Tháng ba năm 2007, tham quan chùa cổ ở Bắc Ninh, hỏi đến chùa Giạm thì dân địa phương bỡ ngỡ, đến lúc gợi là chùa có cột đá to thì dân mới nhớ và bảo đấy là chùa Tấm Cám (?).

Chùa xây trên núi Giạm. Trèo lên đến nơi thì hỡi ôi.

Trong khuôn viên qui mô của chùa xưa, kiến trúc có mái nay chỉ có một ngôi rất bé nhỏ rõ ràng mới xây. May quá, vẫn còn một chiếc Cột Ðá.

Cột to hơn hai người ôm, cao khoảng 5m. Quanh "cổ" cột có chạm nổi rồng Lý. Bệ cột có hoa văn mây cũng điển hình Lý. Tuy đã bị đốt (tại sao?), bị đục lỗ (để làm gì?), cột nom vẫn giống hệt Nó.

Ðại khái, đã được gần nghìn năm, sừng sững nơi đây một chiếc
linga Chàm quanh cổ có quấn rồng Việt!

Cách Cột không xa, có một bệ cột khác rất lớn, lớn hơn bệ của chiếc Cột duy nhất còn lại này nhiều. Giữa mặt bệ kia nay chỉ thấy một bia rùa đã mòn nhẵn. Bia kể chuyện gì? Bệ vốn để đặt một chiếc Cột khổng lồ, hay chính là bệ của cái tháp xây sáu năm mới xong mà Tạ Chí Ðại Trường nhắc đến dưới đây?

(Thu Tứ)



Tạ Chí Đại Trường, “Cột đá đời Lý”


(Trích Tạ Chí Đại Trường,
Thần, người và đất Việt, nxb. Văn Học, Mỹ, 2000, tr. 111. Nhan đề trích đoạn do người chọn tạm đặt.)


Sự hiện diện của linga trong buổi đầu độc lập thật là rõ rệt, tuy rằng người ta, cho mãi đến tận ngày nay, vẫn tránh né gọi chúng là những cột đá (...) Linga chạm nổi hình rồng - tượng trưng cho vua, như một thứ mukhalinga Việt hóa, ngày nay còn lại trong chùa Giạm (...) xây cất năm 1086, ngôi chùa được Lý Nhân Tông đến thăm, nghỉ đêm có dạ yến, làm thơ (1087), sai xây tháp đến 6 năm mới thành (1088 - 1094), tất cả chứng tỏ thêm về tầm quan trọng của cái linga kia.