Một người làm thơ vẽ một người tắm, rồi đòi người kia “họa vần”. Nhưng mặc ai trầm trồ, ai chẳng những không có hứng, lại còn “nghĩ mà buồn tênh”, mà rằng “(duyên bèo nước) ngắn ngày thôi (chàng) chớ (bắt thiếp) dài lời làm chi”. Thế là bắt đầu một cuộc “lời (ngại tủi) qua tiếng (dỗ dành) lại” thật tha thiết... Kiều ngỏ cũng muốn lên “thềm quế cung trăng” nhưng sợ chị Hằng có “hàm sư tử”, lên liều không khéo bị “lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh” thì “càng dơ dáng dại hình” (nỗi lo sợ này có giá trị tiên tri!)! Chàng ơi, “thương sao cho vẹn thì thương / tính sao cho trọn mọi đường thì vâng”. Thúc Sinh chắc chắn biết nguy hiểm khôn lường chờ đợi “bên tòng”, nhưng cứ nói cứng: “Đường xa chớ ngại Ngô Lào / Trăm điều cứ hãy trông vào một ta”. Đôi bên “cùng nhau căn vặn đến điều”, “gieo” những lời nặng nhất xong, Thúc Sinh lấy cớ đưa Kiều đi chơi mát, “rước về (…) tạm giấu (…) một nơi”, rồi ép Tú bà phải chịu cho chuộc nàng ra khỏi động. Thúc Kỳ Tâm không bì được với Kim Trọng nhưng cũng “nòi thư hương” và cũng đặc biệt quý mình, Kiều lúc ấy hẳn thấy mệnh không đến nỗi quá ghen ghét sắc tài. “Hương càng đượm lửa càng nồng / Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen”... Trong nắng tưng bừng, có ai ngờ mây đen sắp kéo đến!

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 1315-1384)



Nàng rằng: “Vâng biết lòng chàng, (1315)
Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.
Hay hèn lẽ cũng nối điêu,
Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.
Lòng còn gởi áng mây Hàng,
Họa vần, xin hãy chịu chàng hôm nay.” (1320)
Rằng: “Sao nói lạ lùng thay!
Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra?”
Nàng càng ủ dột thu ba,
Ðoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh:
“Thiếp như hoa đã lìa cành, (1325)
Chàng như con bướm lượn vành mà chơi.
Chúa xuân đành đã có nơi,
Ngắn ngày thôi chớ dài lời làm chi!”
Sinh rằng: “Từ thuở tương tri,
Tấm riêng, riêng những nặng vì nước non. (1330)
Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.”
Nàng rằng: “Muôn đội ơn lòng,
Chút e bên thú bên tòng dễ đâu.
Bình Khang nấn ná bấy lâu, (1335)
Yêu hoa yêu được một màu điểm trang.
Rồi ra nhạt phấn phai hương,
Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?
Vả trong thềm quế cung trăng,
Chủ trương đành đã chị Hằng ở trong. (1340)
Bấy lâu khăng khít dải đồng,
Thêm người, người cũng chia lòng riêng tây.
Vẻ chi chút phận bèo mây,
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.
Trăm điều ngang ngửa vì tôi, (1345)
Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?
Như chàng có vững tay co,
Mười phần cũng đắp điếm cho một vài.
Thế trong dù lớn hơn ngoài,
Trước hàm sư tử gởi người đằng la. (1350)
Cúi đầu luồn xuống mái nhà,
Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng.
Ở trên còn có nhà thông,
Lượng trên trông xuống biết lòng có thương?
Sá chi liễu ngõ hoa tường, (1355)
Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh!
Lại càng dơ dáng dại hình,
Ðành thân phận thiếp ngại danh giá chàng.
Thương sao cho vẹn thì thương,
Tính sao cho trọn mọi đường thì vâng.” (1360)
Sinh rằng: “Hay nói đè chừng,
Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao?
Ðường xa chớ ngại Ngô Lào,
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
Ðã gần chi có điều xa, (1365)
Ðá vàng đã quyết phong ba cũng liều!”
Cùng nhau căn vặn đến điều,
Chỉ non thề bể nặng gieo đến lời.
Nỉ non đêm ngắn tình dài,
Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương. (1370)
Mượn điều trúc viện thừa lương,
Rước về hãy tạm dấu nàng một nơi.
Chiến hòa, sắp sẵn hai bài,
Cậy tay thầy thợ mượn người dò la.
Bắn tin đến mặt Tú bà, (1375)
Thua cơ, mụ cũng cầu hòa dám sao!
Rõ ràng của dẫn tay trao,
Hoàn lương một thiếp thân vào cửa công.
Công tư hai lẽ đều xong,
Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai. (1380)
Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.
Hương càng đượm lửa càng nồng,
Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)