Năm 1991 Võ Phiến in tập Truyện thật ngắn. Trong số những nhà văn Việt Nam nổi tiếng, ông là người đầu tiên viết loại truyện này.

Viết ngắn hơn trước là viết khác trước, chứ không phải là viết hay hơn trước. Ngắn có cái hay của ngắn, dài có cái hay của dài. Ðã thưởng thức những truyện ngắn dài của Võ Phiến như
Thương hoài ngàn năm, đến năm 91 độc giả được thưởng thức một loạt những truyện ngắn ngắn.

Trong
Làm một cái gì, nhân vật Tuấn là một người rất thực tế và ích kỷ, đầu óc lúc nào cũng bận bịu với những suy tính tủn mủn liên hệ đến đời sống riêng của mình. Nhưng Tuấn lại có cái vẻ một người trầm tư đại sự, ưu tư đại nghĩa! Người như thế không hiếm lắm đâu và dĩ nhiên không lọt được mắt Võ Phiến...

Mỉa mai kín đáo, cười cợt nhẹ nhàng là một phần của cái nhìn Võ Phiến. Cái nhìn ấy được thể hiện thành nhiều loại văn.

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Làm một cái gì”




Lần đầu tiên tôi biết anh ta là vào khoảng thời gian sau Hiến chương Vũng Tàu. Sinh viên, đoàn thể này, lực lượng nọ, đấu tranh rần rần ngoài đường phố liên tiếp. Tôi đến trung tâm huấn luyện Thông tin ở An Ðông tìm một người bạn có chút việc. Nói cho đúng ra thì cũng chẳng phải sự việc gì: anh bạn hẹn cho cái bình điện, tôi đến nhận, vậy thôi.

Tôi đến vào giờ nghỉ trưa, anh bạn vừa bị gọi sang nha Huấn luyện, nhắn anh Tuấn bảo tôi rằng bạn sẽ về ngay. Tuấn là người mà tôi vừa nói mới biết lần đầu.

Tôi bước vào vừa gặp lúc anh ta đang loay hoay sắp sửa ngả lưng xuống mặt bàn, tính đánh một giấc. Tôi nghĩ anh đã ăn xong bữa trưa, ăn trước mười hai giờ, tức là chen vào giờ làm việc. Không sao, có nhiều người làm thế. Vả lại trung tâm bấy giờ hình như không có khóa học: phòng ốc vắng tanh. Xong bữa, anh dọn dẹp giấy tờ gửi tạm qua bàn khác, lau chùi mặt bàn sạch sẽ, lấy chồng hồ sơ kê làm gối, phủ lên đấy một tấm khăn. Anh có kiếm sẵn tờ báo - chắc là báo Bộ mua cho Trung tâm - tờ báo cầm tay sẵn sàng. Ngả lưng xuống, đọc qua một lúc, chờ giấc ngủ. Gần ngủ thì úp tờ báo lên mặt cho con ruồi con muỗi đỡ quấy rầy.

Lúc ấy anh đã cởi sơ-mi máng lên lưng ghế, chỉ mặc chiếc mai-ô cũ, vàng. Chiếc mai-ô không tay, quá rộng đối với thân người gầy gò. Anh Tuấn gầy lắm. Anh ngồi trên mặt bàn cao, không dựa vào đâu, lưng lòm khòm. Có tôi đến, anh quơ chiếc áo sơ-mi mặc vào, ngồi xuống ghế. Tôi mời anh cứ ngủ tự nhiên, nhưng anh áy náy.

Anh ngại thì ngồi vậy, chứ chúng tôi không có gì nói với nhau nhiều. Thỉnh thoảng một câu. Anh lật qua lật lại tờ báo, còn tôi ngồi tại bàn của người bạn, cầm cây bút chì vạch vu vơ lên một tờ giấy, rồi gõ lụp cụp xuống mặt bàn v.v. Anh hỏi:

- Bên Xã hội độ này ra sao?

Tôi đáp:

- Vậy vậy.

Lát sau lại hỏi:

- Ông Tổng mới, được chứ?

- Mới tới chưa biết ra sao. Thay đổi hoài. Có ông chưa kịp biết việc biết người của Bộ đã ra đi. Ðiệu này làm việc gì được?

