- Chung quanh “mộ lớn” ở Việt Khê chỉ có 4 mộ nữa chôn những người cấp bậc rất thấp (vì không có đồ tùy táng). Vậy đây không phải là nghĩa địa như ở Làng Cả mà là nơi dành riêng cho một nhân vật địa vị đặc biệt cao quý (hơn 100 đồ tùy táng!). “Ai” đã nằm trong mộ số 2?

- Đa số quan tài thuyền là thân cây đẽo cho giống thuyền, hay chính là thuyền đã qua sử dụng?

- Đa số quan tài thuyền đã được chôn xuống đất ngay từ đầu, hay thực ra được neo trên mặt nước rồi bị phù sa lấp dần?

- Mộ Châu Can đại khái cùng tuổi với mộ Việt Khê và cũng có vài món đồ Tàu thời Chiến Quốc.

- Căn cứ vào thiết kế quan tài đặc thù Việt tộc và vào tỉ lệ đồ tùy táng Việt / Tàu, rõ ràng vào khoảng thế kỷ IV trước công nguyên văn hóa Tàu chỉ có vị trí rất khiêm tốn trên đất Cổ Việt.
(Thu Tứ)



“Văn hóa Đông Sơn” (6)

Nguyễn Duy Hinh




Di tích Châu Can thuộc xã Châu Can huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây, cách sông Nhuệ 1km, cách sông Hồng 7km, khai quật năm 1974, phát hiện 8 ngôi mộ chứa quan tài thân cây khoét rỗng.

Quan tài nằm trong lớp đất sét bùn màu đen, mịn và dẻo, ở chiều sâu từ 1,80m đến 2,20m, đầu quay về hướng đông nam, đường kính khoảng 0,50m, cái dài nhất 2,32m, cái ngắn nhất 1,85m.

Người chết được đặt nằm ngửa, tay chân duỗi thẳng. Đồ tùy táng để dọc hai bên thân, trên gần hai đầu gối có một khay gỗ đễ nồi gốm. Hiện vật đồng thu được tuy không đặc sắc, chỉ là những chiếc rìu xéo, lao đồng, nhưng lần đầu tiên chúng ta thấy cán của những công cụ và vũ khí này. Cán rìu bằng gỗ, phần đầu cán có ngạnh. Cán giáo, lao làm bằng tre, chỉ dài khoảng 0,80m. Ngoài ra còn có các dụng cụ bằng gỗ, tre, nứa, vỏ quả bầu, các đồ đan bằng mây, tre, lá cây, và một số mảnh vải.

Ngôi mộ số 4 được chọn tiến hành xác định niên đại C14, với kết quả là 2325 +/- 60 năm cách ngày nay, tức 375 +/- 60 năm trước công nguyên. (tr. 228-229)

Mộ cổ Việt Khê phát hiện năm 1961 tại công trường đào đất Việt Khê thuộc nhà máy đóng tàu Hải Phòng, thôn Ngọc Khuê xã Phù Ninh huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng, cách bờ sông Hàn khoảng 50m, cách Cửa Cấm 26km về phía tây bắc. Trong TĐKKVN không miêu thuật khu mộ này, tuy có đề cập đến và đưa niên đại C14 (tr. 268). Năm 1965 Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có ấn hành cuốn Những hiện vật tàng trữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (trong đó cung cấp nhiều thông tin về mộ cổ Việt Khê?)

Tại địa điểm này đã phát hiện 5 ngôi mộ cổ trong phạm vi khoảng hơn 400 mét vuông. Bốn quan tài không có đồ tùy táng, duy chỉ một chiếc quan tài lớn (ngôi mộ số 2) có hơn 100 đồ tùy táng.

Chiếc quan tài ở mộ số 2 dài 4,76m, chiều rộng đầu to 0,77m, chiều rộng đầu nhỏ 0,57m, bề dày từ 0,025 đến 0,06m, sâu từ 0,24 đến 0,39m, chiều cao kể cả nắp ở gần đầu to 0,60m. Quan tài được làm bằng cây gỗ to đường kính gần 1m, bên ngoài chỉ bóc vỏ cây, bên trong khoét lòng máng. Nắp quan tài cũng được khoét lòng máng nhưng nông hơn. Hai đầu quan tài được bịt kín bằng hai mảnh ván hình bán nguyệt khá dày. Trên mép quan tài có gờ dọc cao khoảng 4cm để đậy nắp cho được kín và có mỗi bên 3 lỗ mộng để giữ chặt nắp. Một đầu quan tài có một cái tai đục lỗ vuông, đầu kia đục một lỗ hình chữ nhật. Có thể những lỗ này dùng để buộc dây kéo khi di chuyển hoặc để buộc dây dòng quan tài khi hạ huyệt.

