Không phải chỉ chiến sĩ ra trận mới gặp nguy hiểm. Cuộc kháng chiến có những mặt trận âm thầm nơi đó người vì nước có thể gặp số phận tệ hơn cái chết... Thế mà vẫn có những người trải qua mà không chết, mà rồi vẫn tiếp tục hết mình vì nước...

Chiến sĩ lên đường để lại người thân. Giặc có kiêng giết ông già bà lão phụ nữ trẻ con đâu, nên có khi chiến sĩ chưa sao cả, người thân ở nhà đã “đi” trước rồi. Thù nước thêm thù nhà, nợ này càng phải quyết đòi cho được...

À, ra bò dắt theo không phải để khao quân...

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Xung kích (3)



Năm sáu anh cán bộ đại đội đứng hút thuốc lá ở cổng xóm, trên con đường đất đỏ. Đại đội trưởng Ngọc cao lênh khênh nhìn bóng một người con gái ở xa:

- Cô nào trông quen quen chúng mày ạ.

Kha nhìn thoáng cái bóng áo cánh bông xanh của cô cán bộ đằng xa, hai vai tròn tròn dưới vành nón. Anh hơi ngợ, nhưng lại quay đi nói chuyện tiếp với Hiền.

- Phải rồi, hôm nay anh Độ chỉ huy đại đội đi sau. Chúng mình cứ vượt đi trước, còn được ngủ một tí.

Kha bỗng sực nhớ, quay lại nhìn lần nữa cô cán bộ đang đi tới... Cái dáng đi cắm cúi ấy. Thôi đúng rồi. Ô lạ thật!

Người con gái đã tới nơi, cô ngẩng đầu, nhìn mấy anh bộ đội, hai mắt vui vui. Kha bước đến:

- Chị Lý có nhớ tôi không?

- Anh Kha!

Lý kêu khẽ...

- Chết thật, tôi không nhận ra.

Lý lau mồ hôi lấm tấm trên mặt, vui vẻ:

- Mấy năm rồi mới gặp lại anh đấy nhỉ. Từ ngày Hải Phòng anh đi những đâu?

Kha hơi bực. Cô này hỏi bộ đội mà như là hỏi: “Anh đi chơi mát ở đâu về”.

Kha trả lời:

- Lung tung cả. Đánh Tây liên miên. Chị bây giờ công tác gì? Tôi chẳng được tin tức gì của chị cả.

- Nhiều chuyện dài lắm anh ạ.

Lý ngừng lại, mắt bỗng thoáng một ánh lửa, như muốn nén lại những ý nghĩ xôn xao bên trong. Chị nói tiếp:

- Tôi rời Hải Phòng thì ra Quảng Yên, ở mãi năm ngoái mới về đây. Gặp anh vội quá, nói hết thì dài lắm.

Kha không để ý đến câu nói của Lý, mỉm cười:

- Trông thấy chị hôm nay tôi lại nhớ lần chị đến thăm chiến lũy tụi tôi ở đường ga, tôi đứng đằng sau, ngoáy cái mũ sắt, tụi Pháp quạt cho một băng, chị chạy tí chết. Chắc bây giờ chị vẫn chưa biết đấy nhỉ.

Lý cũng mỉm cười.

Mấy anh cán bộ đi đã xa. Kha lại nhìn người bạn gái cũ. Lý trông khác đi nhiều. Có một nét nhíu giữa hai lông mày làm cho vầng trán Lý bướng bỉnh hơn trước. Và rõ ràng trông Lý không có cái hớn hở của một người ra đời gặp may mắn.

- Chóng quá. Gặp chị tôi tưởng những ngày Hải Phòng như vừa mới ngay đây thôi. Chị có nhớ hôm rút lui, bỏ Hải Phòng ra cầu Niệm không?

Lý nghĩ: anh Kha vẫn còn bồng bột, nhiều tình cảm, tính nết vẫn trẻ thế. Lý gật đầu:

- Vâng chóng quá.

Những kỷ niệm càng hiện đến dồn dập, Kha nói:

- Nhanh ghê thật. À thằng Bắc bây giờ cán bộ công đoàn ở Khu Tư, chị có biết không? Bình chết ở Bắc Cạn rồi. Cô Toản tôi gặp một lần ở Yên Bái, lấy chồng được hai con.

