Tống Tr. Tín, “Ht Thăng Long qua khảo cổ học”




Muốn tìm dấu tích thành Thăng Long, ta chỉ còn có một cách duy nhất là qua khảo cổ học. Nhưng khảo cổ ở thủ đô Hà Nội rất khó, vì thành phố hiện đại được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đã trùm lên kinh đô cổ.

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của nhà nước, trong khoảng ba thập kỷ (1970-2000) các cơ quan Viện Khảo cổ, Phân khoa Lịch sử thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã cố gắng len lỏi vào từng mét vuông, từng khoảng đất nhỏ để tiến hành công việc thăm dò, khảo sát, khai quật.

Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm Thăng Long 990 tuổi (năm 2000), khi nhà nước trao quyền quản lý một phần khu thành cổ cho thành phố Hà Nội, Hà Nội đã tạo điều kiện cho Viện Khảo cổ khai quật bước đầu ở ba địa điểm quan trọng bậc nhất là Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu Lâu, cùng ở một số địa điểm khác. Kết quả của các cuộc khai quật hết sức khả quan.

Dưới đây chúng tôi xin điểm lại các thành tựu chính của các cuộc khai quật và đưa ra chút suy nghĩ riêng về thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê.

1. Địa điểm Đoan Môn

Đây là một cổng chính của thành Thăng Long. Nó có từ thời Lý - Trần, nhưng dấu vết hiện còn là của thời Lê (có thể là Lê sơ) và đã được thời Nguyễn và thời nay tu sửa.

Tháng 10 năm 1999, Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã thám sát và khai quật ở đây 2 hố với tổng diện tích là 85,20m 2…

- Tại hố đào ở phía bắc Đoan Môn, ở độ sâu 1,20m, đã tìm thấy sân nền được lát gạch vồ thời Lê và gồm có 9 hàng, ôm khít chân tường Đoan Môn, trong đó hàng ngoài cùng lát phẳng tạo thành đường đi, các hàng trong lát chéo cao dần lên tạo nền móng vững chắc để xây tường gạch bên trên.

Thăm dò các vị trí khác quanh chân tường Đoan Môn đều thấy có đường viền lát đá này.

Đường đá lát và sân gạch này theo chúng tôi là thuộc thời Lê (có thể được bắt đầu từ thời Lê sơ). Nó được nhà Nguyễn tiếp thu và sửa sang tu bổ. Vào thời Pháp thuộc, cuối thế kỷ XIX, nó đã bị san lấp khoảng 1m để xây cất các công trình khác. Nếu trong tương lai, ta làm phát lộ toàn bộ ở độ sâu 1m sẽ khôi phục lại được cốt nền của thời Lê với đường viền lát đá còn khá nguyên vẹn và sân nền gạch cổ lát bằng gạch vồ.

Ở độ sâu 1,90m đã gặp một đoạn đường đi được lát bằng gạch bìa nằm ở chính giữa cửa Đoan Môn và chạy dài theo hướng Bắc - Nam dài 15,80m.

Cấu trúc của con đường gồm có 3 phần: móng đường, nền đường và mặt đường.

- Phần móng ở vị trí hố giám sát được tạo bởi 12 lớp gồm nhiều loại vật liệu khác nhau (sỏi, gạch ngói vỡ, bao nung gốm…) tạo thành một lớp móng dày 0,86m rất chắc chắn.

- Phần nền được tạo bởi 5-6 lớp gạch chồng lên nhau.

- Phần mặt đường gồm có hai đường biên và lòng đường. Hai đường biên được tạo bởi gạch và ngói xếp thành các ô hình hoa chanh cách điệu. Lòng đường rộng 1,30m đã bị phá hủy hết chỉ còn sót các mảnh gạch lát hình vuông trang trí hoa cúc dây.

Căn cứ vào cấu trúc tầng văn hóa, vật liệu kỹ thuật xây dựng và nhất là so sánh cấu trúc hình hoa chanh trong kiến trúc gạch thời Trần ở Tam Đường, Tức Mặc, chúng tôi cho rằng đây là con đường đi có từ thời Trần, có sử dụng lại gạch thời Lý và gạch thời Bắc thuộc. Do có ngói Lý, ngói Trần phủ lên trên chúng tôi cũng dự đoán rằng có thể con đường này có mái che.

