Đây là lần đầu tiên quân Đại Việt đi đánh Chiêm Thành. Chiêm đương thịnh, thế mà thua lần ấy rồi cứ thế suy luôn cho đến mất, trừ thời kỳ oanh liệt ngắn ngủi của Chế Bồng Nga. Bắt người Chiêm đem về cho khai khẩn đất hoang, tức là thời ấy châu thổ Bắc bộ vẫn còn những nơi chưa có nhiều người ở… Chắc chắn tổ tiên ta đã hoặc cùng khai khẩn hoặc lúc nào đó đến sống chung với họ, nhiều cuộc hôn nhân Việt - Chiêm đã xảy ra. Có lẽ ngay bây giờ, ở vài địa phương, nếu nhà dân tộc học nhìn thật kỹ vẫn có thể nhận ra mơ hồ dấu vết văn hóa Chiêm… (Thu Tứ)



“Lê Đại Hành bình Chiêm”

Đào Duy Anh




Sau khi đã đánh bại được quân Tống để giữ vững nền tự chủ, Lê Hoàn lại phải đối phó với nước Chiêm Thành ở phía nam.

Trong khi dân tộc ta nhân sự suy bại của nhà Đường mà khôi phục được nền tự chủ, thì nước Hoàn Vương, đổi tên là Chiêm Thành, cũng nhân cơ hội ấy mà bắt đầu tự cường trở lại, chiếm được tất cả phần đất từ Ải Vân đến Hoành Sơn và dời kinh đô trở lại miền Quảng Nam, địa điểm Đồng Dương (Indrapura, trong huyện Thăng Bình). Bấy giờ là thời kỳ thịnh trị của Chiêm Thành. Nhiều cung điện chùa tháp được xây trong khoảng ấy (...)

Sau khi nhà Tống đã tái thống nhất nước Trung Hoa, các vua Chiêm Thành lại tiếp tục xưng thần như đối với nhà Đường trước kia. Bấy giờ ở phía nam họ phải đối phó với sự uy hiếp của nước Chân Lạp đương cường thịnh. Nhưng ở phía bắc thì họ lại muốn uy hiếp nước ta mới dựng để vươn ra phía ngoài Hoành Sơn. Nhân cuộc nội biến xảy ra ở nước ta cuối thời Đinh, vua Chiêm liệu kế thực hiện mưu ấy.

Ngô Nhật Khánh là một sứ quân trước kia đã bị Đinh Bộ Lĩnh hàng phục. Sau khi Đinh Tiên Hoàng bị giết, Nhật Khánh bỏ trốn sang nước Chiêm Thành, dụ người Chiêm vào đánh nước ta để cho y báo thù.(1) Ở đời Đinh Duệ, Nhật Khánh dẫn quân Chiêm do đường biển tiến ra đến cửa Đại Ác (tức Đại An) và cửa Tiểu Khang (cửa Càn, ở phía bắc Thần Phù), định đánh úp Hoa Lư. Nhưng gặp bão lớn, thuyền đắm mất nhiều, quân Chiêm phải trở về.

Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn sai hai sứ giả sang thông hiếu với vua Chiêm, nhưng sứ giả bị vua Chiêm bắt giam. Năm 982, sau khi đã đánh bại quân Tống, Lê Hoàn phát quân đi đánh Chiêm Thành, tiến vào đến tận miền Quảng Nam, chiếm được kinh đô nước Chiêm (Đồng Dương), san bằng thành trì, phá hủy cung điện. Vua Chiêm bỏ chạy.(2) Lê Hoàn thu được của cải châu báu vô số, bắt được hàng trăm cung nữ và rất nhiều quân dân đem về nước để dùng làm nô tỳ và cho khai khẩn đất hoang. Sau cuộc bại trận ấy, vua Chiêm phải xưng thần triều cống, và từ đó về sau dưới sự uy hiếp của nước Việt bắt đầu phát triển về nam, nước Chiêm sẽ suy đốn dần.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin. VN, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)











___________
(1) Thù đây là thù Đinh Bộ Lĩnh đã đánh dẹp mình.
(2)
Đại Việt sử ký toàn thư chép quân ta chém được Bê Mi Thuế tại trận. G. Maspéro cho đây là vua Chiêm Parameshvaravarman I.