Ngày ngày bướm, ong bay đến hút nhụy rồi bay đi. Bỗng một hôm có con “giáp mặt hoa đào” xong, “mặn vẻ ưa nét” quá, thấy “cành tơ mơn mởn” thấm mưa xuân “nồng” quá, không “cầm lòng” được bèn coi như ở lại động Tú bà luôn, không “ai giằng cho ra” nổi! Con ong này thuộc loại đại gia, túi rất sâu, mà nết lại “bốc rời”, “trăm nghìn đổ một trận cười như không”. “Mụ” dĩ nhiên ra công “tô lục chuốt hồng” hàng độc cho khách tha hồ “đổ”. Một “buổi thong dong”, “hoa” đang tự “tẩm” trong “thang lan”, khoe trọn “tòa thiên nhiên dày dày sẵn đúc”, thì “ong” vén trướng vào. Có còn lạ lùng gì nữa đâu, nhưng mà cũng chưa lần nào thấy được “tỏ nét” như lần này! Ong mới khen nức nở và vung bút đề luôn bảy chữ tám câu. “Thiên luật Đường” vẽ... thiên nhiên không biết thế nào, chỉ biết hẳn “ngụ tình” khá sâu sắc. Bởi tuy lúc đầu đối với Kiều, Thúc Sinh cũng chỉ quan hệ cho vui như bao nhiêu khách làng chơi khác, nhưng “càng quen thuộc nết càng dan díu tình”, cái “trăng gió” lăng nhăng nó đã đổi thành cái “đá vàng” tri kỷ tri âm lâu rồi. Con ong nay bị “thanh khí lẽ hằng” cột chặt vào hoa. Thế mới rắc rối to! Vì ong này có chủ dữ hơn cả sư tử Hà Đông!

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 1275-1314)



Khách du bỗng có một người, (1275)
Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương.
Vốn người huyện Tích châu Thường,
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Truy.
Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi,
Thiếp hồng tìm đến hương khuê gởi vào. (1280)
Trướng tô giáp mặt hoa đào,
Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa?
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng!
Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng, (1285)
Ðêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng!
Lạ gì thanh khí lẽ hằng,
Một dây một buộc ai giằng cho ra?
Sớm đào tối mận lân la,
Trước còn trăng gió sau ra đá vàng. (1290)
Dịp đâu may mắn lạ dường,
Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê.
Sinh càng một tỉnh mười mê,
Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân.
Khi gió gác khi trăng sân, (1295)
Bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ.
Khi hương sớm khi trà trưa,
Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn.
Miệt mài trong cuộc truy hoan,
Càng quen thuộc nết càng dan díu tình. (1300)
Lạ cho cái sóng khuynh thành,
Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi.
Thúc sinh quen nết bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không!
Mụ càng tô lục chuốt hồng, (1305)
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê.
Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Ðầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.
Buồng the phải buổi thong dong,
Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa. (1310)
Rõ màu trong ngọc trắng ngà,
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Sinh càng tỏ nét càng khen,
Ngụ tình tay thảo một thiên luật Ðường.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)