Kha thấy như vừa gấp lại một quyển sách cũ.

- Còn chị, chị công tác ở đây đấy à?

- Không, tôi đi qua thôi.

Giọng Lý dịu lại.

- Anh Kha bây giờ trông khỏe mà to lớn, lạ hẳn đi.

Kha nhìn lên con đường đang tối nhanh.

- Tôi vội quá, chị Lý ạ. Phải đuổi đám bạn tôi cho kịp. Chúng nó chắc ra đến đường cái rồi. Chị vào trong này bây giờ?

- Vâng, vào đến nơi thì tối mịt mất. Giá anh có thì giờ thì tôi còn phải hỏi anh thêm nhiều chuyện nữa. Thôi chắc rồi lại gặp anh ở mặt trận.

Lý chìa tay:

- Anh đi nhé.

Kha bắt tay chị cán bộ:

- Bàn tay chị bây giờ đầy chai sẹo rồi nhỉ. Trước chúng tôi trong lớp cứ hay gọi đùa là tay bột mãi. Chị cho tôi xin cái huy hiệu thanh niên kia nhé.

Lý tháo cái huy hiệu cài trên áo, đưa cho Kha, nghĩ thầm: anh Kha sắp ra trận đây. Chị hơi cảm động.

- Chúc anh nhiều may mắn.

Hai người cùng đi vội. Trời đã tối hẳn.

*

Kha trông thấy bóng Sản giữa lúc anh chính trị viên đang giơ cái ống tay áo cụt, chỉ những đồi cỏ lau rậm rạp dưới ánh trăng, nói với mấy anh cán bộ trung đội: “Vùng này là chỗ căng ngày xưa Pháp đem đày những người cách mạng đây”.

Tới chân dốc Sỏi. Trông từ xa, con đường trắng leo lên ngoằn ngoèo. Ánh trăng động đậy trên dốc. Tiếng rào rào như tằm ăn lá, trong đêm yên lặng. Đúng họ vệ (bộ đội?) hành quân. Một tiếng ngựa hí vẳng đến.

Kha đi nhanh lên. Sản nhận ra bạn, hỏi:

- Nói chuyện lâu thế. Chị Lý quen mày thân không?

- À, cô ấy trước học cùng lớp với tao ở Hải Phòng.

Kha mỉm cười một mình nghĩ lại những ngày cũ. Hồi ấy Kha cũng hơi yêu Lý đấy. Hay nói cho đúng hơn là thích gần cô bạn nghịch ngợm và bướng bỉnh ấy. Nhưng sao bây giờ Lý có vẻ lo nghĩ nhiều. Không ngờ Lý thay đổi đi nhiều quá.

Sản bảo:

- Chị ấy mới ở Quảng Yên về đấy. Tây bắt ném xuống sông một lần. Một lần tù gần hai tháng. Chị ấy bị nó tra tấn dã man lắm. Thằng Ngọc vừa kể chuyện tao nghe. Vợ nó cùng công tác với chị ấy ở Thủy Nguyên. Hồi đi vũ trang năm ngoái ở ngoài mỏ, tao cũng được nghe nói đến chị ấy một lần, hôm nay mới biết mặt.

Kha kêu thầm: Thảo nào. Thảo nào. Anh nhớ lại cái tia lửa trong mắt Lý, khi Lý nói: “Kể hết thì dài lắm”.

Kha hỏi:

- Thế sao lại về đây?

- Về lâu rồi. Ở ngoài ấy lộ không hoạt động được nữa. À Kha này, thằng Độ vừa có cái tin choáng người.

- Sao?

- Lúc chiều nó láng cháng ra phố Vân gặp người làng ở Quảng Yên lên. Vợ con nó vừa bị mất tích cả trong một trận càn quét.

Kha giật mình:

- Thế nào?

Sản nhìn lên đoàn người trước mặt.

- Nó cũng mấy năm chưa về nhà. Mai chúng mình phải nói chuyện với nó về việc ấy. Tao thương nó quá, Kha ạ.

