“Tôi cho trăng vằng vặc trên dòng nước mới đẹp”... Chắc đa số người Việt Nam cũng “cho” thế, vì từ kép “trăng nước” rất phổ thông. “Thi sĩ Trung Hoa thích cảnh trăng ẩn sau đám mây, nửa mờ nửa tỏ”... Chắc vì thế mà tiếng Tàu có từ “vân nguyệt”. Ta không nói “trăng mây”, có lẽ vì không thú vị cảnh ấy cho lắm. (TT)



Nguyễn Hiến Lê, “Trăng nước miền Nam”




Xét chung Nam Việt đẹp nhờ trăng và nước (...) Thi sĩ Trung Hoa thích cảnh trăng ẩn sau đám mây, nửa mờ nửa tỏ; tôi cho trăng vằng vặc trên dòng nước mới đẹp.

Trăng ở đây tỏ nhất vào giữa tháng giêng và tháng hai âm lịch. Vào những khoảng đó, nếu làm việc ở một miệt vườn như Long Xuyên, Cần Thơ, mà lại nhằm ngày rằm, làng nào cũng cúng đình, thì thế nào tôi cũng dạo trên bờ rạch để ngắm cảnh.

Dưới rạch thỉnh thoảng có một hai chiếc tam bản hoặc ghe hầu lặng lẽ xuôi dòng đưa các ông già bà cả đi lễ đình, có thiếu nữ theo hầu. Trên đường đất theo bờ rạch, nam thanh nữ tú dập dìu chơi xuân, lúc ẩn lúc hiện dưới bóng rặng dừa, rặng xoài hay bằng lăng. Trong gió mát, phảng phất hương xoài, hương mù u. Và chỗ nào cũng nghe thấy tiếng đàn kìm từ trong nhà sàn bên đường đưa ra các điệu Vọng cổ, Tây Thi, Tứ Đại oán... Cứ tiếng đàn ở sau lưng nhỏ dần thì đã văng vẳng tiếng đàn ở phía trước. Trời trong, nước trong. Trăng nhấp nhô trên mặt nước, lấp lánh trên đường trải cát, nhảy múa trên tàu dừa, chảy trên tóc, trên vai thiếu nữ. Trong lòng tôi thấy rạo rực và tôi hiểu tại sao người Trung Hoa đã cho Lý Bạch chết vì muốn ôm trăng trên dòng nước. Trong sân đình đông nghẹt người. Các bà già và thiếu nữ đi xem kết quả cuộc thi nữ công – thực ra chỉ là thi bánh mứt – còn bọn trai làng thì cốt ngắm các cô dự thí. Mười một giờ khuya buổi lễ mới vãn. Trăng lúc này mới thật đẹp. Tôi đi một mình xuôi ra ngoài vàm, nghe tiếng lá xào xạc trong cảnh tĩnh mịch, tiếng nước bập bềnh vỗ vào bờ. Trong những bụi chuối cách đường vài thước có những cặp đang tình tự. Xa xa vẳng lên một khúc xuân tình.


(Trích
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992. Nhan đề phần trích tạm đặt.)