Dự đoán rằng có thể con đường đang phát triển về hướng điện Kính Thiên. Vết tích con đường có còn hay không thì chỉ có các cuộc khai quật sắp tới mới có thể trả lời được. Và nếu đúng là một con đường đi từ Đoan Môn đến điện Thiên An thời Trần thì sẽ trả lời và minh chứng cho một vấn đề khoa học khác rằng điện Kính Thiên thời Lê đã dựa trên nền cũ của điện Thiên An (hay điện Càn Nguyên) của thời Lý và thời Trần.

2. Địa điểm Bắc Môn

Bắc Môn là cổng thành phía bắc của thành Hà Nội thời Nguyễn. Tại đây, Viện khảo cổ học và Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã khai quật hai hố với tổng diện tích là 60,40m2.

Tại phía tây của Bắc Môn đã tìm thấy một phần móng nền của một kiến trúc thời Lê. Do hố đào nhỏ cho nên chưa thể biết kích thước của kiến trúc, chỉ biết rằng kiến trúc này có một phần móng được lót đá và gạch vồ, phần trên được xây dựng hoàn toàn bằng gạch vồ và có giật cấp thu dần vào.

Ở hố phía nam Bắc Môn đã tìm thấy một nền móng hay tường kiến trúc khác cũng được lót móng bằng đá xanh trên xây gạch vồ, phía ngoài, phía trong được nhồi chặt bằng gạch vụn. Vết tích kiến trúc này nằm hẳn dưới kiến trúc Bắc Môn.

Dưới các viên đá xanh lót mỏng, còn có một lớp móng khác dày 1,15m được xây bằng gạch vồ và gạch vụn nện chặt không thấm nước.

Hai kiến trúc này đều có niên đại Lê. Mặc dù diện đào nhỏ, không rõ tính chất và quy mô của các kiến trúc, nhưng các vết tích này đem lại các nhận thức khác về Thăng Long ở khu vực này. Vị trí này chưa thấy xuất hiện vết tích kiến trúc Lý và Trần. Trái lại, thời Lê lại xây dựng khá nhiều và hết sức kiên cố. Sự kiên cố đó một mặt phản ánh một đặc trưng của kiến trúc Lê, một mặt có thể đoán là vị trí này khá gần sông Tô Lịch cho nên phần móng phải được gia cố chắc chắn hơn.

Nếu so sánh với bản đồ Thăng Long thời Lê - Hồng Đức, ta sẽ thấy khu vực này trên bản đồ không vẽ kiến trúc gì cả. Điều đó có nghĩa là bản đồ này tính ước lệ rất lớn và khi khai quật khảo cổ theo diện rộng chắc chắn sẽ điền thêm được nhiều điểm mới lên bản đồ Hồng Đức.

3. Địa điểm Hậu Lâu

Hậu Lâu (7 Hoàng Diệu) là tên một kiến trúc thuộc thành cổ thời Nguyễn đã được xây sửa thời Pháp thuộc. Vị trí này ở phía sau điện Kính Thiên.

Năm 1998, Viện Khảo cổ học và Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội đã khai quật 206m2, kết quả như sau:

Ở độ sâu 3,20m đã tìm thấy một móng nền của một cầu bến ven sông hoặc ven hồ. Móng nền này được cất bằng vật liệu đá thời Lý, gạch thời Lê và có niên đại khoảng thời Lê sơ (thế kỷ XV).

Ở độ sâu 1,15m -1,35m đã tìm thấy vết tích của 3 mảng nền kiến trúc đều được xây cất bằng gạch vồ và đá có niên đại Lê Trung Hưng.

Toàn bộ vết tích các di tích kiến trúc và di vật ở đây cho phép hình dung cảnh quan và sự thay đổi của kiến trúc thời Lê ở đây như sau:

Theo sử cũ phía sau điện Kính Thiên là nơi nghỉ ngơi của vua và hoàng tộc. Vào thời Lê sơ, ở vị trí hố đào là sông (hay hồ ao) và đã xây một cầu bến lớn. Bên cạnh cầu bến lớn, đã tìm thấy một bộ sưu tập bát đĩa men trắng cao cấp có trang trí rồng rất đẹp được Việt Nam sản xuất chỉ dành riêng cho hoàng cung với nhiều xương thú, xương cá. Đó chính là đồ dùng của hoàng cung.

Vào thời Lê Trung Hưng toàn bộ khu vực này sau bị lấp bằng gạch ngói thời Lê sơ có trang trí rồng và hoa lá. Sau khi lấp đoạn sông (hay hồ) này, thời Lê Trung Hưng đã xây nhiều kiến trúc khác lên trên.

