Không rõ tại sao mùa hè năm ấy “Tây Tiến” lại sốt sắng tìm chim “như thể tìm em” thế. Từ “những ngày nắng tháng năm” đến “cữ bắt đầu có gió mùa đông bắc” cũng đâu có lâu gì mà không đợi được... May bỏ ra bao nhiêu công rồi cũng thành công, chứ không đến nỗi là công cốc: chẳng những gặp, trông tận mắt, mà còn được thưởng thức “con sâm” tận lưỡi, “thấy rõ vị sâm, nhất là ở hai cẳng”!

Tên “chim sâm” dễ đoán. Còn tên “cốc vộc”... “Vộc” chắc không liên hệ với “gộc”, vì chính con chim cốc thường mới gộc hơn nhiều, bắt đến cá khá to, chứ cốc vộc thì chỉ ăn củ sen, châu chấu, cào cào, chuồn chuồn, tôm...

(Thu Tứ)



Quang Dũng, “Như thể tìm chim”




Đúng vào những ngày nắng tháng năm, trong tiếng chim tu hú kêu đối đáp nhau ở những rặng vải ven sông, tôi bắt đầu đi tìm gặp con chim quý của đất Hà Nội, con chim sâm cầm.



Chim sâm cầm - ảnh khuyết danh


CMùa này làm gì có sâm cầm ở hồ Tây, phải vào cữ bắt đầu có gió mùa đông bắc nổi lên, mây xám lạnh kéo về đầy trời, ta mới có thể gặp sâm cầm từng đàn lớn từ phương bắc về, hàng vạn con sà xuống đầy mặt nước hồ. Cái khó của tôi, trong những ngày chim tu hú rủ nhau về cùng mùa vải chín, cùng những trận nắng lửa báo hiệu một mùa hè dữ dội, là như vậy. Nhưng tôi không nản. Tôi tìm đến gặp một anh từng làm công tác bảo tàng của Hà Nội. Anh này đã về hưu nhưng từng tìm hiểu về chim sâm cầm nhân dịp giới thiệu đặc sản Hà Nội. Anh vui vẻ giới thiệu ngay tôi đi xuống nhà cụ Vũ, thợ lột da thú chuyên môn. Chính tôi – Nguyễn Bá Khoản nói – đã mua một con và đưa cụ Vũ làm hộ cho cái tiêu bản để mang trưng bày. Thời gian ấy, tôi nhớ cụ còn làm cả cái con rùa to ở hồ Gươm, con rùa mà chúng ta đã gặp để ở Giám. Con chim sâm cầm này đã có chỗ đứng – nói chỗ đậu hay chỗ bơi cũng được, vì chim cứ dập dềnh suốt vụ rét ở mặt hồ, trên những đám cỏ lác – trong ca dao ngạn ngữ về những món ăn đặc biệt của đất nghìn năm văn vật:

“Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm
Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”.




Chim sâm cầm - ảnh khuyết danh


Anh nên đến ngay, vì chủ nhật cụ Vũ hay đi cờ và tổ tôm lắm. Con chim ấy, giờ ai giữ cụ ấy biết đấy. Anh gặp cụ, sẽ nghe cụ nói chuyện nhiều về các loài chim, hổ, báo, nai, hoẵng và cả rắn nữa. Nhà ông cụ ở ngay đầu ngõ Văn Chương, trong nhà đủ là một cái vườn bách thú... chết (...)

- Ấy, thế thì ông đạp xuống ngay chùa Hưng Ký. Sâm cầm của Bảo tàng Hà Nội đang để trong kho chùa Hưng Ký. Phải, chính tôi làm cái tiêu bản ấy đấy (...)

Từ biệt nơi có một “ông” cọp nằm trong buồng và một “ông” cọp nữa đắp chiếu ngoài sân dưới trời nắng chang chang, tôi đạp vội xuống chùa Hưng Ký (...) “Ông Ứng giữ kho ở đây đi học mấy tháng nữa mới về (...)”. Tôi lại quay về nhà cụ nhồi da thú. Cụ ghi cho tôi địa chỉ một cụ thiện xạ ở ngay vùng Tả Thanh Oai đã có bắn rất nhiều sâm cầm và có thể còn một con đang ngâm rượu thuốc khả dĩ... nghiên cứu được.

Tôi đến nhà cụ Nghiêm, cầm mảnh giấy giới thiệu của cụ Vũ (...) Cụ Nghiêm vui chuyện lắm (...)

- Nó chính là con cốc vộc (...) Lính Bốn Tám (trung đoàn) những năm ấy, cứ sau trận đánh, rút về tắm giặt nghỉ ngơi và đi đầm Thanh Áng đầm Mơ sát Quảng Bị bắt chim. Chúng tôi quây lưới bắt được hàng trăm con. Thế là hét nhau tiểu đội nào đi vào các vườn xin hàng răm, tiểu đội nào đi chạy gạo lốc mới. Chỉ mấy giờ sau, những nồi cháo chim thơm mùi hành răm đã bắc ra sân, quân dân xì xụp húp những bát cháo thịt chim sâm cầm thuôn hàng răm ngon khó quên. Sau này không ở bộ đội nữa, tôi về quê ở ngoại thành, sắm khẩu súng bắn đạn ghém, chuyên đi săn (...) loại chim tôi hay bắn được nhất là sâm cầm (...) Cứ kể riêng những chỗ mà cánh săn bắn chúng tôi được biết thì cũng nhiều nơi có sâm cầm lắm. Ở Hưng Hóa có đầm Thượng Nung (gần Dị Nậu, một làng có tục bắt hổ bằng lưới, mãi đến gần khởi nghĩa tục mới mất) có rất nhiều sâm cầm. Vùng Quảng Cư thuộc Vĩnh Yên cũng có nhiều đàn sâm cầm về (...) Người quê xứ Đoài hay gọi nó là “con cốc vộc”, hỏi chim sâm cầm thì ít người biết (...)