*

Gà gáy, trung đoàn tới vị trí trú quân. Khu rừng phút chốc náo động lên. Ánh đèn bấm loang loáng dưới các vòm lá. Ba-lô bỏ xuống, những tiếng thở phào.

- Tưởng còn đi mãi!

- Dậy, dậy, sao lại ngồi ngay đấy mà ngủ.

- Các ông ơi, xếp súng và đồ đạc gọn vào gốc cây rồi đào hố cá nhân ngay.

- Bỏ mẹ, sức đâu mà đào nữa!

Tiếng cuốc đất thình thịch. Một tiếng kêu:

- Mở mắt ra, tí nữa thì bổ vào đầu người ta!

Mẫn buồn ngủ quá, không thể chịu nổi.

- Anh Thông cho tôi ngủ năm phút thôi, rồi lại dậy ngay.

- Có mà năm phút. Ngả lưng xuống thì trời lay được anh. Thôi cố đi. Sáng ra tàu bay như rươi không phải bỡn đâu. Có muốn ăn đạn của nó thì cứ việc ngủ.

Cốc dừng tay cuốc, gọi:

- Cậu Mẫn đem xẻng lại đây. Tớ với cậu thằng cuốc thằng xúc cho chóng. Này cho cậu mẩu thuốc lá, hút cho tỉnh ngủ rồi quáng quàng lên.

Tiểu đội trưởng Thiềng chống cán xẻng lau mồ hôi:

- Tôi báo tin cho anh em biết sáng nay có thịt bò.

- Hoan hô thịt bò.

- Gớm tỉnh cả người.

Thiềng tiếp:

- ... Mà bắt đầu từ hôm nay chúng mình được ăn thêm gấp rưỡi.

- Ối trời, thế thì hoan hô quá còn gì. Đào đến bốn cái lỗ như thế này cũng được.

- Xin anh.

- Thôi cuốc khỏe lên. Hết giờ đến nơi rồi.

Tiếng cuốc đất dồn dập khắp mọi phía. Thông hai mắt đen tròn bảo khẽ Cốc và Mẫn.

- Điệu này là choảng đến nơi.

Cốc gật:

- Đúng đấy. Tổ mình hôm nay làm thang cho mà xem.

Mẫn vừa hí hửng, vừa lo lắng:

- Độ bao giờ hả các anh?

- Biết thế nào được... Nhưng mà nhất định là sắp sửa.

Cốc vừa cuốc vừa giảng cho Mẫn:

- Khó gì mà chẳng đoán ra. Đi hỏa tốc như thế, chả nhẽ đến đây nằm ăn hai bữa thịt bò.

Cốc ngoái cổ nhìn lên dãy Tam Đảo:

- Còn xa gì, nó ở bên kia rồi kia.

Mẫn quay lại nhìn lên dãy núi đứng chằn chặn, hình như đã nghe thấy tiếng súng.

*

Buổi sáng nhiều sương. Các cán bộ từng đại đội bắt đầu đến. Khu sa bàn thiết lập trên một đỉnh đồi bằng phẳng. Nó là ba cái sa bàn thì đúng hơn. Ba cái đồn thu nhỏ đã được đắp ở ba phía.

Mấy anh cán bộ của đại đội Trần Phú bước lên đỉnh đồi, đứng lại nhìn quanh những nấm đất, những đường vôi ngoằn ngoèo.

- Đánh đồn các cậu ạ.

Trong đầu mỗi người hiện lên những trận đánh đồn năm ngoái, năm trước, những cái đồn Tây tua tủa hàng rào lông dím như những con vật sống biết lồng lộn khi bị vây, và biết cào xé chống chọi dữ dội.

Ngọc gọi Sản lại, bảo:

- Phần chúng mình cái này.

Sản ngồi xổm xuống, bàn tay trái nắm lấy ống tay áo cụt bên kia. Kha hất vành mũ sắt ra sau gáy, nhăn mặt gãi gãi trên trán. Ngọc nói khẽ:

- Chúng mình sẽ mở đầu “xê dét”.(1) Hôm sau tụi hai mươi hai đánh tiếp luôn.

