Bài Đèo Hải Vân của Bích Khê mở đầu:

“Bước tới đèo Vân cảnh vắng teo
Rõ ràng trước mắt bức tranh treo
Một vùng bể cả cơn triều dậy
Ðôi cụm rừng sâu tiếng gió reo”.

Nhớ năm 1991 đi qua đèo lần đầu, không thấy chút rừng nào, lấy làm lạ, nghĩ chắc hồi BK làm thơ thì có rồi sau rừng bị phá. Hóa ra do địa chất núi đây “không có rừng”. “Rừng sâu” trong bài thơ hẳn chỉ là rừng lau...

Ải Vân: dấu vết “còn trơ trơ đứng giữa trời” của một chiến lược giữ nước hoàn toàn thiếu sáng suốt!

(Thu Tứ)



Nguyễn Trọng Thuật, “Từ Huế ra cửa Hàn”



Năm giờ sáng, hai xe đưa ba người và hành lý ra ga Huế. Bấy giờ phố xá còn ngủ yên (...) cảnh vật sông Hương đều lờ mờ thấp thoáng (...)

Khỏi huyện Hương Thủy đến huyện Phú Lộc thì sáng bạch. Trông ra đã thấy phá Hải Nhi. Phá là chỗ nước bể ăn vùng vào. Phá này to lắm. Mặt ngoài phá liền với bể là cửa Tư Dung hay là Tư Hiền Tấn. Mông mênh bát ngát, xe lửa đi lượn ngay trên bờ. Gợn sóng lóng lánh, đá hòn nhấp nhô, hơi bể thấp thoáng bay trên mặt trời đàng đông minh mới ló. Chài ai mấy chiếc, vợ chồng con cái đã đang chỉnh đốn để ra làm nghề. Cảnh trí trông rất đẹp. Đây cũng là một cảnh trong hai mươi thắng cảnh kinh thành, tức gọi là nơi xem đánh cá. Qua phá Hải Nhi thì núi (...) cao ngất trước mặt (...)

(Vùng núi này là một phân chi của Tràng Sơn chạy thẳng đến tận bờ bể, chặn ngang lấy con đường Huế vào Quảng Nam). Núi to, hiểm mà cao, dưới chân là mặt bể, ngang lưng trở lên mây ám mù mịt suốt ngày, cho nên mới gọi là Hải Vân Sơn. Chỗ gần bể có một quả núi thấp hơn và làn làn, mở làm lối đi, nên gọi là đèo Vân. Đời Minh Mệnh lập cửa ải ở trên đèo nên lại gọi là Ải Vân. Toàn thể núi là đá hỏa thành thạch với cát mà ít có chất đất, nên không có rừng.

Hải Vân Sơn bây giờ có hai đường đi qua là đường bộ cũ và đường xe lửa mới. Đường bộ đi thẳng lên đèo, đường xe lửa phải đi lượn vòng chân núi ra bờ bể (...) Tuy nói đèo ấy thấp hơn các ngọn, nhưng cũng đã cao đến tầm mây phủ rồi. Cho nên ban ngày mà thường bị mây phong kín mít (...)

Huế (...) không mở được hải cảng vì cửa Thuận An nông (...) vận tải (đường bộ) từ Cửa Hàn (...) thì bị đường đèo Vân hiểm trở. Nên ngay từ hồi đầu, Bảo hộ phải đặt ngay lấy đoạn đường sắt này (...) khó làm lắm (...) Khe trũng thì đổ cao lên, (lại có những chỗ phải) đục toại đạo (đường hầm) (...) bảy tám cái toại đạo, cái dài nhất xe lửa chạy đến sáu phút ở trong.

Ngồi trên xe trông ra bể, xa thì mây mù nước biếc mênh mang, gần thì sóng đập vào đá, mỗi trận ào ào lại bọt tung lên trắng xóa. Đó là cái cảnh vui mắt của khách vô sự (...) mà chính lại là cái cảnh gian hiểm của bạn nhà nghề vượt thuyền qua vùng bể đó. Đó tức là nơi Hang Dơi. Ngạn đã có câu: “Đi bộ thì sợ đèo Vân, đi thuyền thì sợ sóng thần Hang Dơi” (...)

Xe lượn vòng bờ bể Hang Dơi rồi tiến lên mé nam Hải Vân, trông với lên đỉnh đèo thấy một cái cửa ải cao lớn đen trũi còn trơ trơ đứng giữa trời (...) xây từ đời Minh Mệnh dùng để phòng ngoại (...) Ý giả, nếu hữu sự thì giữ đó mà chống với ngoại quốc (...) Chi bằng thuận thời thế, giao hảo với ngoại quốc, cầm chủ quyền mà lợi dụng mở mang công thương học thuật. Rồi đặt hải phòng hạm đội ngay từ ngoài bể xa kia thì còn chắc chắn biết bao.

Hết phận núi Hải Vân là vào địa hạt Quảng Nam. Vùng này sản (?) mít, vườn trông làng trồng nhiều. Làng mạc có vẻ vui hơn vùng Quảng Bình, Quảng Trị. Đồng điền thì gần núi với bãi cát cũng không được tốt, nhưng cấy lúc nào cũng được ăn. Bấy giờ cuối tháng hai ta mà có ruộng thì đang rỗ, ruộng thì mới cấy. Bãi cát vùng này thấp liền với bờ bể, cũng bát ngát nhiều lắm, cũng trồng nhiều cây dương. Qua mấy ga Lăng Cô, Linh Điểu, Dũng Thùng, Nam Ổ v.v. thì đến Cửa Hàn.

Cửa Hàn là cái cửa bể ở Quảng Nam vốn tên là Chu Hàn Tấn (...) Dịch âm ra tiếng Pháp là Tourane (...)

Đường xe lửa từ Hà Nội vào mới đi tới Cửa Hàn. Từ Cửa Hàn phải đi ô-tô một quãng dài đến Nha Trang. Từ Nha Trang mới lại có xe hỏa vào Sài Gòn (...)


(Trích Nguyễn Trọng Thuật, “Nam du đến Ngũ Hành Sơn”, đăng trên
Nam Phong số 184 và 185, tháng 5 và 6-1933, in lại trong Du ký Việt Nam, nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, VN, 2007. Nhan đề phần trích tạm đặt.)