Kiều bắt đầu hành nghề. À không, trước tiên phải học đã chứ. Vì “nghề chơi cũng lắm công phu”, nếu không chịu khó học để “biết cho đủ điều”, nếu “ai cũng như ai” thì “người ta ai mất tiền hoài đến đây?”... Thì học. Chao ơi, thân “cửa các buồng khuê” mà phải “thuộc lấy làm lòng” “bảy chữ tám nghề”, “nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe!” thật đấy. Chẳng bao lâu Kiều tốt nghiệp, “đủ ngần ấy nết”, thành ra một “người soi”. Nghe có hàng mới vừa đẹp vừa đĩ (giả vờ) lạ lùng, ong bướm tới tấp bay vào động Tú bà. Vui ơi là vui, nhưng “vui là vui gượng kẻo là / ai tri âm đó mặn mà với ai?”. Bướm cũng chuốc, ong cũng chuốc, chim cũng chuốc, chuột cũng chuốc, chuốc rồi chính mình cũng phải cạn chén. Say rượu giúp quên tất cả, nhưng “khi tỉnh rượu lúc tàn canh / giật mình, mình lại thương mình xót xa / khi sao phong gấm rủ là / giờ sao tan tác như hoa giữa đường”... Ờ, mà “kiếp người đã đến nước này thì thôi!”, chắc không “tàn” hơn nữa được đâu nhỉ (coi chừng nhầm đấy!). Tạm quên thương để nhớ. “Ơn chín chữ” ơi! “Lời nguyện ước ba sinh” ơi! “Xa xôi ai có biết tình chăng ai?”... Dĩ nhiên “ai” làm sao ngờ được mới chia tay đó mà tình cảnh “ai” đã thê thảm tới cái mức này.

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 1199-1274)



Vừa tuần nguyệt sáng gương trong,
Tú bà ghé lại thong dong dặn dò: (1200)
“Nghề chơi cũng lắm công phu,
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.”
Nàng rằng: “Mưa gió dập dìu,
Liều thân thì cũng phải liều thế thôi!”
Mụ rằng: “Ai cũng như ai, (1205)
Người ta ai mất tiền hoài đến đây?
Ở trong còn lắm điều hay,
Nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng chung.
Này con thuộc lấy làm lòng,
Vàng ngoài bảy chữ vành trong tám nghề. (1210)
Chơi cho liễu chán hoa chê,
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời.
Khi khóe hạnh khi nét ngài,
Khi ngâm ngợi nguyệt khi cười cợt hoa.
Ðều là nghề nghiệp trong nhà, (1215)
Ðủ ngần ấy nết mới là người soi.”
Gót đầu vâng dạy mấy lời,
Dường chau nét nguyệt dường phai vẻ hồng.
Những nghe nói đã thẹn thùng,
Nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe! (1220)
Xót mình cửa các buồng khuê,
Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay!
Khéo là mặt dạn mày dày,
Kiếp người đã đến thế này thì thôi!
Thương thay thân phận lạc loài, (1225)
Dẫu sao cũng ở tay người biết sao?
Lầu xanh mới rủ trướng đào,
Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người.
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm. (1230)
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là, (1235)
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?
Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì. (1240)
Ðòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Ðòi phen nét vẽ câu thơ, (1245)
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
Thờ ơ gió trúc mưa mai,
Ngẩn ngơ trăm mối dùi mài một thân. (1250)
Ôm lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối chẳng dần mà đau!
Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
Dặm nghìn nước thẳm non xa, (1255)
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!
Sân hòe đôi chút thơ ngây,
Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình?
Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có biết tình chăng ai? (1260)
Khi về hỏi liễu Chương Ðài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!
Tình sâu mong trả nghĩa dày,
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?
Mối tình đòi đoạn vò tơ, (1265)
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
Lần lần thỏ bạc ác vàng,
Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn. (1270)
Ðã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho cho hại cho tàn cho cân!
Ðã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)