Khó tưởng tượng sông ở Bình Định từng có hàng bầy “sư tử”!



“Lý Thường Kiệt bình Chiêm” (2)

Hoàng Xuân Hãn




2. Sửa soạn

Đối với một cuộc hành binh vĩ đại như cuộc này, sử ta chép rất sơ lược. Hình như đời Lê Thánh Tông, đoạn sử này, của Lê Văn Hưu để lại, đã bị thiếu sót, hay là Ngô Sĩ Liên biên Đại Việt sử ký toàn thư tự ý ước lược đi ? Sách TT chỉ nói qua một vài câu, không ghi chi tiết gì cả. May còn có sách Việt-sử-lược từ đời Trần y nguyên còn lại, chép khá rõ ràng.

Theo TT, quân ta có 5 vạn. Quân ấy không phải có sẵn cả. Phần lớn huy động dân thường (...)

Số 5 vạn chép ở TT có thật hay không? Nước ta dân số bấy giờ bao nhiêu, không thể biết được. Nhưng theo sự ta có thể chống lại 10 vạn quân Tống mấy năm về sau, thì chắc ta có hơn 5 vạn quân (...)

Đường giao thông bằng bộ vào Chiêm Thành gặp trở ngại. Theo lời sứ Chiêm tâu với vua Tống (1074), thì từ kinh đô Chiêm đến kinh đô Đại Việt phải đi 40 ngày và (phần lớn là) đường núi (TS 489). Cho nên cuộc hành quân này chắc chắn chỉ dùng đường thủy. Mà thủy quân ta, từ trận Bạch Đằng đời Ngô Quyền, đã lập được nhiều chiến công.

Bắt đầu từ tháng năm 1068, vua Lý sai sửa chữa và đóng thêm chiến hạm (VSL) (...)

3. Xuất quân: Trận Nhật Lệ

Ngày 24 tháng hai 1069 vua Lý Thánh Tông hạ chiếu thân chinh Chiêm Thành (...)

Lý Thường Kiệt được chọn làm đại tướng quân và đi tiên phong (...)

Số quân năm vạn chắc hoàn toàn đi đường thủy. Nếu mỗi mành chở được 250 quân và lương thực, thì phải chừng 200 chiếc. Lúc Lý Thái Tông đánh Chiêm thành (1044), đã sai đóng vài trăm chiến thuyền. Vậy, chuyến này chắc cũng có số thuyền ấy (...)

Ba ngày sau (...) vua xuống thuyền xuất quân, giao quyền bính lại cho Ỷ Lan nguyên phi và thái sư Lý Đạo Thành (...)

Bảy ngày sau khi rời khỏi Thăng Long, thuyền đến Nghệ An (...) Từ đó đến cửa Nam Giới, (thêm) ba ngày (kể cả thời gian quân nghỉ ở Nghệ An). Cửa Nam Giới, nay gọi là cửa Sót, ở phía Nam núi Hồng Lĩnh, thuộc phủ Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (...) Từ Lý về trước, cửa này là cửa bể lớn cuối cùng ở vùng nam nước ta, trước các cửa nước Chiêm Thành. Có lẽ tên Nam Giới (bờ cõi phía Nam) lấy nghĩa ở sự ấy (...)

Năm ngày sau (...) quân đến cửa Nhật Lệ là cửa Đông Hải ngày nay. Đây là cửa bể thứ ba của Chiêm Thành, kể từ núi Hoành Sơn vào. Cửa đầu nhỏ, là cửa Di Luân hay cửa Ròn. Cửa thứ hai rộng nhưng cạn, là cửa Bố Chánh hay cửa Gianh. Hai cửa này không quan hệ lắm về việc phòng thủ.

Địa thế nước Chiêm Thành rất đặc biệt: một giải đất hẹp và dài, chẹt giữa bể đại dương và núi cao ngất. Phía bắc, có núi Hoành Sơn và sông Bố Chánh (sông Gianh) ngăn cản đường từ Đại Việt vào. Giải đất hẹp ấy lại bị nhiều dãy núi chắn ngang đến bờ bể. Ngoài núi Hoành Sơn ở cực bắc, có núi Hải Vân ở phía nam Thuận Hoá, núi Thạch Tân ở phía nam Quảng Ngãi, núi Đại Lãnh ở phía nam Phú Yên. Các dãy núi “xương sườn” ấy ngăn thành mấy cánh đồng: Bình-Trị-Thiên, Nam-Ngãi, Bình-Phú, Khánh-Thuận. Dân Chàm chỉ ở các đồng bằng ấy, và hình như giao thông với nhau chỉ bằng đường bể. Đường thiên lý bấy giờ chưa có. Vì thế, vua Chiêm chỉ để ít quân phòng thủ ở Bố Chánh, và thủy quân tập trung ở cửa Nhật Lệ. Đại quân đóng giữ kinh đô và cánh đồng Bình Định ngày nay.