Anh Tuấn gật gật, tỏ ý tán thành. Tôi coi lại thì không phải anh chỉ gầy guộc ở bề ngoài, mà hình như khô rốc từ trong. Tôi có cảm tưởng hơi thở của anh phải nóng lắm: môi miệng anh khô ran, anh há môi ra, răng cũng khô. Tạng anh nhiệt. Người nom cứ như ông thánh Cam-địa. Nhưng là một ông thánh Cam-địa xa vắng. Anh không chú ý đến những cái gần, cái quanh mình; anh thường nhìn mông ra xa. Và thẩn thờ, ít nói.

- Ông Khánh coi vậy mà yếu.

- Ờ. Lúc đầu cứ tưởng là một người hùng, dám nghĩ dám làm. Thú thực, lúc đầu tôi tin tưởng ở ông ta nhiều lắm. Hồi mới lên, làm rụp rụp coi được quá. Hoá ra dần dần gặp đôi cái khó cứ loay hoay, lùi hoài, yểu xìu hà. Theo tôi...

Tôi chợt thấy mình nói nhiều quá. Anh Tuấn há môi, yên lặng, nhìn hút về xa. Tôi mời anh cởi áo nằm nghỉ, “xin tự nhiên cho”. Anh cười nhẹ như xin lỗi, rồi từ từ cởi áo. Lại nói:

- Tình hình này rối quá.

- Chứ gì nữa. Nát nước tới nơi. Anh nghĩ sao? Tôi cho là có bàn tay tụi nó nhúng vô rồi. Tụi nó nhúng sâu rồi đó, vân vân và vân vân.

Tôi lại chợt thấy mình nói nhiều quá. Tôi có tật nói nhiều. Chữ “tụi nó” ý tôi muốn dùng để chỉ vào cộng sản. Dù sao tôi nói nhiều quá. Anh Tuấn xin lỗi, và nằm xuống bàn. Anh nói:

- Tình hình này... phải làm một cái gì... Toa thấy không?

Tôi không nhìn được nét mặt anh. Nhưng trong giọng nói rõ ràng có sự đắn đo, thận trọng. Tự dưng tôi thấy mến anh, kính anh. Và tôi bằng lòng về cái thân mật dễ dàng của anh: gọi tôi bằng “toa” ngay trong cuộc gặp mặt lần đầu.




Lần sau đến vẫn để gặp một người bạn ấy. Sẵn dịp, anh bạn rủ tôi chơi hụi. Cầm cái là anh Tuấn. Tuấn vẫn vậy: thân mật cách tự nhiên, và ít nói. Tuấn không mời, nhưng tôi vui vẻ bằng lòng vào hụi ngay.

Không biết từ bao giờ tôi mơ hồ tin cậy những người gầy. Lạc thú là ở da thịt, còn đạo lý phải ngấm vào xương. Tình thế nước nhà đang suy đồi, nhưng may mắn có những phần tử có tinh thần trách nhiệm, những người thận trọng, chín chắn. Như anh Tuấn.

Hàng tháng tôi đến gặp anh để đóng hụi. Mỗi lần như thế, chúng tôi trao đổi với nhau dăm ba câu. Rồi anh lờ phờ, khô khấc, đắm mình vào những suy tưởng triền miên, xa xôi. Hụi có mười chân; đến tháng thứ năm, một chân hốt hụi rồi thuyên chuyển đi Sóc Trăng và trốn luôn. Mãi ba tháng sau mới có kẻ nói với tôi là anh Tuấn bị gạt, phải cắn răng đóng hụi chết cho người đồng nghiệp tồi tệ. Anh Tuấn lẳng lặng, thản nhiên, không than trách. Tôi bằng lòng về mình: sự tin cậy mơ hồ vậy mà đúng.

Thỉnh thoảng tôi có đề cập đến tình hình. Anh Tuấn vắn tắt. Tôi thầm cho là phải. Cái tật tôi hay nói huyên thiên thật không hay gì. Trước những vấn đề như thế, suy tư cho kỹ là phải.

