Tại sao “những chữ ấy” không cắt nghĩa được? Vì chúng chứa cảm xúc. “Làm sao cắt nghĩa được cảm xúc”!(1) Cố lấy óc mà mổ xẻ “bâng khuâng” thì đến vỡ óc cũng không hiểu nổi. Nhưng nếu để lòng tự nhiên rung theo âm thanh của tiếng thì một người Việt Nam lớn lên trên đất nước mình sẽ dễ dàng cảm ngay được trọn vẹn nội dung của “bâng khuâng”... “Trong ngôn ngữ ta có nhiều lắm (...) tốt để làm thơ”. Và ta đã làm được vô số thơ thật “tốt”! (Thu Tứ)

(1) “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!” (Xuân Diệu).



Hoàng Ngọc Phách, “Thứ tiếng để làm thơ”




Trường cao đẳng tiểu học (tương đương với cấp II của ta bây giờ) ở thị xã Bắc Ninh (...) Sang niên khóa 1935-1936, bỗng có một giáo sư (là) nhà văn viết truyện Tố Tâm (...) Thầy Phách (...)

Một lần (...) giảng văn Truyện Kiều, thầy đã giảng kỹ những chữ “đỉnh giáp”, “non thần”, rồi “giấc mộng đêm xuân”, cả từ kép “mơ màng” nữa trong câu:

“Bâng khuâng đỉnh giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng” (...)

Bỗng một cậu giơ tay (...)

- Chữ “bâng khuâng” (...) con chưa hiểu ạ. Xin thầy giảng (...)

Ðầu tiên, thầy Phách cau mặt, nói hơi sẵng giọng:

- Sao anh dốt thế! (...) đến bà cụ nhà quê còn hiểu, mà anh lại không hiểu à?

- Thưa thầy, quả thật con không hiểu “bâng khuâng” là nghĩa thế nào ạ.

Thấy học trò có vẻ chân thật, bấy giờ thầy Phách mới dịu giọng, nói từ tốn, nhưng sau đó lại hóa ra lúng túng:

- Bâng khuâng là... là... ví dụ như có người đang nhớ đến một chuyện gì hay một cảnh gì đấy mà hơi buồn thì... thì... nó cứ bâng khuâng cả người lên! (vừa nói thầy vừa giơ cả hai tay lên và mắt thầy cũng ngước lên cao, ngước vào khoảng trống không).

Cả lớp bỗng tóe ra cười (...) Cái cười hồn nhiên chứ không phải vô lễ!

Thầy Phách có vẻ ngượng ngùng. Cả lớp ồn ào. Một lát, trở lại ngồi trên bục, thầy cầm thước kẻ gõ một hồi xuống bàn. Học sinh trở lại trật tự, ai nấy ngồi im. Thầy có vẻ suy nghĩ rất lâu (...) (rồi) nói khá dài (...)

- Các anh nhớ kỹ điều này (...) Nếu tìm nghĩa của các chữ “nôm”, ta nên hiểu nguyên âm của nó. Âm của chữ phần lớn sinh ra nghĩa. Nên có rất nhiều từ, ta chỉ cảm được chứ giảng nghĩa cho đầy đủ thật khó. Ví dụ thì rất nhiều, như cái từ kép “bâng khuâng” vừa rồi (...) Chỉ khi nào các anh lớn lên, biết được nhiều tìnhcảnh (...) các anh (mới) sẽ thấy rõ ràng thế nào là bâng khuâng... Như trong lớp này, có mấy anh quê ở xa lắm, về đây học là phải ở trọ. Tất sẽ có những chiều mưa, hoặc những chiều êm ái, nắng nhạt dần, các anh nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê (...) (qua đó) biết thế nào là bâng khuâng (...) Nhiều từ (...) ta chỉ cảm thấy được, chứ cắt nghĩa thật khó (...) Trong Truyện Kiều (...) rất nhiều (...) Những chữ ấy (...) trong ngôn ngữ ta có nhiều lắm (...) tốt để làm thơ (...)


(Trong
Hoàng Cầm tác phẩm - Văn xuôi, nxb. Hội Nhà Văn, 2004. Chỗ in xanh đậm do người trích.)