“Đêm thu khắc lậu canh tàn / Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương / Lối mòn cỏ nhợt màu sương / Lòng quê đi một bước đường một đau”... Bị đuổi theo rồi, mà kẻ dẫn đường “đã rẽ dây cương lối nào”! “Hóa nhi thật có nỡ lòng / Làm chi giày tía vò hồng lắm nau!”... Hóa nhi khủng bố tinh thần xong, đến phiên Tú bà khủng bố xác thịt! Kiều ăn phải quả lừa Sở Khanh, thất thế nặng lắm. “Thân này đã đến thế này thì thôi”, thì “thân lươn bao quản lấm đầu / chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”, y như kế Tú bà. Quyết định chấp nhận làm đĩ lớn lao quá, nên Kiều ngày đêm “Buồng riêng, riêng những sụt sùi / Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân / Tiếc thay trong giá trắng ngần / Ðến phong trần cũng phong trần như ai!”. Làm sao cho đỡ khổ tâm đây? Thì cứ nghĩ vì“kiếp xưa đã vụng đường tu” nên kiếp này phải “đền bù mới xuôi”. Cứ cho là mình mắc nợ nên phải “lấy thân mà trả nợ đời cho xong!”. Lợi hại thay tôn giáo!

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 1117-1198)



Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn.
Ðêm thu khắc lậu canh tàn,
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương. (1120)
Lối mòn cỏ nhợt màu sương,
Lòng quê đi một bước đường một đau.
Tiếng gà xao xác gáy mau,
Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng.
Nàng càng thổn thức gan vàng, (1125)
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!
Một mình khôn biết làm sao,
Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng.
Hóa nhi thật có nỡ lòng,
Làm chi giày tía vò hồng lắm nau! (1130)
Một đoàn đổ đến trước sau,
Vuốt đâu xuống đất cánh đâu lên trời.
Tú bà tốc thẳng đến nơi,
Hăm hăm áp điệu một hơi lại nhà.
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra, (1135)
Ðang tay vùi liễu dập hoa tơi bời.
Thịt da ai cũng là người,
Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau.
Hết lời thú phục khẩn cầu,
Uốn lưng thịt đổ giập đầu máu sa. (1140)
Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,
Nước non lìa cửa lìa nhà đến đây.
Bây giờ sống thác ở tay,
Thân này đã đến thế này thì thôi!
Nhưng tôi có sá chi tôi, (1145)
Phận tôi đành vậy vốn người để đâu?
Thân lươn bao quản lấm đầu,
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.”
Ðược lời mụ mới tùy cơ,
Bắt người bảo lĩnh làm tờ cung chiêu. (1150)
Bày vai có ả Mã Kiều,
Xót nàng ra mới đánh liều chịu đoan.
Mụ càng kể nhặt kể khoan,
Gạn gùng đến mực nồng nàn mới tha.
Vực nàng vào nghỉ trong nhà, (1155)
Mã Kiều lại ngỏ ý ra dặn lời:
“Thôi đà mắc lận thì thôi!
Ði đâu chẳng biết con người Sở Khanh?
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
Một tay chôn biết mấy cành phù dung. (1160)
Ðà đao lập sẵn chước dùng,
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay!
Có ba mươi lạng trao tay,
Không dưng chi có chuyện này trò kia!
Rồi ra trở mặt tức thì, (1165)
Bớt lời, liệu chớ sân si thiệt đời!”
Nàng rằng: “Thề thốt nặng lời,
Có đâu mà lại ra người hiểm sâu!”
Còn đương suy trước nghĩ sau,
Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào. (1170)
Sở Khanh lên tiếng rêu rao,
Rằng: “Nghe mới có con nào ở đây,
Phao cho quyến gió rủ mây,
Hãy xem có biết mặt này là ai?”
Nàng rằng: “Thôi thế thì thôi, (1175)
Rằng không thì cũng vâng lời rằng không!”
Sở Khanh quát mắng đùng đùng,
Bước vào vừa rắp thị hùng ra tay.
Nàng rằng: “Trời nhé có hay!
Quyến anh rủ yến sự này tại ai? (1180)
Ðem người đẩy xuống giếng thơi,
Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay!
Còn tiên tích việt ở tay,
Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai!”
Lời ngay đông mặt trong ngoài, (1185)
Kẻ chê bất nghĩa người cười vô lương.
Phụ tình án đã rõ ràng,
Dơ tuồng, nghỉ mới kiếm đường tháo lui.
Buồng riêng, riêng những sụt sùi,
Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân. (1190)
Tiếc thay trong giá trắng ngần,
Ðến phong trần cũng phong trần như ai!
Tẻ vui cũng một kiếp người,
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru!
Kiếp xưa đã vụng đường tu, (1195)
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi!
Dẫu sao bình đã vỡ rồi,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)