Cụ Nghiêm giơ cao bình rượu (...)

- Ông trông đây! Ông có thấy mỗi ngón chân nó đều có màng bơi, nhưng lại ngắt ra thành từng đốt. Chim này chính thuộc họ gà nước, nhưng xếp vào bộ chim lặn. Nó nhờ có đôi chân cao và có màng bơi ở mỗi ngón – mỗi ngón có những ba màng tách như hình cái quạt nan nhỏ - nên nó chạy dưới đất cũng nhanh mà bơi lặn cũng rất tài (...) Tôi vẫn nhớ kỹ bộ lông của nó (...) sâm cầm đầu và cổ đen, chuyển thành xám chì thẫm ở mặt lưng và xám chì ở mặt bụng, ở ngực và giữa bụng màu nhạt và dưới đuôi thẫm hơn. Nó có đôi mắt nâu đỏ, mỏ trắng ngà và gốc mỏ phớt hồng. Chân nó bây giờ trông không biết vốn là màu gì, vì nó đã ngâm trong bình rượu này hơn một năm rồi, nhưng lúc mới bắn xong còn tươi nguyên, tôi nhớ rõ là màu lục nhạt, ống chân phớt vàng cam. Kể trông thì cũng đẹp đấy chứ (...) Chúng tôi muốn bắn sâm cầm thì đâu có khó khăn. Ở mấy cái đầm gần Quan Sơn mà người ta vẫn gọi là “Núi Các Quan” ở lối Cầu Rậm rẽ vào Chợ Bến, tôi đã có một chuyến săn được sáu bảy chục con sâm cầm. Ăn Tết năm ấy, toàn thịt chim! (...)

Ở nhà cụ Nghiêm về, tôi đi qua những vùng có vải chín, gặp những chùm quả đỏ rực và tiếng tu hú kêu. Mùa hè thực sự đã bắt đầu. Mà tôi vẫn chưa gặp được ngay cả con sâm cầm nhồi bông, con sâm cầm tiêu bản (...)

Một hôm tôi đi xã Quảng An về nhà một cụ lang đông y, vẫn là để tìm gặp chim (...) Cụ vui vẻ (...) mang ra một cái lồng, chỉ vào con chim to hơn con cuốc trong đó:

- Đây, hôm nay thì thật là gặp nhé! (...) May ông đấy, cánh thanh niên nó chịu khó xông xáo lắm. Biết ở góc hồ, trên mấy đám bèo lớn, vẫn còn một tổ sâm cầm sót lại, không nhập đàn bay về phương bắc, các cháu rình mò và đã bắt được hai con (...) mỗi con hơn một cân (...) Các cháu thịt một con sáng nay rồi, còn con này chiều nay ta “làm” nốt (...)

Một cháu thanh niên (kể) “Giống chim này đặc biệt là thịt chóng thối lắm, nên hễ bắn mà còn lâu mới đem về thì chúng cháu cũng vẫn làm theo cách nay của những tay bắn sâm cầm nhiều kinh nghiệm: rút một cái lông cánh dài nhất, thục sâu vào đít con chim đã dính đạn, vê vê mấy cái rồi rút ra, kéo tuột hết cả lòng ruột nó vất đi, thế là để đến mai mới ăn, thịt nó cũng không bị nát.

Chúng tôi được thưởng thức món sâm cầm quay. Đúng như những tay sành ăn nói: vị của nó mới nhấp một chút thì thấy như có mùi khoai ủng, thấy cái vị của thứ củ cải gác bếp ở đất quê Đường Lâm, nhưng quen quen thì thấy rõ vị sâm, nhất là ở hai cẳng.

(...) Tôi và cụ lang cùng nhau nhắm con chim sâm quay, và câu chuyện vẫn không rời xa cái chủ đề của tôi mấy tháng nay (...) Cụ kể một buổi đi bắt sâm cầm ở hồ Tây:

- Mỗi thuyền con là một người áo tơi nón lá. Họ ngang dọc đi dồn chim vào một góc họ đã định trước. Đấy toàn là người Xuân La. Người ở vùng ấy có nghề bẫy chim, đánh lưới sập và bắt mòng két, vịt giời. Họ biết nhiều thứ lưới. Nhưng con chim sâm cầm thì họ bắt cách riêng. Họ biết tính sâm cầm thích bốn thứ mồi: châu chấu, cào cào, chuồn chuồn và tôm. Họ mắc những con mồi ấy vào lưỡi câu, buộc vào sợi dây đàn (loại dây đàn nhỏ, dây kim) rồi buộc vào cái vè. Cái vè đó để dưới đám rong. Con chim nuốt mồi xong, muốn bay đi thì cái vè nặng rong rêu giữ lại, đành chỉ đập cánh và bay quanh quẩn chờ người ra bắt. Bắt chim xong, xem cái lưỡi câu nào chỉ ở mép chim thì họ gỡ ra, cái nào chim đã nuốt thì họ cắt sợi dây đi, chim vẫn sống mà mang lưỡi câu ở trong dạ.

*

(...) Chúng ta cần tạo môi trường thuận lợi cho chim sâm cầm hằng năm tấp nập bay về hồ Tây (...) (Tưởng tượng) lúc hàng vạn chim sâm cầm di cư bay đến trong cái cảnh như vẽ trong tranh:

“Tây hồ cảnh vắng teo
Một vùng nước trong veo
Thấp thoáng buồm ai đó
Xa xa một mái chèo”.



(Trích bài ký Như Thể Tìm Chim của Quang Dũng)




Chim cốc - ảnh khuyết danh



Chim cốc - ảnh khuyết danh