Lúc thuyền quân ta tới Nhật Lệ, thủy quân Chàm chặn đánh. Lý Thánh Tông sai tướng Hoàng Kiện tiến đánh. Quân Chiêm thua. Sách VSL chép việc ấy, không nói gì thêm. Nhưng thấy sau này, quân ta tiến xuống miền nam không bị ngăn cản, thì ta đoán rằng thủy quân Chiêm bị tan vỡ ở đây.

Quân ta không đổ bộ ở Nhật Lệ, vì mục đích vua Lý là phá kinh thành và bắt chúa. Cho nên thuyền quân lại thẳng xuống phương nam (...) dọc theo bờ bể (...)

Ngày 28-3, thuyền đến cửa Tư Dung. Cửa này nay gọi là Tư Hiền. Xưa cửa rất sâu (...) và là cửa vào các phá và sông thuộc xứ Ô Lý (Thuận Hóa), vì bấy giờ chưa có cửa Thuận An (...)

Sáu ngày sau khi rời cửa Tư Dung, quân ta tới cửa Sơ-li-po-nai (...) (chắc là) cửa Thi-nại tức cửa bể lớn ở Qui Nhơn (...)

Từ Thăng Long đến cửa Thi-nại (...) đi hết 26 ngày (...)

4. Trận Tu-mao

Thành Phật-thệ, kinh đô Chiêm Thành đời bấy giờ, ở vào địa phận tỉnh Bình Định ngày nay. Tên Chàm là Vijaya; sau có tên Chà-bàn ta thường chép lầm ra Đồ-bàn. Vijaya ở phía bắc thành Bình Định bây giờ, bên nam sông Khu Cương hay Hà Giao, ở chính giữa một cánh đồng phì nhiêu hình thoi mỗi đường nối góc dài chừng 30 cây số. Ba phía, bắc, tây, nam, đều có núi cao che chở. Chỉ miền đông là trực tiếp với nước, tại vũng Nước Mặn (vịnh Qui Nhơn ngày nay). Vũng chạy dài từ bắc chí nam dài 20 cây số và thông với bể bằng cửa Thi-nại, hẹp và sâu. Muốn tới thành Vijaya, chỉ có do phía đông là dễ dàng. Sông Khu Cương chảy vào vũng Nước Mặn, góc cực bắc. Nhưng sông cạn, thuyền lớn khó vào. Vì thế mỗi lúc quân ta tới đánh Vijaya, đều đưa thuyền vào cửa Thi-nại rồi đổ bộ ở ven bờ vũng Nước Mặn.

VSL chép rằng quân ta đổ bộ, tiến lên đóng ở bờ sông Tu-mao, thấy tướng Chàm là Bố-bì-đà-la bày trận trên bờ sông. Quân ta xông tới đánh, giết tướng Bố-bì-đà-la. “Quân Chàm chết nhiều không kể xiết”. Sông Tu-mao là sông nào? Theo địa thế mà đoán, ta có thể ngờ là nhánh cực nam của hạ lưu sông Tam Huyện, mà sách ĐKĐD gọi là sông Tân An. Có ba dòng sông chắn ngang đường tới Đồ-bàn; sông này ở trước nhất. Theo bia NBS, khi gặp quân Chiêm, hai anh em Thường Kiệt và Thường Hiến chia quân làm hai cánh, đánh tạt ngang, chém được ba vạn người. Có lẽ đó là trận sông Tu-mao (...)
.
Trong Ức Trai dư địa chí, có kể chuyện rằng: “Lý Thường Kiệt kéo đại quân tới sông Phan Định. Sông Phan Định tiếp với phủ Hoài Nhơn (...) Sông có nhiều sư tử (tức là cá sấu) (...) vì sợ “sư tử”, quân không qua sông dễ dàng được”. Theo đó, sông Phan Định có thể cũng là sông Tu-mao (...)

Nghe tin quân mình thua ở sông Tu-mao, Rudravarman III, đang đêm, đem vợ con bỏ thành chạy trốn về phía nam. Cũng đêm ấy quân ta kéo tới gần thành Vijaya. Lúc quân ta đến bến Đồng La, (có lẽ trên sông Thạch Yển là sông chắn thứ ba, gần phía nam thành), người trong thành ra hàng.

Vua Lý Thánh Tông vào thành. Nhưng vua Chiêm đã trốn thoát.

5. Bắt vua Chiêm

Lý Thường Kiệt đem quân đuổi theo xuống miền nam. Tháng tư quân ta đuổi đến biên giới nước Chân Lạp. Bấy giờ Chiêm Thành gồm cả vùng Phan Rang, Phan Thiết ngày nay. Phan Rang, tên Chàm là Panduranga, lại là một thành phố lớn. Có lẽ vua Chiêm đã chạy đến đó. Chân Lạp vốn là một cừu quốc với Chiêm. Vua Chiêm không dám chạy qua đó; cùng thế phải ra đầu hàng (...)

