Đầu năm 1944 Nguyễn Đình Thi viết về “sức sống của dân tộc Việt Nam trong ca dao và cổ tích”: “Tinh thần Việt Nam (...) không (...) buồn bã, yếu hèn, sợ sống, sợ đấu tranh. Trái lại (...) vui vẻ, lạc quan, ham sống, ham vật lộn (...) mỗi khi bị nén xuống đều cố tìm đường thoát dậy, mỗi khi gặp một sự thật đau đớn lại cố tìm một cách chữa cho kỳ được (...) (Dân tộc ta) yêu khỏe khoắn, buồn trung hậu, chứ không đắm đuối, ủy mị (...) Tinh thần ấy (...) giữ vững lửa sống.”(1)

Tất cả tác phẩm Nguyễn Đình Thi về cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc trong thế kỷ 20 đều chứa đúng cái tinh thần Việt Nam mà ông đã chính xác nêu lên.

“Hồn” như thế trong “xác” văn rắn rỏi, gọn gàng thích hợp, nên mỗi lần đọc ông ta lại thấy “lửa sống” trong chính lòng mình cũng bùng cao!

Xung kích kể chuyện một số dân công và chiến sĩ trong trận Vĩnh Yên xảy ra đầu năm 1951. Trước khi súng có thể nổ, phải đưa lực lượng cùng mọi thứ cần thiết ra mặt trận. Như điển hình suốt cuộc kháng chiến, để cân đối với máy bay, tàu, xe vận tải đủ loại của giặc, quân dân ta chỉ có đôi chân mình và những phương tiện hết sức thô sơ như quang gánh, xe đạp, xe bò...

(Thu Tứ)

(1) In lần đầu trong
Mấy vấn đề văn học, nxb. Văn Hóa, 1958, in lại trong Luận về quốc học, nxb. Ðà Nẵng, 1999.



Nguyễn Đình Thi, Xung kích (1)







Trong ánh trăng suông, gió bấc tràn xuống thung lũng. Những khu rừng ào ào như sóng biển. Những rặng trẩu trút lá tới tấp. Mấy chiếc lá bàng cuối cùng quạt lên quạt xuống rối loạn trên cành.

Ở ngã ba đường vào làng Chanh, cái khuôn cửa sổ liếp của đồn công an lù mù ánh đèn hoa kỳ. Anh công an viên quàng chăn ngồi lim dim. Ánh đèn dầu vàng hoe tỏa một khoanh tròn trên mặt bàn. Cái đồng hồ báo thức kêu lạch tạch, tiếng nghe hoen rỉ, cũ kỹ. Gió bấc thổi lộng lên từng hồi dài.

Phía xa, đêm khuya bỗng ồn ào. Anh công an viên thoát hẳn cơn buồn ngủ, vặn to ngọn đèn. Tiếng ồn ào mỗi lúc một gần. Như một thác nước đang tung bọt đổ tới. Tiếng lộc cộc. Tiếng véo von. Một tiếng hát nghe rõ. “Anh em ơi...” ầm ầm tiếng người reo hò... “ơ... ơ...”. Tiếng hát bổng lên ỏn ẻn: “Mây che cho bóng trăng mờ... ờ. Ta giữ bí mật ta mò... ò đi đêm. Ối anh chị em ơi...”. Cái xe bò dẫn đầu đã lộc cộc tới. Áo tơi, mũ dạ rách, áo ba-đờ-xuy cũ mướp lùng thùng, bao gạo, chiếu buộc chéo người, chăn dạ khoác chéo vai, khăn vuông, quang, thúng, nón, rầm rập đi qua khuôn cửa trong ánh trăng sáng lờ mờ.

- Ô-tô đây! Ô-tô hai bánh của Việt Nam đây!

- Mát quá, sướng cả ruột.

- Mát đến tận tim phổi, ông bà ông vải ơi.

- Hòm gì mà nặng bỏ bố thế không biết!

- Bí mật, bí mật...

Bỗng đám đông đứng dừng lại.

