“Chung quanh những nước non người / Ðau lòng lưu lạc nên vài bốn câu”... Quái lạ, đây chỉ có “cát vàng” với “bụi hồng” với “cánh buồm xa xa” với “hoa trôi man mác”, thế mà mình vừa ngâm đã “cách tường nghe có tiếng đâu họa vần”! Cứ y như là... phục kích. “Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh”. Lời chàng mới dễ nghe sao: “Than ôi! sắc nước hương trời / Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây? / Giá đành trong nguyệt trên mây / Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa?”, nhất là “Thuyền quyên ví biết anh hùng / Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi!”! Đằng đang buồn nẫu ruột, khát khao giải phóng, đằng phóng ngay ác chưởng “mấy lời sắt đanh”, không gục là sao hở Trời? Lời oai thế nhưng đến hôm hẹn “anh hùng” xuất hiện lại rất không đường đường: “... lay động bóng cành”, tức là trèo tường, “lẻn vào”! Mặc kệ, kẻ đột nhập gia cư bất hợp pháp vẫn theo đúng bài bản “ta đây”, vẫn khăng khăng sẽ “bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi”, cho yên lòng Kiều. Lấp thế nào? Thì... “thừa cơ lẻn bước” y hệt hai quân gian! Kiều hẫng, chắc vì đã nhầm tưởng “chàng” sẽ dắt mình đi gặp Tú bà rồi bỏ tiền ra chuộc... Than ôi, “đà quá đỗi” rồi, “cũng liều nhắm mắt đưa chân / mà xem con tạo xoay vần đến đâu!”. Tạo xoay đời còn nhiều nước oái ăm lắm đấy, khách má hồng ơi.

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 1055-1116)



Chung quanh những nước non người, (1055)
Ðau lòng lưu lạc nên vài bốn câu.
Ngậm ngùi rủ bức rèm châu,
Cách tường nghe có tiếng đâu họa vần.
Một chàng vừa trạc thanh xuân,
Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng. (1060)
Nghĩ rằng cũng mạch thư hương,
Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.
Bóng nga thấp thoáng dưới mành,
Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai:
“Than ôi! sắc nước hương trời, (1065)
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?
Giá đành trong nguyệt trên mây,
Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa?
Tức gan riêng giận trời già,
Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng? (1070)
Thuyền quyên ví biết anh hùng,
Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi!”
Song thu đã khép cánh ngoài,
Tai còn đồng vọng mấy lời sắt đanh.
Nghĩ người thôi lại nghĩ mình, (1075)
Cảm lòng chua xót lạt tình bơ vơ.
Những là lần lữa nắng mưa,
Kiếp phong trần biết bao giờ là thôi?
Ðánh liều nhắn một hai lời,
Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân. (1080)
Mảnh tiên kể hết xa gần,
Nỗi nhà báo đáp nỗi thân lạc loài.
Tan sương vừa rạng ngày mai,
Tiện hồng nàng mới nhắn lời gởi sang.
Trời tây lãng đãng bóng vàng, (1085)
Phục thư đã thấy tin chàng đến nơi.
Mở xem một bức tiên mai,
Rành rành tích việt có hai chữ đề.
Lấy trong ý tứ mà suy:
“Ngày hai mươi mốt tuất thì, phải chăng?” (1090)
Chim hôm thoi thót về rừng,
Ðóa trà mi đã ngậm gương nửa vành.
Tường đông lay động bóng cành,
Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào.
Sượng sùng đánh dạn ra chào, (1095)
Lạy thôi nàng mới rỉ trao ân cần.
Rằng: “Tôi bèo bọt chút thân,
Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh.
Dám nhờ cốt nhục tử sinh,
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau!” (1100)
Lặng nghe lẩm nhẩm gật đầu:
“Ta đây nào phải ai đâu mà rằng!
Nàng đà biết đến ta chăng,
Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi.”
Nàng rằng: “Muôn sự ơn người, (1105)
Thế nào xin quyết một bài cho xong.”
Rằng: “Rằng ta có ngựa truy phong,
Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi.
Thừa cơ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn. (1110)
Dù khi gió kép mưa đơn,
Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì!”
Nghe lời, nàng đã sinh nghi,
Song đà quá đỗi quản gì được thân.
Cũng liều nhắm mắt đưa chân, (1115)
Mà xem con tạo xoay vần đến đâu!


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)