Về cảnh sát hại tù binh trên trống đồng, nên nhớ rằng vào thời ấy cả người Tàu lẫn người La-mã đều làm việc này trên một qui mô hết sức kinh khủng.

Chẳng hạn tướng Tần là Bạch Khởi đã cho giết 40 vạn hàng binh Triệu trong một đêm! Tuy con số khó tin vì xưa kia dân Tàu còn ít mà Triệu lại là một nước nhỏ, nhưng hẳn số nạn nhân đã rất đáng kể.

Tù binh của đế quốc La-mã có hai số phận chính: hoặc bị giết ngay hoặc bị biến thành nô lệ. Một thiểu số “chọn lọc” trở nên những “kẻ giác đấu” (
gladiator) trong trò giải trí dã man nổi tiếng. Năm 71 trước công nguyên, sau khi dẹp tan cuộc nổi loạn của nô lệ do Spartacus cầm đầu, nhà nước La-mã cho đóng đinh tất cả 6000 tù binh bắt được. Con số không bao nhiêu (!) nhưng hãy tưởng tượng chừng ấy thân hình cùng một lúc quằn quại trên giá chữ thập!

Không riêng thời cổ đại, vào bất cứ thời nào thành tích làm những việc tàn ác của người Việt Nam thua xa thành tích của nhiều dân tộc khác. Cần tránh làm ác, nhưng cũng cần biết lịch sử thế giới để tránh bé cái nhầm rằng mình ác bậc nhất!

Thiết tưởng ý nghĩa đặc biệt của những hình ảnh bạo động trên “hoa hậu” Ngọc Lũ và “á hậu” Hoàng Hạ là: thời rực rỡ nhất của văn hóa Đông Sơn đã là một thời chinh chiến.
(Thu Tứ)



“Trống Hoàng Hạ - Á hậu trống Đông Sơn”







Vào khoảng tháng 3 năm 1937, trong khi đào mương, nhân dân xóm Nội Thôn, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội) đã tìm thấy trống Hoàng Hạ ở độ sâu 1,5m trong lòng đất (...) Nay trống đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Trống đồng Hoàng Hạ được xếp vào loại Héger I (...) có hình dáng và kích thước gần giống trống đồng Ngọc Lũ (...) thuộc loại kích thước lớn, đường kính mặt 78,5cm, đường kính chân 79,9cm, chiều cao 61,5cm, nặng 78kg. Cấu trúc trống gồm các bộ phận: mặt trống, tang trống, thân trống và chân trống. Mặt trống đúc liền hơi chờm ra khỏi tang trống. Tang trống nở phình, thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi ra.





Mặt trống: bố cục của những hình trang trí trên mặt trống rất gần với mặt trống Ngọc Lũ. Chính giữa đúc nổi ngôi sao 16 cánh, xen kẽ các cánh sao là họa tiết trang trí hình lông công. Bao quanh ngôi sao là 15 vành hoa văn gồm hai loại: văn hình học, hình khắc người, động vật và vật.

Về hoa văn hình học: ngoài các hoa văn giống trống Ngọc Lũ như chấm nhỏ thẳng hàng, chữ S gãy khúc nối tiếp, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến song song, văn răng cưa, trống Hoàng Hạ còn có thêm hoa văn hình xoắn ốc và vòng tròn đồng tâm.











Về hình khắc người và vật: trên vành 9 của trống thấy có 14 chim mỏ dài, đuôi và chân dài, có mào, bay ngược chiều kim đồng hồ. Đặc biệt ở vành 6 của trống có hình người mặc áo lông chim đội mũ cắm hình đầu chim đang nhảy múa, tay cầm vũ khí hoặc nhạc khí, người giã gạo chày đôi, nhà sàn mái cong, chim mỏ dài và chim mỏ ngắn đang bay.

Rìa mặt trống có 30 lỗ nhỏ cách đều nhau, là dấu vết những con kê trên khuôn đúc trống.





Tang trống: bố cục trang trí giống như trống Ngọc Lũ, gồm 2 phần:

Phần trên gồm 6 vành hoa văn hình học: những đường chấm nhỏ thẳng hàng, văn răng cưa, hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa, nối với nhau bằng những tiếp tuyến song song.

Phần dưới có 6 chiến thuyền dáng cong hình vòng cung, đầu và đuôi thuyền hình đầu chim, chuyển động từ trái sang phải. Trên thuyền có những chiến binh tay cầm vũ khí diễn cảnh giết tù binh. Xen giữa các thuyền là những hình chim, từ hai đến bốn con. Đó là loại chim nước có mào, mỏ dài, chân cao, đuôi dài. Có chỗ hai chim đứng quay mặt vào nhau, hoặc chim nọ đứng trên lưng chim kia, có lẽ biểu hiện hình chim đạp mái. Đặc biệt dưới gầm một số thuyền còn thấy hình cá.





Thân trống: bố cục trang trí tương tự trống đồng Ngọc Lũ, gồm 2 phần:

Phần trên của thân có những hoa văn hình học chạy (thẳng góc với nhau) tạo thành các ô hình chữ nhật. Trong mỗi ô có hai hình vũ sĩ đầu đội mũ lông chim, tay cầm vũ khí, tư thế vận động từ trái qua phải.

Phần dưới của thân là những vành hoa văn hình học: hàng chấm nhỏ, văn răng cưa, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến và đường chỉ trơn.

Trống có hai đôi quai kép trang trí văn bện thừng.

Chân trống: để trơn, không trang trí hoa văn.

Có thể nói đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn là nghệ thuật đúc đồng (...) Đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn không thể lẫn với sản phẩm của bất kì nền văn hóa khảo cổ nào khác trên thế giới. Trong số những hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn, tiêu biểu nhất là trống đồng (...) Cùng với trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ xứng đáng là bảo vật quốc gia của Việt Nam.



(Lược trích Dương Hà, “Giới thiệu bảo vật quốc gia – 2. Trống đồng Hoàng Hạ: “á hậu” trống đồng Đông Sơn”, trang
baotanglichsu.vn. Mô tả và hình ảnh trống chủ yếu lấy từ sách Những trống đồng Ðông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh do Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1975.)