“Tranh sinh” xưa là cướp đất. Tranh sinh “đời nay” là áp đặt văn hóa.

Cái giống người từng cướp đất hung dữ nhất thế giới, bây giờ đang áp đặt văn hóa hung dữ không hề kém.

Nếu người da trắng thành công trong việc áp đặt văn hóa thì cái dân tộc Việt Nam đã tồn tại trong mấy nghìn năm sẽ coi như đã mất, người Việt Nam tương lai sẽ là một dân tộc khác.

Dân tộc Việt Nam mới đang hình thành ngay bây giờ! Bằng vào không ít những đôi tai say sưa thưởng thức nhạc Tây cả cũ lẫn mới mà hoàn toàn dửng dưng khi nghe dân ca, nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh, những cái miệng thèm thuồng xúc-xích mà chê giò lụa, những đôi mắt đắm đuối váy đầm mà hết sức lạnh nhạt với áo dài v.v. Từng ngày, đủ loại văn hóa phẩm Việt Nam truyền thống đang hóa thành “di tích của người Hời”!

(Thu Tứ)



Nguyễn Trọng Thuật, “Ngũ Hành Sơn”



(Khách sạn) trông ra sông Đà Nẵng, bên kia sông là bãi cát dài có vài làng mạc, cuối bãi là Ngũ Hành Sơn (...) Sang cái đò ngang gọi là đò Hàng Thông ấy thì lên làng Mỹ Khê (...) Từ đó xe chạy trên con đường dài chín cây số trong cái rừng dương (...) giữa bãi cát trắng. Cuối đường đến núi Ngũ Hành (...) Thuê thuyền theo sông Đà Nẵng đi về hướng nam cũng đến nơi (...)

Ngũ Hành Sơn là một chòm núi đá hoa lô nhô ở xã Du Xuyến, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Quảng Nam. Chòm núi ấy có năm quả lớn gần nhau, người ta lấy tên năm vị sao kinh tinh là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ mà đặt tên cho từng quả một mà tóm gọi là Ngũ Hành Sơn. Quả núi có thắng cảnh cho khách đến xem là Thủy Tinh Sơn, tên nhà chùa gọi là Phổ Đà Sơn. Núi ở liền chân bãi bể, lên một đường xuống một đường. Cũng không cao lắm. Núi có hai cảnh chùa, gọi (chung) là chùa Non Nước hay chùa Linh Ứng. Đường lên vòng vào chùa trong trước rồi mới ra chùa ngoài (...) Chùa trong có ba gian nhà ngói để thờ tổ và cho sư ở, còn Phật thì thờ trong động trên núi (...)

Động to nhất là cái động thờ Phật, trong có một pho tượng đặt trên ban liền vách động. Bên ban có cái bia trùng tu về đời chúa Nguyễn cũng tạc luôn vào đá núi. Bia chỉ đề “Nước Đại Việt, kim thượng hoàng đế, năm Canh Ngọ” (...) Dưới ghi tên những tín chủ cúng tiền. Có nhiều người Nhật Bản, người Đại Minh (...) Sang động Thiên Long Cốc, động Tàng Chân, động Huyền Không. Động Huyền Không thờ bát tiên, có tám tượng nhỏ.

Di tích của người Hời tức là người chủ nhân cũ ở xứ này đã từng sáng lập nên chùa này, thì còn một cái bệ chìm xuống cát một nửa và hai cái hình lực sĩ nhỏ chạm vào vách núi. Coi đó, ta là người chủ mới thứ hai không khỏi động lòng viếng người trước. Nhưng cuộc tranh sinh đời nay lại kịch hơn xưa, không biết có giữ được khỏi để người chủ sau thứ ba đến đây phải nhớ mà viếng ta không (...) Đi xem lần lượt hết hang nọ đến hốc kia (...) Có chỗ trên đầu thủng bằng bằng cái nong tròn trông thấy trời, có chỗ đang đi trong hang kín hơi bức sực thì ra ngay cửa hang có gió thổi vào mát mẻ, gọi là hang gió (...) Chúng tôi yêu nhất hai nơi gọi là Vọng Hải Đài với Vọng Giang Đài.

Trèo lên đỉnh núi về phía bể thì tới Vọng Hải Đài (...) không có đài, chỉ có cái bia thích ba chữ tên dựng vào đời Minh Mệnh (...) Xung quanh bia đứng lọt được độ mươi lăm người. Đứng đấy trông ra bể, một trời một nước bao khắp ba mặt núi, mây mờ sóng bạc (...) một nơi xem bể thú bậc nhất, vì chỗ đứng cao chon von liền với bể (...) Vọng Giang Đài cũng có một cái bia thích ba chữ tên, cũng vào đời Minh Mệnh (...) Đứng chỗ này thì trông thấy sông Đà Nẵng khuất khúc trước mặt, thôn trang đồng điền san sát liền nhau. Coi ra cảnh dân sinh ở Quảng Nam có phần trù thịnh phảng phất như ở Bắc kỳ và hơn xứ Huế nhiều (...)


(Trích Nguyễn Trọng Thuật, “Nam du đến Ngũ Hành Sơn”, đăng trên
Nam Phong số 184 và 185, tháng 5 và 6-1933, in lại trong Du ký Việt Nam, nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007. Nhan đề phần trích tạm đặt.)