Chắc chắn bất chấp tư thế của Bà và bất chấp cây gậy, người Chàm vào “chùa” cúng Bà mấy gậy là với thái độ trang nghiêm nhất.

Trong khi đó, hai cái tên mà người Việt đặt cho “chùa” lại gợi cảm giác thân mật.

Người Chàm và người Việt cùng có tín ngưỡng phồn thực, nhưng ở dân tộc ta niềm tin ấy nó thoải mái hơn nhiều (xem bài “Có thần và thần” của TT).

(Thu Tứ)



Tạ Chí Đại Trường, “Chùa Bà Ðanh”




Chi tiết rõ rệt hơn cả của thần linh Chàm được họ mang theo thờ cúng trên kinh đô nước Việt là “chùa” Bà Ðanh.

Bia 1699 còn lại sau lần phá dỡ năm 1907 chỉ rõ tên nôm của chùa là Bà Ðanh Tự, còn tên Hán Việt là Châu Lâm Tự (...) Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, chùa đã trở thành hoang phế như lời xác nhận của Nguyễn Huy Lượng trong bài phú Tụng Tây Hồ (1801). Chùa có tên bình dân khác là chùa Bà Banh và cũng được xác nhận hiện diện khoảng 1720-1729 trong gia phả của Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh) với câu chuyện bài thơ ghẹo Thần của ông “trạng” này (...) Chúng ta không cần biện minh về tác giả, chỉ nhìn riêng bài thơ qua lời tục ẩn giấu để biết những gì người dân thấy được mãi tận thế kỷ XVIII về chi tiết của một tượng thần Chàm:

Khen ai đẽo đá...
Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt,
.....................................................
Có ngứa gần đây nhiều gốc dứa,
Phô phang chi...


Đây rõ ràng là một “chùa” thờ thần Po Yan Dari, sau này Việt hóa ngay trên đất Chàm cũ là Ðĩ Dàng, Lỗ Lường (Khánh Hòa, xem sau). Thần ban phúc cho người cầu cúng khi người này cầm gậy thọc vào hạ bộ của thần. Tên Bà Banh là ý “phô phang” đó, còn tên Bà Ðanh là nói về cây gậy (hẳn bằng đá ở chùa này). Xét các tượng còn đến bây giờ, ta phải tiếc là đã mất đi pho tượng đặc biệt này.


(Tạ Chí Ðại Trường,
Thần, người và đất Việt, nxb. Văn Học, Mỹ, 2000, tr. 174-175. Nhan đề phần trích tạm đặt.)