“Người mẹ Việt Nam”

Nguyễn Hiến Lê




ha tôi mất là bắt đầu thời suy của gia đình tôi. Mẹ tôi buồn khổ nhưng không than thở, không thất vọng, mà âm thầm chống với nghịch cảnh. Người lại đi bán hàng, tôi lại đi học (...)

Người ra đi từ mờ đất, mùa đông cũng như mùa hè, ngày mưa cũng như ngày nắng, ra bến sông ở gần cầu Đất cách nhà tôi độ một cây số, đón ghe để mua trái cây: dưa hấu, dứa, bưởi, mía... tùy mùa, rồi thuê xe kéo chở về chợ Đồng Xuân, chia lại cho bạn để lấy chút huê hồng, còn thì bán buôn cho những người ở chợ nhỏ, cũng bán lẻ nữa.

Bốn giờ chiều, tan chợ, người nghỉ bán, đi đòi tiền bạn hàng thiếu, tối mới về tới nhà, lâu lâu đội về một thúng gạo. Có khi đội về một thúng lạc để bóc vỏ thuê cho người ta: cả nhà ăn cơm xong, xúm lại bóc độ một giờ là xong, tiền công không biết được bao nhiêu, lợi là vỏ lạc về mình, để đun bếp, đỡ mua củi. Mùa hè, anh em chúng tôi đi lượm những quả bàng chín rụng về phơi khô, bửa hột ra lấy nhân, ăn bùi và béo hơn lạc, còn cùi cũng để đun bếp; cuối thu, lá bàng rụng, chúng tôi lượm về từng thúng. Khi bà cháu, anh em làm chung thì chỉ thấy vui và thương yêu nhau, chứ không thấy khổ.

Nhà tôi ở Long Xuyên hiện nay, trước cửa có một cây nính (?) cao 15, 16 thước, thân lớn hai ôm, cứ tới đầu xuân là thay lá: ban đêm tôi nằm nghe tiếng lá rụng ào ào, sáng dậy thấy sân và đường đã đầy những lá màu đen, và một cô giáo với hai đứa con bảy tám tuổi đã tới từ hồi nào để quét và hốt thồn vào những cái bao ni-lông lớn. Cô giáo cột vào xe đạp chở về. Có khi mẹ bận, hai đứa nhỏ phải đội những bao đó đi bộ về nhà. Chúng thật dễ thương, có trái cây hay một miếng bánh tráng cũng chia nhau: con chị cắn trước rồi chia cho thằng em, em cắn một miếng rồi đưa lại cho chị. Nhìn họ tôi vui được sống lại tuổi thơ (...)

Mẹ tôi cũng lo việc học cho chúng tôi, vì có ai đâu để nhờ cậy? Tôi còn nhớ buổi trưa hôm đó, không nhớ rõ là thất tuần hay trăm ngày của cha tôi, mẹ tôi bưng một cái quả (thứ tráp lớn, tròn) đựng xôi và thịt quay, cùng với tôi ngồi xe lại nhà thầy giáo tôi ở trên một gác nhỏ khu hàng Bún (?) để biếu thầy và kể tình cảnh mẹ góa con côi của chúng tôi, nhờ thầy săn sóc sự học của tôi (...)

Sau khi đoạn tang chồng, mẹ tôi cứ tết đến lại đưa tôi và em út tôi về quê nội ở Phương Khê. Như vậy là phải nghỉ bán hàng sáu ngày, vì đi đường đã mất bốn ngày. Tết nào không về được thì người gởi biếu bác Hai tôi trái cây, đồ nấu, hương, trà, mứt để cúng tổ tiên, y như hồi cha tôi còn sống, không thay đổi gì cả. Trên bàn thờ cha tôi thì tết nào cũng có hai giò thủy tiên đặt trong hai cái cốc quý bằng thủy tinh như trước, chỉ khác thủy tiên không đẹp bằng vì mua ở chợ chiều 30 tết cho rẻ.

Ngày nay nhớ lại đời sống và ngôn hành của người, tôi thấy người không kém bà Tú Xương. Bà Tú

“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”

thì mẹ tôi cũng quanh năm (...) và cũng nuôi đủ bốn con – có khi thêm một đứa cháu bên chồng nữa – với một mẹ già.


(Trích
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992)