Nghe thế nào mà biết có “gió trên”, để hè nhau vác diều quảy dây đi thả?

Hễ diều lên được gió trên rồi, “các thứ sáo lập tức nổi lên nghe như trên trời có đám rước tưng bừng”! Tiếng sáo mà như “tiếng chiêng, tiếng cồng”!

Cái diều sáo “rộng cả hai ba gian nhà” sau cùng làm ra năm nào nhỉ? Dân làng Đồng Kỵ cũng thôi làm những ông pháo khổng lồ lâu rồi. Thôi hết cả rồi, những cái chơi to tát và độc đáo của người nông dân châu thổ sông Hồng...

(Thu Tứ)



Tô Hoài, “Thi diều, thi chim”



Ngày trước, các cánh đồng dọc sông Hồng và trung du làng nào cũng chơi diều, lại thả diều thi, thi diều lên đứng lâu, suốt đêm ngày, thi sáo diều đổ tiếng nào hay (...)

Diều sáo sông Hồng, diều đòn gánh, diều ống, diều cánh phản, dài rộng cả hai ba gian nhà. Dân chơi diều hôm nào nghe có gió trên, đem diều ra đồng thả. Phải một người vác, hai ba người quảy mấy cuộn dây đay to như cái thúng.

Cánh diều tre làm bằng giấy dó phất cậy màu mận, trường khoát như người lực sĩ. Trên lưng diều đeo một bộ sáo đồ sộ to nhỏ có thứ tự. Dưới nhất có sáo chiêng, sáo tù và, rồi sáo đẩu, sáo còi bé nhỏ trên cùng. Cái diều đã đâm vượt gió dưới lên gió trên, các thứ sáo lập tức nổi lên nghe như trên trời có đám rước tưng bừng. Tiếng chiêng, tiếng cồng, sáo đẩu âm u, sáo còi lanh lảnh.

Cả đêm hè sáng trăng đầy gió trên, tiếng sáo diều xa xa gần gần, đám người ngồi dưới cọc diều nghe diều đứng, tiếng sáo rành rõi, bàn tán định giải từng chiếc. Tiếng diều sông Hồng thảnh thơi mà hùng dũng, tưởng như những cái diều sáo mang hình ảnh của tâm hồn khí phách con người.

(...)

Ta có tục chơi thả bồ câu thi từ ngày trước. Bây giờ, những ngày lễ hội lớn, năm nào các làng cũng đem bồ câu thi về Hà Nội thả giữa hồ Hoàn Kiếm. Con chim bồ câu ta dai sức, bay đàn thì bao giờ cũng bay tròn vành lên cao nhất nhìn cả đàn chỉ bằng cái chấm đen và bay xa đến đâu cũng không lạc, cũng về được. Các chủ chim thi thả chim ở hồ Hoàn Kiếm, ban tổ chức nhìn lên trời đánh giá, cho điểm rồi tặng giải. Các chủ chim cứ thế hân hoan đi về, chỉ đến xế trưa, đàn chim thi cả tám con đã về đậu vỗ cánh phành phạch ngay trên mái chuồng nhà bên gốc cây cam.


(Trích bài Thả Diều Thi in trong tập
Giấc mộng ông thợ dìu. Nhan đề phần trích tạm đặt.)