Tiếng nói vừa cụ thể vừa trừu tượng. Cụ thể bởi từ vựng là những âm thanh tai nghe được, còn trừu tượng vì ngữ pháp là một cái “cách” chỉ tồn tại trong óc. Đã bao nhiêu lần “di sản nhiệm mầu” được con cháu ưu tú sử dụng viết nên những lời “hữu cơ, đậm đà, đẹp đẽ”. Trong số con cháu ấy, có cái người “nói bật lên những lời biết ơn đối với đất nước, ông bà, tiên tổ” sau đây. Ăn thừa kế mà như Nguyễn Du, Nguyễn Tuân v.v., thật đáng được ăn! (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Chết cũng không quên”




Nghĩ về sự đầy đủ, trong trẻo, đẹp đẽ, sáng sủa và sang giàu của tiếng nói Việt Nam, có những lúc tôi ngừng lại đó trang sách đọc, tôi ngừng lại đó câu viết chưa xuống dòng... mà nhìn trân trân tờ giấy bỏ dở. Tôi nhìn trân trân vào giữa khoảng không ngoài cửa sổ lộng trời xanh, mà lòng thấy dào dạt lên những lời cám ơn. Tôi lặng cúi xuống mặt trang giấy trắng tinh đang om sòm những tiếng mời chào kia mà nói bật lên những lời biết ơn đối với đất nước, ông bà, tiên tổ. Thấy chịu ơn rất nhiều đối với quê hương, ông bà đã truyền cho tôi thứ tiếng nói đậm đà tôi hằng nói từ những ngày mới ra đời, mà rồi cho tới phút cuối cùng không được chứng sống nữa, thì câu cuối đời của tôi cũng vẫn cứ nói lên, vẫn chỉ bằng cái thứ tiếng nói ruột thịt tủy xương đó mà thôi. Tôi biết rằng cái ngôn ngữ mà tôi đang nói đang diễn viết ra đây, chính nó là kết tinh bởi nhiều trăm nghìn năm công sức lao động của tổ tiên lưu truyền lại. Trong hương hoa thừa hưởng đấy, lẫn vào với vô số thanh âm từ điệu, thấy như biểu hiện lên không biết bao nhiêu là mồ hôi và máu huyết của đời sống ông bà khai rừng, vỡ ruộng, mở cõi, giữ nước chống giặc, tiến lên tới đâu là xây dựng ngôn ngữ tới đó. Nay mỗi lần đụng tới di sản nhiệm màu ấy, thấy bổi hổi bồi hồi, như vấn vương với một cái gì thật là thiêng liêng, vô giá, mà tất cả trữ kim, trữ ngân của tất cả ngân hàng trên thế giới cũng không sao đánh đổi được. Có những lúc lại lẩn thẩn nghĩ dại dột rằng bây giờ tự nhiên mình lại mất trí, mà quên hết mà bay hết khỏi đầu mình chỗ kho tàng tiếng nói Việt Nam này thì có lẽ mình... mình sẽ phải chết mất. Nhưng không, không thể nào quên được cái tiếng Việt Nam hữu cơ, cái tiếng Việt Nam linh diệu ấy được. Có đến chết, cũng không quên được. Có chết, càng vẫn nhớ.


(Nguyễn Tuân, “Về tiếng ta”, tạp chí
Văn học số 3, 1966, in lại trong Các nhà văn nói về văn, tập I, nxb. Tác Phẩm Mới, 1985)