“Làm cách mạng thì chẳng những hy sinh thân mình mà còn hy sinh cả vợ con, có khi cả dòng dõi nữa cho nước”. Phải đền đáp cho người có công!



Nguyễn Hiến Lê, “Hy sinh vì nước”




Ông nội tôi có một bà chị và một bà em, cả hai lấy chung một chồng là cụ Đỗ Uẩn. Chú Ba Đỗ tôi là con bà thứ. Chú cưới vợ ở Hàng Bạc, nhà có của, làm nghề kim hoàn. Chú tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục (...) qua Trung Hoa, liên lạc với cụ Sào Nam, vào Việt Nam Quang Phục Hội, phụ trách cơ sở Vân Nam, chở tạc đạn về nước, tổ chức vụ liệng tạc đạn vào khách sạn Coq D’or ở Hà Nội ngày 26-4-1913, bị bắt và xử tử với một số đồng chí năm 1914.

Chú để lại vợ góa và bốn con (trong đó có) Đỗ Thị Tâm và Đỗ Bàng (trai út). Hai chị em đều mưu sinh bằng nghề kim hoàn, đều nối chí cha, làm cách mạng, gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đỗ Bàng (...) làm liên lạc viên cho đảng; nhiệm vụ chính (tôi đoán) là đưa các đồng chí qua Trung Hoa bằng con đường xe lửa Hà Nội – Vân Nam (...) Sau vụ Yên Bái (1930), Đỗ Thị Tâm bị bắt ở phố hàng Bột (Hà Nội), giam ở Hỏa Lò. Muốn khỏi bị tra khảo, chị lấy dải yếm thồn vô họng cho nghẹt thở mà chết (...) Hai năm sau, Bàng cũng bị bắt (...) rồi bị đánh chết trong sà-lim Hà Nội.

Một nhà mà ba cha con hy sinh cho cách mạng, thực không kém nhà họ Lương (Lương Văn Can, thục trưởng Đông Kinh Nghĩa Thục) ở phố Hàng Đào (...)

Hồi đầu thế kỷ, nhà nho nào làm cách mạng thì chẳng những hy sinh thân mình mà còn hy sinh cả vợ con, có khi cả dòng dõi nữa cho nước (...)

Hai trường hợp điển hình là trường hợp cụ bà Phan Sào Nam và cụ bà Nguyễn Quang Diêu.

Đây là lời cụ bà Sào Nam nói với chồng khi chồng bị Pháp bắt, giải về Nghệ An: “Vợ chồng ly biệt nhau hơn hai mươi năm, nay được một lần gặp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn túc lắm rồi. Từ đây trở về sau, chỉ trông mong cho thầy giữ được lòng xưa, thầy làm những việc gì mặc thầy, thầy chớ nghĩ tới vợ con.”

Còn cụ Nguyễn Quang Diêu, sau mười mấy năm xa quê, qua Hương Cảng, bị giam ở Hà Nội, bị đày qua Guyane (Nam Mỹ) rồi vượt ngục trốn qua đảo Trinidad, trở về Trung Hoa, lẻn về Sa Đéc nhắn vợ ở Cao Lãnh ra để gặp mặt ở nhà cụ Võ Hoành (trong Đông Kinh Nghĩa Thục) cũng chỉ bảo vợ: “Tôi tưởng bỏ thân nơi đất lạ, nay may mà được về đây, mừng rỡ gặp nhau như vầy cũng là quý lắm rồi. Thôi bà trở về lo nuôi con, còn phần tôi bao giờ việc nước chưa xong thì chắc tôi chưa sum vầy với gia đình được.”

Vợ bị hy sinh như vậy mà con cũng không được học hành: con cụ Phan cũng như con cụ Nguyễn (chỉ học qua loa) rồi làm ruộng giúp mẹ (...) Các gia đình cách mạng hầu hết mỗi ngày mỗi suy (...) thành bần dân vô học như gia đình nông dân. Thật chua xót.


(Trích
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992. Nhan đề phần trích tạm đặt.)