Sau ngày cộng sản chiếm Phước Long, rồi Ban Mê Thuột, anh càng kín đáo, thẫn thờ. Từ sau làn mây mờ của những nghĩ ngợi sâu xa hun hút, anh nói: “Tình thế này... quá lắm. Phải làm một cái gì, toa thấy không?”

“Tất nhiên, tất nhiên...” Tôi lại nói, sôi nổi, bộp chộp như thường lệ.

Bấy giờ tôi bốn mấy, anh Tuấn chừng năm mươi tuổi. Nhưng trông anh gầy guộc khô khan đáng ngại.




Năm 1986, một hôm tôi gặp lại anh trong chợ Ái Hoa. Bất ngờ hết sức. Anh đang lúi húi chọn lựa mớ khoai lang, thứ khoai đặc biệt, ăn bùi, nhiều bột, không quá ngọt, quá nhão như vẫn bán ở khắp các chợ Mỹ.

Tôi vỗ vai, anh ngẩng lên, ngạc nhiên, mừng rỡ. Anh sang Mỹ theo chương trình O.D.P. cũng trên năm rưỡi rồi. Anh có trắng hơn trước, nhưng vẫn gầy. Tóc anh rụng nhiều, thưa hẳn; nhưng khí sắc thì khá. Hỏi han nhau dăm ba câu, trao đổi địa chỉ. Rồi anh giải thích:

- Tôi thích cái khoai này.

- Thì người Việt và người Tàu ai chẳng thích.

Anh bảo:

- Thế à?... Phải chọn kỹ, nhiều củ bị sùng anh ạ.

Tôi bảo nghe nói khoai trồng bên Florida, mới thấy bán gần đây thôi, giá còn đắt quá. Trước khi chia tay, có đề cập đến tình hình, và chúng tôi cùng chán nản.

Tuy có địa chỉ của nhau nhưng rồi bận bịu đa đoan, mạnh ai nấy sống, sau lần ở Ái Hoa chúng tôi mất hút nhau đến hơn ba năm. Một hôm gặp người nhắc tới anh Tuấn, tôi hỏi thăm sinh kế, thì nghe nói anh vẫn ăn “lương già”. Ủa! Anh đâu đã được sáu lăm hay sáu hai tuổi hồi mới sang Mỹ? Anh có làm một cái gì quá sớm chăng?(1)

Cuối 89, chúng tôi gặp nhau ở Bolsa. Hôm đó anh mặc côm-lê, thắt cái cà-vạt màu xanh lá chuối, nút to tướng. Anh cười cười giải thích: “Mới họp Phụ lão về.” Chúng tôi rủ nhau vào tiệm Phú Long uống cà-phê nói chuyện chơi. Bấy giờ bên Ðông Âu đang trải qua những biến đổi long lở, trong câu chuyện ở quán cà-phê khó tránh khỏi vấn đề thời sự. Anh Tuấn long lanh hứng khởi, nhưng vẫn chín chắn. Tôi nói nhiều, anh nói ít. Cuối cùng anh Tuấn nhận định thận trọng: “Phải làm một cái gì, toa ạ... Phải không? Toa nghĩ coi.”

Giọng anh thân mật, chân thành, một giọng nói chí tình. Tôi quay lại nhìn: Anh có cái dáng vẻ của người vừa phát biểu một ý nghĩ tâm can và táo bạo, liều lĩnh.

Trong cổ áo sơ-mi rộng thềnh, trái khế to tướng nơi cổ anh gồ ra nhọn hoắt. Anh hớp cà-phê, trái khế nổi cao, chạy lên chạy xuống.

Bắt tay anh, đi một lát tôi sực nhớ là đã quên hỏi anh về cái hội Phụ lão: Hội nào vậy? Ðoàn thể cứu nước hay hội tương tế? Trong cuộc họp vừa rồi có ai nêu ra vấn đề làm một cái gì vào lúc này không? A! Tệ quá, tôi quên không hỏi han câu nào về sức khỏe. Anh vẫn có lúc nhìn xa, há môi thở, vẫn khô răng: coi bộ tạng còn nhiệt dữ đa.


5 - 1991





__________________________
(1) Ý nói khi xin qua Mỹ, Tuấn đã khôn khéo khai lên tuổi để được lĩnh tiền chính phủ Mỹ trợ cấp cho người già. (TT)