Cuộc đuổi bắt vua Chiêm kéo dài ngót một tháng (...)

Thế là Chiêm Thành bị đại bại. Tuy Lý Thánh Tông tự cầm quân, nhưng công chiến thắng hoàn toàn về Lý Thường Kiệt, từ trận đầu đến trận cuối. Việc hành quân kể lại trên đây, phần lớn lấy ở sách VSL. Còn sách chính sử ta là Đại Việt sử ký toàn thư thì không những không chép những chi tiết trên, mà lại chép chuyện hoàn toàn khác. Sách ấy nói rằng: “Vua đánh Chiêm lâu không thắng, bèn quay trở về. Về tới châu Cư Liên, nghe nói ở trong nước bà nguyên phi (Ỷ Lan) coi nội trị giỏi (...) than rằng: “Kẻ kia là đàn bà, còn giỏi như vậy. Ta là đàn ông, há lại vụng về sao?”. Rồi vua quay trở lại đánh; bèn thắng” (...)

Về việc đầu (đánh lâu không thắng) (...) hoặc đó là vì tướng Chiêm Bố-bì-đà-la cản quân ta trên sông Tu-mao, hoặc là vì sông nhiều cá sấu mà quân ta không dám qua. Lẽ hợp hơn cả là vì vua Chiêm trốn thoát, chạy xa vào miền nam hiểm trở, quân ta khó lòng đuổi kịp và bắt được; vua ta cho là chưa đạt được chủ đích (...) Còn việc thứ hai (nản lòng quay về rồi quay trở lại) cũng có thể xẩy ra (...) ta có thể nghĩ rằng hoặc giả sau khi lấy được Vijaya, vua Lý Thánh Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân đuổi bắt vua Chiêm. Vua đợi mãi thấy chưa bắt được. Sợ vắng mặt lâu, trong nước (...) không yên, nên đưa một phần quân về trước. Nhưng về dọc đường, được tin bà nguyên phi trị dân yên ổn, vua lại trở lại, đợi bắt được vua Chiêm. Nếu sự có thật, thì ta không hiểu vì lẽ gì VSL, là sách chép kỹ về việc đánh Chiêm Thành, lại không chép chuyện ấy.

6. Khải hoàn. Tha vua Chiêm

Sau khi bắt được Rudravarman III, vua Lý đãi yến quần thần tại điện vua Chiêm. Bấy giờ là tháng năm. Muốn tỏ sự hân hoan “vua thân hành múa khiên và đánh cầu trước bệ” (...)

Tháng năm), vua kéo quân về, đem theo Rudravarman III (...)

Ngày 17-7 vua về đến Thăng Long, dừng thuyền ở bến Triều Đông, trên sông Lô (Nhị Hà).

Cuộc rước vua về cung rất là long trọng. VSL ghi những chi tiết nhắc cho ta biết sự huy hoàng xán lạn của cuộc tiếp rước một vị vua viễn chinh khải hoàn. Các quan hữu tư sắp đặt binh lính nghiêm trang, nghi vệ rực rỡ. Vua lên bờ, ngự trên chiếc báu xa (xe nạm ngọc). Quần thần đều cỡi ngựa. Dắt vua Chiêm Thành theo sau. Vua Chiêm Thành mình mặc áo vải trắng, đầu đội mũ làm bằng cây gai. Tay trói sau lưng, có giây vải quyến buộc. Năm tên lính hiệu Vũ Đô dắt đi. Các đảng thuộc cũng bị trói dắt theo sau (...)

Cuối năm, sai Quách Sĩ An và Đào Tông Nguyên sang sứ Tống, để báo tin thắng trận. Lời biểu có câu: “Nước Chiêm Thành đã lâu không tới cống. Tôi tự đem quân đánh, đã bắt được chúa nó về”. Vua Tống tuy không bằng lòng, nhưng cũng phải nhận sự Chiêm Thành là một phiên quốc của ta (...)

Rudravarman III xin dâng đất chuộc tội. Vua Lý bằng lòng. Ba châu Bố Chánh, Địa Lý, Ma Linh thuộc Chiêm Thành từ đó nhập về nước ta. Nay là địa phận Quảng Bình và phía bắc Quảng Trị. Rudravarman III được tha về nước (...)

Thanh thế nước ta bấy giờ rất lớn. Tống phải kiêng nể. Vua Tống luôn luôn dặn biên thần đừng gây sự với ta. Còn Chiêm Thành thì kính sợ và thần phục, năm Tân Hợi (1071), sứ Chiêm tới cống.

7. Kết quả

Lý Thường-Kiệt có công (...) mở đường (nam tiến) cho các đời Trần, Hồ, Lê, Nguyễn sau. Trước đó (...) Lê Đại Hành (...) đánh Chiêm Thành (...) chỉ bắt người, lấy của rồi về, chứ không hề nghĩ tới mở mang bờ cõi.


(Lược trích sách
Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn đăng trên trang chimviet.free.fr)