Giai cấp thì từ lâu lắm rồi xã hội loài người nơi nơi đều có giai cấp.

Xảy ra đấu tranh hay không là do cái kiến trúc phân chia giai cấp nó ra thế nào. Nếu như rào thưa, dưới lên trên xuống dễ dàng, thì ai dại gì đấu tranh cho vất vả (có khi phải hy sinh đến... tính mạng!). Nếu như tường kín bưng khiến sướng sướng mãi khổ khổ mãi, ấy mới đáng giai cấp thua thiệt vùng lên cố đập cho tan.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”. Đủ biết ở ta xưa kia giữa giàu và nghèo chỉ có rào thưa. Thỉnh thoảng nông dân Việt Nam nổi dậy, là để chống những người cai trị không ra gì khiến họ phải khổ nhiều khổ lâu, thay bằng những người cai trị khác hy vọng khá hơn, chứ không phải để thay đổi tổ chức chính trị của nước.

Nhưng xã hội không có giai cấp đấu tranh không có nghĩa là nhất thiết không nên cải tổ chính trị. Vì độc lập cần được bảo vệ hay giành lại, vì đất nước cần được phát triển, nếu cách tổ chức này bất lực thì nên đổi qua cách khác. Cách mới chắc chắn chưa hoàn hảo ngay được đâu, phải tích cực kịp thời sửa và sửa cho đến khi hết sai. Trên hết, đừng quên bất cứ thể chế nào cũng chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích!

(Thu Tứ)



Nguyễn Hiến Lê, “Ta không có giai cấp đấu tranh”




Theo Raymond Aron trong La lutte de classes (Gallimard 1964) thì Marx đưa ra ba định nghĩa về giai cấp, mà định nghĩa dưới đây (...) rõ ràng, đầy đủ nhất:

“Khi nào có nhiều triệu gia đình sống trong những điều kiện khiến cho từ lối sống đến quyền lợi, văn hóa của họ đều cách biệt với lối sống, quyền lợi, văn hóa của các giai cấp khác, và họ sinh ra tương phản, thù nghịch với những giai cấp khác đó, khi nào như vậy thì những gia đình đó họp thành một giai cấp (...)”.

Vậy muốn cho có một giai cấp thì một số đông người phải sống gần giống nhau, làm một công việc đại khái như nhau (và) phải có ý thức về sự đoàn kết, thống nhất của mình mà chống đối với các nhóm khác.

Theo định nghĩa đó thì nông dân Việt Nam từ xưa tới năm 1945 chưa bao giờ thành một giai cấp cả.

Có thời họ vì đời sống lầm than mà nổi dậy, như vào hậu bán thế kỷ 18 dân miền Bình Định, Phú Yên oán chúa Nguyễn mà theo Tây Sơn, nhưng họ không thành một tổ chức chính trị, mà khi anh em Tây Sơn lên ngôi thì họ theo chế độ quân chủ của triều đình mới, rồi đến khi chúa Nguyễn làm chủ sơn hà, họ cũng theo chế độ quân chủ nữa. Ở Nam, trước 1945, thỉnh thoảng có những cuộc nổi loạn lẻ tẻ nhỏ của nông dân, như vụ đồng Nọc Nạn ở Bạc Liêu, nhưng chỉ là để chống đối bọn điền chủ chiếm công lao khai phá đất hoang của họ, không phải là chống cả “giai cấp” điền chủ, không có tính cách chính trị.

Công nhân cũng vậy, từ 1930 đã có những cuộc biểu tình của thợ thuyền, họ đoàn kết, có người lãnh đạo, có ý thức chính trị, nhưng toàn là để chống đối bọn tư bản Pháp, vì lúc đó chỉ thực dân Pháp mới có những xưởng, mỏ, nhà máy, đồn điền lớn; chưa bao giờ thợ thuyền Việt chống tư bản Việt; các nhà tư bản Việt như Bạch Thái Bưởi ở Bắc, Trương Văn Bền ở Nam, nhỏ quá, đâu đã làm mưa làm gió gì được?

Ở làng tôi, như trên đã nói, ngoài nhà bác tôi ra, toàn là nông dân, mà nông dân giàu hay nghèo thì lối sống cũng như nhau, trình độ văn hóa cũng như nhau. Có xảy ra bóc lột lẫn nhau, nhưng giàu nghèo cứ thay đổi nhau lên xuống, không thành được những giai cấp phú nông hay bần nông có ý thức đoàn kết, chính trị được.


(
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992. Nhan đề phần trích tạm đặt.)