- Thôi hết đường nhựa! Đường đất đây. Lối rẽ đây rồi!

- Chà! Bên kia có đường goòng anh em ạ.

- Có cái xe goòng mà đẩy một lèo nhỉ.

- Tối om om, đi đứng thế nào!

Gặp một anh bộ đội từ mé rừng tối đi ra, họ ùa đến.

- Đường vào làng Chanh đây phải không đồng chí?

- Đi đi chứ, đứng lại làm gì như phỗng đá ấy!

- Có cầu cống gì không hả anh?

- Tướt bơ rồi. Cách bốn cây có cái cầu gẫy.

- Liệu có bằng cái cầu hôm qua không?

- Ào đi!

- Đi chuyến dân công này về bu cháu tịt mất một lứa đẻ đấy các cụ ạ.

- Anh phải gió, chân với tay!

- Gớm chị, nhỡ một tí mà.

- Cái gì thế?

- Thôi thôi nhanh lên các anh chị ơi!

Cái xe bò chồm lên, rẽ vào con đường nhỏ, bánh gỗ nện khấc khấc xuống những ổ gà. Lại một đám xe bò. Một tốp gánh vã, hai người một két gỗ trắng. Có két to, bốn người gánh ríu vào nhau. Tiếng thở hồng hộc. Tiếng xuýt xoa vì rét. Những cánh tay cuồn cuộn gân, những mảng sườn phanh trần, áo tả tơi. “Nhanh lên, đi nhanh lên, anh chị em”. Anh công an viên quàng chăn ngồi lim dim trước ngọn đèn. Người ở đâu đổ ra lắm thế! Như đến mấy nghìn mấy vạn. Cứ thế này suốt đến sáng chắc...

- Đây là đường đi Thái Nguyên phải không anh?

Anh công an viên ngẩng mặt lên, giật mình. Một bóng to lớn đứng lấp cả bên ngoài. Đồng chí bộ đội mang mũ sắt, mặt to và đen trũi, hai mắt húp lên đỏ ngầu. Đằng sau lố nhố năm sáu bóng mũ sắt nữa. Giày đinh lộp cộp trên đường nhựa. Anh công an viên gật đầu:

- Các đồng chí về đâu?

- Rét quá, vào ngồi nhờ anh một tí.

Bốn năm anh bộ đội kéo vào. Một anh ngồi phịch xuống đất, tựa lưng vào vách, kéo cái cổ áo bờ-lu-dông lên, gục đầu xuống hai cánh tay. Họ bật lửa, châm thuốc lá. Mùi thuốc thơm bay đầy nhà. Một anh vò cái bao thuốc lá nhấp nhoáng trong tay, vứt ra đường, ầm ừ một tiếng: “hết”. Anh công an viên vụt tỉnh như sáo, ngực đập thon thót. Đúng mùi thuốc lá Ta-bo, chiến lợi phẩm trên Cao Bằng, Lạng Sơn kỳ vừa rồi. Khéo các “tướng” đây!

Đúng các “tướng” đây rồi. Từ con đường làng Chanh kéo ra theo hàng một mấy chục anh bộ đội bước lùi lũi, súng quàng vai. Ra tới đường nhựa, họ đứng lại nhìn quanh, rồi lại im lặng đi thong thả lừ đừ, về phía xuôi. Hai tiểu đội, ba tiểu đội, dòng bộ đội dài ra mãi. Anh công an viên trong lòng như múa lên: bộ đội “trên ấy” về đây! Trông anh nào cũng cồm cộm những súng đạn, vai lưng to lù lù. Sắp “có chuyện to” dưới xuôi rồi! Mấy anh bộ đội vào ngồi nghỉ nhờ đã gục đầu lên cánh tay mà ngủ.

