Cảnh đẹp mà lại đầy dấu xưa ý nghĩa, làm sao “lòng tôi (khỏi) rung động nhè nhẹ một cách tuyệt thú”! Năm 2019, cảnh hoặc đã mất hẳn hoặc bớt đẹp đi nhiều, còn dấu thì tuy còn đó nhưng trên nền cảnh mới trông lạc lõng đến ngậm ngùi… “Tiếc trong thơ văn của người mình chưa có bài nào tả”. Thực ra cũng có, nhưng tổng số hoàn toàn bất xứng với cảnh cùng dấu. Ai tìm đọc số thơ văn hiếm hoi đó, đừng quên những đoạn ký của “tôi”. (Thu Tứ)



Nguyễn Hiến Lê, “Ngoại ô Hà Nội”




Nhắc tới Thăng Long thì ai cũng nghĩ ngay tới núi Nùng, sông Nhị. Gọi là núi chứ sự thực chỉ là một cái gò cao bốn năm thước có thể là nhân tạo (...)

Sau vườn Bách Thảo là làng Ngọc Hà, chuyên cung cấp hoa cho thành phố: đào, mai, cúc, thược dược, lan, hồng, huệ, sói, nhài... Thiếu nữ làng này nửa quê nửa tỉnh, tình tứ, thùy mị mà lanh lợi (...)

Tiến vô chút nữa tới chùa Một Cột, một kiến trúc nhỏ nhưng độc đáo, như một bông sen nổi giữa hồ (...)

Hồ Tây, từ đền Quan Thánh tới chùa Trấn Quốc xưa trồng sen, mùa hè hương thơm ngào ngạt; còn hồ Trúc Bạch thì nước trong, cạn, tắm rất mát (...) Tôi nhớ những buổi chiều hè cùng với bạn ngồi trên đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên) nhìn mặt hồ nhấp nhô, loang loáng ánh nắng, có đàn chim bay về phía núi Tản xanh thẳm ở chân trời (...)

Cuối đường là làng Yên Phụ ở chân đê sông Nhị. Chỗ này cũng trồng nhiều hoa như Ngọc Hà, nhưng có phần thú hơn vì nằm ngay trên bờ hồ (...) Chung quanh hồ, phía bên Nghi Tàm cũng như phía bên Thụy Khê, có biết bao miếu cổ, chùa cổ, nhiều ngôi xây cất từ đời Lý, cách nay tám chín thế kỷ, hễ bước vào là lòng tôi rung động nhè nhẹ một cách tuyệt thú (...)

Tôi nhớ những ngày đi tảo mộ cùng với họ hàng phố hàng Đường. Tiết Thanh Minh ngoài Bắc đã hết lạnh nhưng cũng chưa nóng. Bảy giờ sáng chúng tôi lên xe điện ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Xe đông người đi tảo mộ, gia đình nào cũng có một bà già và vài thiếu nữ mang những cái quả sơn son đựng nhang, rượu, hoa quả, xôi, thịt (...)

Chúng tôi vào làng Hạ Đình, đi thăm năm sáu ngôi mộ trên một cánh đồng trồng hoa màu ở đầu làng (...) Đầu tháng ba, không khí trong sáng, hoa ít hơn nhưng lá xanh hơn, chim ríu rít trên những cành gạo đỏ rực. Lác đác trên cánh đồng có những đám năm ba người, tà áo đủ màu phất phơ trên đám cà hay cải xanh; khói hương tỏa nhẹ trong làn gió. Gặp nhau người ta nhìn nhau mỉm cười hoặc hỏi nhau vài câu lịch sự. Thăm xong các ngôi mộ rồi, chúng tôi tìm một gốc gạo, gốc đa ở giữa đồng hoặc trong một sân đình, ngả đồ cúng ra ăn rồi mới vào nhà bà con nghỉ (...)

Vì hai cảnh đó (chùa Láng và đền Voi Phục) ở gần nhau, nên lần nào tôi cũng bỏ trọn một buổi, từ hai giờ chiều đến tối, để thăm cả hai nơi một lượt. Tôi thường đi một mình để hưởng cái thú cô liêu, hoài cổ (...)

Thường tôi đi xe điện lên đền Voi Phục trước, ngồi dưới gốc chòi mòi nghe chim ríu rít trên cành, rồi vào sân đền, ngồi trên một bệ cao nhìn hồ nước, hưởng hương sói, hương lan, hương hồng, sau cùng ra vườn nhãn ở sau đền, mua một bó, ăn ngay dưới gốc cây.

Từ vườn tôi (ra một con đê) để lại chùa Láng. Đê này cao hơn mặt ruộng khoảng hai thước, trải nhựa, rợp bóng cây, ít xe, vừa tản bộ vừa nhìn phong cảnh rất thú. Lâu lâu lại gặp một quán bên đường, bán trà tươi và chuối, bánh gai, bánh nhợm. Đến chùa Láng thì ánh tà dương đã xiên qua những cụm lá thông, chiếu xuống con đường lát gạch, bóng lá chỗ thưa chỗ đậm. Cảnh chùa Láng u nhã mà cổ kính. Thơ thẩn ở đây một lát, tôi trở ra đê đi ngang qua làng Hạ Yên Quyết (tục gọi là Cót) (...) để tới làng Bưởi.

Mùa thu, chiều thường có một làn sương nhẹ như tấm màn lụa phơn phớt xanh lam phủ lên đồng ruộng, lũy tre, cổng xóm ở hai bên đê, cảnh vật mờ mờ, buồn dìu dịu, thật nên thơ.

Ngoại ô Hà Nội có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp, nhiều di tích lịch sử (...) tiếc trong thơ văn của người mình chưa có bài nào tả (...)


(Trích
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992)