4. Địa điểm Văn Miếu

Địa điểm Văn Miếu được Viện Khảo cổ học và Trung tâm Văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thám sát 50m2.

Kết quả đã tìm thấy 22.583 di vật gồm vật liệu kiến trúc, đồ gốm, tiền đồng, các mảnh sắt, gỗ, vỏ ốc, đá… có niên đại từ thời Bắc thuộc, thời Lý đến thời Nguyễn. Sử ghi chép rằng Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070. Nhưng trên mặt đất hiện nay chỉ có vết tích của Văn Miếu Lê và Nguyễn. Việc tìm thấy các vật liệu xây dựng như gạch ngói có trang trí rồng, phượng thời Lý đã chứng minh sự ghi chép của sử cũ rằng Văn Miếu đã được xây dựng dưới thời Lý.

5. Khu vực Lăng Bác

Trong quá trình thi công xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1975, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy vết tích thành cổ thời Bắc thuộc, vết tích phía tây của tòa thành Hà Nội đầu thời Nguyễn.

Ngoài ra, còn rất nhiều gạch gốm đều có từ thời Bắc thuộc, gạch “Long Thụy Thái Bình” thời Lý.

Vị trí này cho phép suy nghĩ về ranh giới phía tây của thành Thăng Long.

6. Địa điểm số 5 Hoàng Diệu

Đã được Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội thăm dò năm 1988.

Vị trí này chưa tìm thấy vết tích kiến trúc nhưng đã tìm thấy nhiều vật liệu xây dựng và gốm sứ từ thời Bắc thuộc đến thời Nguyễn. Đáng chú ý ở đây đã tìm thấy một mảnh đầu của con sấu thần thời Lý gần tương tự như con sấu Lý trên thành bậc kiến trúc tìm thấy ở Bách Thảo thời Pháp.

Rồng đá trên thềm điện Kính Thiên - trung tâm của hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ.

(hình như ở đây in thiếu một số dòng)

7. Khu vực Quần Ngựa

Khu vực này vốn đã được nghiên cứu từ thời Pháp thuộc và có tới hàng nghìn di vật từ thời Bắc thuộc đến thời Nguyễn được tìm thấy ở đây.

Nơi đây đã được nhiều cơ quan như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Khoa Lịch sử (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội nghiên cứu. Các địa điểm được thăm dò gồm có khu vực Núi Cung, Đồng Gạch, Đồng Giếng, Quần Ngựa, Chùa Chân Giáo…

Các di vật tìm thấy cũng như vết tích kiến trúc cho phép nghĩ rằng khu vực này không có kiến trúc lớn và nằm ở phía ngoài của thành Thăng Long và đây là khu sống và lao động của các tầng lớp bình dân có xen lẫn một số kiến trúc.

8. Địa điểm Giảng Võ

Địa điểm này được phát hiện năm 1983 trong quá trình xây dựng hồ Ngọc Khánh. Viện Khảo cổ học, Sở Văn hóa Thông tin và Phòng Văn hóa Thông tin quận Ba Đình tiến hành nghiên cứu thu hồi di vật và đo vẽ vết tích kiến trúc.

Kết quả đã thấy vết tích của một nền kiến trúc dài 30m, rộng 8m.

Đặc biệt đã thấy một sưu tập hiện vật lớn gồm 507 di vật trong đó có 433 di vật là vũ khí gồm: giáo, câu liêm, đinh ba, qua, kiếm, lao, mũi tên, móc câu, chông, súng lệnh, đạn đá v.v.

Ví trí này góp phần nghiên cứu điện Giảng Võ thời Lê và cung cấp một bộ sưu tập vũ khí lớn, phong phú nhất của thời Lê.

9. Địa điểm 11 Lê Hồng Phong

Năm 1996, trong quá trình thi công xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc tế, đã phát hiện nhiều di vật.

Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Hà Nội đã tiến hành khai quật ngay.

Tuy diện tích khai quật còn sót lại rất nhỏ hẹp nhưng đã tìm thấy được một sưu tập lớn các di vật kiến trúc thời Lý chứng tỏ nơi đây có một kiến trúc lớn thời Lý.

10. Địa điểm ngã tư Hàng Đường - Hàng Cá và Ngõ Gạch

Năm 1980, khi thi công xây dựng đường nước tại vị trí này đã chạm vào một kiến trúc đá ở độ sâu 1m. Dưới các tấm đá lát là các hàng gạch vồ xây xếp rất đẹp. Ống dẫn nước đã nằm lên trên kiến trúc này. Vị trí này được đoán có thể là vết tích Cầu Đông nổi tiếng ở phía đông thành Thăng Long.

