Ai cũng biết người Tàu thiên về lý trí, người Việt thiên về tình cảm. Thế mà sau hai mươi mấy thế kỷ, lúc thì bị Tàu chiếm hẳn, lúc thì độc lập nhưng bị Tàu ảnh hưởng nặng nề, xem lại, "bao nhiêu áng văn kiệt tác của nước ta đều" "theo tiếng gọi tha thiết của tình cảm"! Nhờ đâu được vậy?

Trước tiên là nhờ tình trạng "mất nước, còn làng" dưới thời Bắc thuộc. Người Tàu chiếm nước ta nhưng không đem được bao nhiêu dân qua ở nên trong làng xóm người Việt vẫn tiếp tục sinh hoạt như khi nước chưa bị chiếm. Cũng là nhờ tình trạng "phép vua thua lệ làng" sau thời Bắc thuộc. Vua Lê, vua Nguyễn tha hồ Hoa hóa triều đình, nhưng ngoài chốn triều đình dân ta vẫn tiếp tục giữ nguyên nền nếp cũ.

Trong làng xóm, nếp vẫn là nếp cũ, lấy tình cảm làm đầu, mà các nho sĩ thì điển hình lớn lên trong làng xóm, cho nên dù có học hết chữ thánh hiền thì cũng không sao khỏi thành "người tình cảm"!

(Thu Tứ)



Trương Tửu, “Văn ta tình cảm”




Xã hội Việt Nam (...) chứa (...) một mâu thuẫn tiềm tàng. Nó sống theo hai dòng tinh thần hoàn toàn trái nghịch nhau. Ở các từng lớp trên, nó bị chi phối bởi triết học duy lý (...) của Nho giáo. Ở các từng lớp dưới, nó ùa theo tiếng gọi tha thiết của tình cảm thiên nhiên (...)

Bao nhiêu áng văn kiệt tác của nước ta đều bắt nguồn trong đời tình cảm phong phú ấy (...) mỗi văn tài lỗi lạc là một đối lập của Nho giáo (...) (Họ viết nên) thứ văn chương lãng mạn của những tâm hồn nghệ sĩ


(Trương Tửu, "Văn chương Việt Nam hiện đại",
Luận về quốc học (nhiều tác giả), nxb. Ðà Nẵng, 1999, tr. 681-682. Nhan đề phần trích tạm đặt.)