Con đường làng Chanh nhỏ hẹp chật ních những người chen vào nhau mà đi: bộ đội kéo ra, dân công kéo vào. Càng tới gần cái cầu gẫy càng ứ người lại. Từng đám lửa lớn rắc tàn bay lả tả, dân công ôm đầu gối ngồi sưởi. Tiếng kêu, thét, cười, nói vo vo như một tổ ong. Cầu gẫy chưa sửa, mới bắc được có hai ba cây gỗ lớn ngang qua suối sâu tối om. Đám dân công ùn ùn đến.

- Đợi anh em bộ đội qua hết đã.

- Ới trời ơi thế thì đợi đến sáng!

- Bên kia còn đen ngòm cả kia kìa. Súng như lá tre!

- Cứ sang đi, nhờ các anh ấy một tí.

- Có mấy cây gỗ tròn thu lu trơn tuột sang thế nào được.

- Rỡ hết két xuống, cho sang trước rồi khiêng xe sang.

- Lội suối có được không?

- Ướt hàng mất.

- Tao sang đây. Các anh cho tôi nhờ với.

Một ông già xương xẩu è một tiếng, nhấc một cái két lên vai, xăm xăm bước tới, hai chân đạp lên những cây gỗ. Bộ đội dừng lại bên kia. Ông già đi nhanh năm sáu bước trên cầu. Những cây gỗ rung rung. Hai ống chân cũng rung rung. Ánh đuốc nhoài lên phía trước ông già, những cây gỗ đỏ dài ra, như cựa quậy. Ông già lại è một tiếng, đi lên ba bốn bước. Tiếng ông thở dốc hai đầu cầu cùng nghe rõ. Những dây gân cổ kéo hết cả lên. Sang gần hết cầu, ông chìa một cánh tay ra với với. Một anh bộ đội đón tay ông cụ kéo lên, đỡ cái két trên vai ông, đặt xuống. Ông lão lòng khòng chưa đứng thẳng lên được, lấy ống tay áo chùi râu.

- Hề! Sang đi chứ!

Đuốc lửa càng cháy to, bốn năm người dân công vác két nặng rập rình trên những cây gỗ.

Bóng tối bên kia cầu im lặng. Bộ đội đứng hàng một sát vào nhau, chân rậm rịch, người sau dựa đầu vào ba-lô người trước, ngủ gà ngủ gật. Dòng bộ đội dài dằng dặc, không biết đến tận đâu mới hết. Từng quãng, năm bẩy anh ngồi hơ tay chung quanh mấy đống lửa nhỏ bạt gió.

Một tiếng huýt sáo văng vẳng khi xa khi gần. Càng xa cái cầu gẫy, càng im lặng. Các đơn vị ở dưới phải đợi lâu, chiến sĩ đã ngồi tựa vào bờ cỏ mà ngủ say. Nhiều trung đội đã cho anh em bỏ chăn ra nằm. Ánh trăng mờ xám trên những chiếc chăn dạ mỏng. Tất cả đều im lìm. Lâu lâu, lẫn với tiếng gió, truyền đi một tiếng xì xào.

- Truyền lên, đi nhanh không đứt liên lạc.

- Đi nhanh không đứt liên lạc.

Ở một lùm cây tối om, lập lòe một chấm lửa thuốc lá. Khói thuốc lá mán hăng hắc. Chấm lửa mỗi lần đỏ lên lại chiếu thoáng hai chấm mắt đen, đôi lông mày rậm và hai gò má nhọn dài dài dưới vành mũ sắt. Anh bộ đội ngồi hút thuốc mải nghĩ điều gì, một người bạn đến bên, anh vẫn không để ý. Người bạn vỗ vai anh gọi:

- Sản, cho tao tí lửa.

- Ờ, Kha đấy à?

Bóng hai người hí hoáy. Chấm lửa biến thành hai chấm lửa, phì phèo. Tiếng Kha hỏi:

- Mày không ngủ à?

Sản trả lời:

- Tao mệt quá không ngủ được...

Kha bấm đèn pin soi đồng hồ tay:

- Gần một giờ rồi. Thế này thì đến sáng chưa tới nơi. Tàu bay nó lại cù cho bỏ mẹ... Thằng Độ ngáy không chịu được. Bộ đội ngủ cả rồi...

