay,
Ðầu đuôi kể lại sự ngày cầu thân: (1440)
“Nàng đà tính hết xa gần,
Từ xưa nàng đã biết thân có rày!
Tại tôi hứng lấy một tay,
Ðể nàng cho đến nỗi này vì tôi!”
Nghe lời nói cũng thương lời, (1445)
Dẹp uy mới dạy cho bài giải vi.
Rằng: “Như hẳn có thế thì,
Trăng hoa song cũng thị phi biết điều!”
Sinh rằng: “Chút phận bọt bèo,
Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên.” (1450)
Cười rằng: “Ðã thế thì nên,
Mộc già, hãy thử một thiên trình nghề.”
Nàng vâng cất bút tay đề,
Tiên hoa trình trước án phê xem tường.
Khen rằng: “Giá đáng Thịnh Ðường, (1455)
Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân!
Thực là tài tử giai nhân,
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn!
Thôi đừng rước dữ cưu hờn,
Làm chi lỡ nhịp cho đàn ngang cung. (1460)
Ðã đưa đến trước cửa công,
Ngoài thì là lý song trong là tình.
Dâu con trong đạo gia đình,
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong!”
Kíp truyền sắm sửa lễ công, (1465)
Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao.
Bày hàng cổ xúy xôn xao,
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.
Thương vì hạnh trọng vì tài,
Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba. (1470)
Huệ lan sực nức một nhà,
Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)