11. Địa điểm Trung tâm Thương mại Tràng Tiền

Năm 2000, khi thi công xây dựng Trung tâm Thương mại Tràng Tiền, Viện Khảo cổ học và Ban quản lý Di tích và Danh Thắng đã được phép thăm dò ở đây 115m2.

Kết quả đã tìm được một khối lượng lớn di vật, trong đó chủ yếu là gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản từ thế kỷ XVII - XVIII. Điều đó cho thấy, vào khoảng thời gian từ thế kỷ XVII - XVIII, đây là nơi tụ cư đông và buôn bán khá sầm uất.

12. Địa điểm 47 Hàng Dầu

Địa điểm 47 Hàng Dầu, trước khi thi công xây nhà, Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa Thông tin đã thăm dò trước.

Địa điểm Chợ Hôm, khi đào móng xây dựng, công nhân đã thu gom đồ gốm sứ lại và báo cho Viện Khảo cổ học đến nghiên cứu.

Tính chất khảo cổ học nơi đây đều tương tự như địa điểm Tràng Tiền. Điều đó chứng tỏ từ hồ Hoàn Kiếm xuống Chợ Hôm đều là khu dân cư và các điểm trao đổi buôn bán của Thăng Long thế kỷ XVII - XVIII.

*

Các cuộc nghiên cứu (tiến hành) ở nhiều địa điểm (...) mỗi địa điểm có một đóng góp riêng mà tóm lại bước đầu đã đạt được kết quả đáng khích lệ như sau:

- Đã góp phần chứng minh được rằng trung tâm của hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê ở là khu vực thành cổ Hà Nội mà tâm điểm là điện Kính Thiên. Kết hợp với tư liệu các di tích và văn bia trên mặt đất có thể xác định được tương đối chính xác quy mô của ba vòng thành Thăng Long bao bọc lẫn nhau gồm Cấm Thành, Hoàng Thành và La Thành.

- Đã hiểu được phần nào sinh hoạt ở Thăng Long qua các thời. Ví dụ qua đồ gốm sứ thì trong thời Lý, Trần luôn luôn tồn tại đồ cao cấp bên cạnh các đồ bình dân; thời Lê sơ thì có hẳn một lò quan chuyên sản xuất các đồ cao cấp cho hoàng cung. Nhưng đến thời Lê Trung Hưng thì đồ dùng cao cấp và bình dân dường như không phân biệt. Lại nữa, khi làm thống kê các mảnh đồ gốm, ta thấy rằng đồ gốm nước ngoài luôn luôn hiện diện. Nhưng trong khu vực hoàng cung, đồ gốm Việt Nam luôn luôn được sử dụng với tỷ lệ rất cao so với gốm Trung Quốc và gốm Nhật Bản.

- Các cuộc khai quật đã bước đầu góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa của kinh đô Thăng Long. Các vết tích kiến trúc được đo vẽ, miêu tả, chụp ảnh. Nhiều di vật đã được thu hồi. Vết tích kiến trúc ở Đoan Môn đã bắt đầu được bảo vệ một phần làm bảo tàng ngoài trời. Các di vật ở Hậu Lâu đã được trưng bày tại di tích. Điều đó báo hiệu trong tương lai chúng ta sẽ có bảo tàng khảo cổ học về kinh đô Thăng Long.

Trong ba thập kỷ các phát hiện khảo cổ học đều là do xây dựng các công trình làm phát lộ. Trong thời gian đầu, chỗ nào có ý thức báo lại thì cứu vớt được chút ít di vật. Chỗ nào không báo thì di sản bị mất vĩnh viễn. Chỉ từ năm 1998 trở lại đây nhờ sự quan tâm của thành phố Hà Nội và Bộ Văn hóa Thông tin, các cuộc khai quật mới được tiến hành có kế hoạch và theo đúng trình tự khoa học.

Do vậy, để bảo vệ di sản văn hóa Thăng Long 1000 tuổi dưới lòng đất, trước hết cần có quy chế khảo cổ học đô thị cho Hà Nội.


(Tống Trung Tín, “Hoàng thành Thăng Long từ góc độ khảo cổ học”,
Tổng tập Nghìn năm Văn hiến Thăng Long)