Chiến tranh Việt – Chiêm trong khoảng năm thế kỷ từ Lê Hoàn đến Lê Thánh Tôn, nói chung thật ác liệt. Phía Chiêm mấy lần vua bị giết hay bắt sống. Phía ta vua thường ngự giá thân chinh, rút cuộc cũng có vua tử trận. Chế Bồng Nga như ngọn lửa Chiêm bùng lên đốt rửa hờn cho hàng bốn trăm năm thất bại. Lửa bùng thật to, để nhanh chóng tắt, và lần này sẽ là mãi mãi. Cái vận mệnh của cả một dân tộc, nó nhiều khi có tùy thuộc vào sự mất còn của chỉ đúng một người. (Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Chế Bồng Nga”




Sau khi đại thắng quân Nguyên, nhà Trần vẫn giữ được sự thịnh trị trong mấy chục năm ở các đời vua Trần Nhân Tông (Trần Khâm), Trần Anh Tông (Trần Thuyển) và Trần Minh Tông (Trần Minh) (...)

Đối ngoại thì cuộc đại thắng đã khiến nhà Nguyên phải nể. Đối với nước láng giềng phía nam là Chiêm Thành thì uy danh nước ta bấy giờ đã khiến Chế Mân phải cắt đất nhường hai châu Ô Rí để cầu hôn. Các đời Anh Tông và Minh Tông dụng binh thắng lợi, nhà Trần vẫn giữ được đất chiếm ở phía bắc núi Hải Vân (...)

Nhà Trần, đến đời Dụ Tông (Trần Cao) là triều chính suy đốn nhất. Trần Dụ Tông lên ngôi năm 1341, lúc mới 6 tuổi, chết năm 1369, không có con trai. Dương Nhật Lễ là con nuôi của Cung Túc vương (mẹ là một đào hát tuồng) được tôn làm vua. Nhật Lễ là con tư sinh, muốn lấy họ mẹ (Dương) để thay họ Trần. Các đại thần tôn thất nhà Trần mưu giết được Nhật Lễ, tôn anh ruột Dụ Tôn là Cung Định vương Trần Phủ lên ngôi, tức Trần Nghệ Tông. Trong đời Nghệ Tông, các tệ chính dần dần được canh cải. Nhưng cái manh mối tiêu vong của nhà Trần cũng xuất hiện chính lúc bấy giờ: Hồ Quý Ly bắt đầu tham chính (...)

Thấy người Chiêm hay sang phá, năm 1367 Trần Dụ Tông sai hai viên đại thần là Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đem đại binh đi đánh. Quân ta đến Chiêm Đổng (Quảng Nam) thì bị quân Chiêm đánh bại. Từ đó, quân Chiêm chuyển sang thế mạnh. Năm sau, vua Chiêm sai sứ sang đòi lại đất Ô Rí. Nước ta khi ấy thì nhà Trần đã cực kỳ suy đốn mà nước Chiêm thì lại có một vị vua anh hùng là Chế Bồng Nga hết sức chấn hưng thế nước để báo thù xưa. Sau loạn Dương Nhật Lễ, mẹ Nhật Lễ trốn sang nước Chiêm, bày tỏ tình hình suy yếu của nước ta và xui Chế Bồng Nga sang đánh. Tháng 4 năm 1371 (đời Trần Nghệ Tông), Chế Bồng Nga đem thủy quân vào cửa Đại An rồi tiến thẳng vào chiếm Thăng Long, dễ dàng như vào đất không người. Quân Chiêm đốt cung điện, cướp phá giết chóc rồi rút về. Từ đó quân Chiêm vào đánh phá miền Thuận Hóa và Lâm Bình (nay thuộc Quảng Bình luôn.

Sang đời Duệ Tông (Trần Cánh hay Trần Kính, lên ngôi năm 1372), Hồ Quý Ly hết sức chỉnh đốn quân đội và hạ lệnh sửa sang đường sá từ Nghệ An vào nam. Quân thế của ta hơi khá, cho nên người Chiêm có hơi kiêng nể. Chế Bồng Nga đem vàng nhờ Đỗ Tử Bình là trấn thủ Hóa Châu dâng cho nhà Trần để xin hoãn binh. Đỗ Tử Bình chiếm lấy vàng và báo về triều rằng Chế Bồng Nga vô lễ, vì thế Trần Duệ Tông quyết định cử đại binh đi đánh Chiêm Thành. Đầu năm 1377, vua đem quân tiến thẳng đến thành Chà Bàn. Chế Bồng Nga trá hàng, cho phục binh đánh úp, giết được Trần Duệ Tông và phá tan quân ta. Đến tháng 7, Chế Bồng Nga thừa thắng lại tiến binh đánh phá Thăng Long lần nữa. Sau đó quân Chiêm lại nhiều lần sang đánh phá miền Nghệ An và Thanh Hóa. Quý Ly phải tự cầm quân cự chiến nhiều lần.

Tháng 6 năm 1382, Chế Bồng Nga thấy các cửa biển của ta ở Bắc đều có bố phòng cẩn thận, bèn đem quân đổ bộ ở Thanh Hóa rồi theo đường núi tiến ra, định do đường Quảng Oai vào Thăng Long. Nhưng lần này Bồng Nga thất bại, phải rút quân về.

Cuối năm 1389, Chế Bồng Nga lại do cửa Đại An tiến quân vào đến Hoàng Giang. Đô tướng Trần Khát Chân được cử đem binh cự chiến, khi ra đi rất lấy làm lo sợ. Khát Chân đóng binh ở khúc sông Hải Triều (giáp với hai huyện Tiên Lũ và Hưng Nhân tỉnh Hưng Yên) để cầm cự với Bồng Nga. Bồng Nga không tiến quân được. Đến đầu năm sau, Bồng Nga đem hơn trăm chiến thuyền đến thăm trận thế quân ta, bị quân ta bắn chết. Thế là quân Chiêm tan vỡ. Tướng Chiêm là La Khải thu thập tàn quân theo đường núi chạy về nước. La Khải cướp ngôi vua của con Chế Bồng Nga. Nước Chiêm chấn khởi được nhất thời nhờ tài thao lược của Chế Bồng Nga, lại suy đốn như trước. Mối ngoại hoạn ở phía nam từ đấy mất.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin. 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)