- Ừ...

Sản ầm ừ rồi lại ngồi im như đang nghĩ chuyện khác.

Trong bóng tối tiếng Kha lại bồn chồn:

- Mệt thế này đánh đấm ra làm sao. Đi mười một đêm liền rồi.

Sản vứt điếu thuốc lá đã cháy đến tận ngón tay, và khẽ nói:

- Kha này, tao lên trên kia xem thế nào. Sao lại không cho lội suối...

- Rét bỏ mẹ!

- Cố một tí thôi. Đến sớm tha hồ ngủ bù.

Rừng lại ào ào một cơn. Sản đứng lên. Ánh đuốc hắt tới, trông rõ ống tay áo bên phải lòng thòng, không có bàn tay. Sản đi nhanh về phía đầu cầu.

Trăng đã lặn. Bộ đội sờ vào lưng nhau, giậm chân dò đường đi lên dần dưới những vòm lá tối mịt. Hai đầu cầu đuốc đốt bùng bùng. Dân công vẫn đang vác những két gỗ trắng kéo qua mấy cây gỗ bắc cầu trên cao. Dòng suối ộp oạp, lõm bõm tiếng người lội.

- “Quẩn cời” đi thôi.

- Làm gì mà như cô dâu mới thế.

- Úi chà chà rụng nửa người rồi. Nước đá, nước đá.

- Khéo ướt súng tao.

- Túm áo lên, nước đến vú đấy.

- Cậu Thông đứng giữa suối này mà ngủ tớ mới cho là giỏi.

- Các chị trên kia đừng cười chúng tôi nhé.

Thông túm áo đến ngực, quàng cái quần vào cổ, buộc hai ống quần lại như phu-la. Anh bưng cả ba-lô, súng, xẻng, nhảy ào xuống nước, cười như nắc nẻ. Nước bắn tung lên cao. Trên bờ dốc, mấy chị dân công ngồi sưởi quanh đống lửa, khúc khích đấm lưng nhau thùm thụp. Một chị táo bạo:

- Đứa nào cười các anh, chúng em vả vào mồm ấy chứ.

Thông vừa lội vừa hét:

- Hoan hô! Hoan hô! Chị nào đấy!

Qua tới bở bên kia, anh nào cũng răng đánh lập cập, xỏ vội cái quần.

- Tổ keo sơn ta lên cả chưa? Cốc đâu? Mẫn đâu?

- Phi nước đại lên! Gần ra đến đường nhựa rồi.

Họ bưng thắt lưng, giữ xẻng bên sườn cắm đầu chạy.

Ngoài ngã ba, ngọn đèn dầu hỏa đồn công an xanh lù mù chỉ còn bằng hạt đậu. Chân người chạy theo dọc con đường goòng, vượt qua cái cầu sắt nhỏ làm bằng đường ray kêu cốp, cốp, cốp, cốp. Gió bấc lay mấy bụi tre, cành lá cong xuống bần bật. Sản qua đồn công an nhòm vào một giây, thò tay qua cửa sổ vặn bấc lên một chút, châm điếu thuốc lá. Cốp, cốp, cốp, cốp, bộ đội vẫn chạy trên đường goòng, từng bóng vút qua lũy tre. Anh công an giật mình, mở to hai con mắt đờ đẫn buồn ngủ. Sản nghịch ngợm quay tròn ống tay áo, lững thững đi qua đường nhựa. Con đường rộng thênh thang, trăng trắng. Gió vu vu. Mé dưới, mấy nếp nhà lá xiêu vẹo, tối đen. Tiếng Kha gọi “Chờ tao, Sản ơi”.

Đồng hồ báo thức trên bàn anh công an chỉ ba giờ sáng. Bộ đội chạy nhanh trên đường goòng. Cái cầu sắt nhỏ rung lên, kêu đều đều như đánh nhịp. Cốp, cốp, cốp, cốp.


(còn tiếp)