Họ nhìn sang mấy anh cán bộ của tiểu đoàn hai mươi hai đang đứng ngồi bàn tán chung quanh cái đồn bên cạnh. Ngọc lại ghé lên trên cái đồn nhỏ vuông vuông.

- Cái này là gò Bảng mày có nhận ra không?

Kha lẩm bẩm:

- Đúng rồi, đúng rồi.

Mấy anh cán bộ tiếp tục lào xào.

- Quái, nó làm kiểu lạ nhỉ. Sao lại như cái giếng thế này.

- Không biết tường đất hay tường đá.

- Chung quanh đồi trọc thấp thế này, đại bác đặt đâu?

Sản đếm thầm “... hai, ba, bốn lần hàng rào, ba lần dây thép gai, một hào sâu cắm chông”. Cái đồn này ác đây. Chưa kể hầm ngầm chắc thế nào cũng có. Không biết còn được bao nhiêu thời giờ để chuẩn bị. Làm vội thì có thể “đổ” nhiều. Lòng Sản hơi se lại. Phải đề nghị trên cho chính bọn mình cấp tốc xuống tận nơi nghiên cứu xem thế nào.

Tiểu đoàn trưởng Cường từ đằng sau cười cười đi tới, cái sẹo dài rúm lại bên má. Tới giữa đám cán bộ, anh nhìn quanh hỏi:

- Đông đủ chưa? Thế nào, các anh thấy nó ra làm sao?

Quay về mé Kha, Cường vẫn cười nhoẻn.

- Các cậu làm được không?

Mọi người đều biết: thế là đại đội Kha chủ công.

Kha không trả lời, gãi trán hỏi:

- Tối mai hả anh?

Cường gật. Sản đứng dậy:

- Đề nghị anh cho chúng tôi tối hôm nay xuống đấy sờ hàng rào trước xem sao. Nhìn đây lơ mơ quá.

Anh tiểu đoàn trưởng cười.

- Được. Xong buổi sáng nay, các cán bộ đại đội đi ngay với tôi. Riêng Trần Phú, cho cả các cán bộ trung đội đi. Thôi đứng vào hàng.

Khi ban chỉ huy trung đoàn vừa bước lên đỉnh đồi, thì có những tiếng đại bác nổ. Sau tiếng thét nghiêm, khu sa bàn im phăng phắc. Những tiếng đại bác ù ù như sấm chuyển bên kia Tam Đảo. Ánh nắng bắt đầu le lói qua sương mù. Trung đoàn trưởng Huy, hai mắt hõm sâu, chào mọi người và bắt đầu nói.

- Thưa các đồng chí, tôi thay mặt Đảng ủy trung đoàn trình bày kế hoạch chung của đợt một.

Đại bác lại nổ bên kia núi. Tiếng nổ kéo dài mãi, từng lúc bật lên to hơn. Giọng khàn khàn của đồng chí trung đoàn trưởng không lúc nào to lên hay bé đi. Mũ sắt cúi xuống sổ tay, các cán bộ hí hoáy ghi chép.

- Chúng ta sẽ vào sâu vùng địch, đánh đêm, tiến nhanh, giải quyết nhanh, rút nhanh. Bí mật, đánh vũ bão. Chạy mà tới. Mệt thế nào cũng cứ chạy.

Những tiếng nói đều đều hiện lên dần trong đầu óc mỗi anh cán bộ thành những hình ảnh loang loáng, đường đi, bóng tối, hàng rào, lô-cốt, khói đạn, tất cả nặng trĩu suy nghĩ, lo lắng. Họ vừa ghi chép vừa luôn luôn nhìn xuống những cái đồn bé tí trước mặt, những núi đồi sông thu nhỏ trên sa bàn. Bên kia núi, tiếng đại bác thưa dần, im đi, lại bật lên. Có những tiếng rung nặng nề, ình ình thong thả. Máy bay giặc ném bom. Kha ghé vào tai Sản thì thầm: “Bên kia đang đánh to rồi”. Ánh nắng đã soi nóng đằng sau gáy những anh cán bộ im lặng ghi chép.


(còn tiếp)





____________
(1) Chiến dịch.