Hiện vật trong quan tài rất phong phú.

Đồ đồng chiếm 90% tổng số. Có 35 rìu đồng, 9 đục đồng (có 4 đục vũm), 2 nạo móc đồng, 1 dũa đồng, 4 dao gọt đồng, 3 dao găm đồng, 1 kiếm đồng, 8 giáo đồng, 3 lao đồng, 6 ống bịt đầu cán giáo bằng đồng, 2 thạp đồng, 3 thố đồng, 1 bình đồng, 1 âu đồng, 1 đỉnh đồng, 1 khay đồng, 2 ấm đồng, 1 muôi đồng, 1 đèn đồng, 1 trống đồng, 1 nhạc đồng, 2 chuông ống bằng đồng, 1 chuông dẹt bằng đồng, 1 chuông núm vuông bằng đồng.

Đồ gỗ gồm có 1 mái chèo, 1 khuy áo, 8 cán giáo bằng gỗ, 1 vật bằng gỗ sơn như một chiếc tráp.

Ngoài ra còn đồ sơn trên da thú, hòn đá, vải, đồ đan.

Trong bộ hiện vật ở mộ Việt Khê có một số hiện vật ngoại lai như kiếm đồng, dao gọt đồng, giáo đồng, ấm (di) đồng, chuông núm vuông, đồ sơn, thuộc văn hóa trung nguyên Trung Quốc. Đó là những văn vật có niên đại thời Chiến Quốc (thế kỷ V-III trước công nguyên). Sau khi phân tích nhiều tài liệu, tác giả cuốn sách này đã định niên đại cho mộ Việt Khê là thế kỷ thứ IV trước công nguyên. Sau này tiến hành xét nghiệm C14 với quan tài mộ Việt Khê cho kết quả:

-2480 +/- 100 BP, -2415 +/- 100 BP, -2320 +/- 100 BP (TĐKKVN tr. 268).

Như vậy cơ bản khớp với niên đại thế kỷ thứ IV trước công nguyên đã đoán định.

Mộ Việt Khê có một số đặc điểm đáng chú ý.

Trước tiên đó là chiếc quan tài thân cây khoét rỗng. Các quan tài thuyền ở Châu Can dài nhất 2,32m, ngắn nhất 1,85m, đều nhỏ hơn quan tài mộ số 2 Việt Khê, và không có mái chèo chôn theo. Trong mộ cổ La Đôi phát hiện năm 1961 ở thôn La Đôi xã Hợp Tiến huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương cách sông Kinh Thầy 2km cũng có một quan tài thuyền có mái chèo. Mái chèo dài 1,45m, phần cán dài 1,03m, phần mái dài 0,425m và rộng 0,072m. Quan tài La Đôi dài khoảng 3,5m đường kính khoảng gần 0,70m đẽo vát hai đầu. Sự có mặt của mái chèo không phổ biến trong tất cả các mộ quan tài thuyền đã phát hiện và hai đầu thân cây khoét rỗng cũng không phải đều đẽo vát thành dáng thuyền độc mộc (...) đã phát hiện những quan tài tương tự ở Thái Lan và Trung Quốc (...) ở Trung Quốc gọi là “thuyền quan”.

Đã tìm thấy 15 mộ táng có quan tài thuyền được xác định thuộc văn hóa Đông Sơn, tập trung ở vùng đồng bằng trũng của sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ, từ các huyện ở phía nam Hà Tây như Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên đến huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam và cả vùng sông Thái Bình thuộc tỉnh Hải Dương và Hải Phòng nữa. Năm 1964 phát hiện ở La Đôi một quan tài thuyền thứ hai đặt trong quách gỗ. Năm 1965 phát hiện ở thôn Thiên Khánh xã Quang Hưng huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương một quan tài thuyền trong mộ gạch xây cuốn thuộc thời Đông Hán. Cũng có thông tin dân làng từng thấy trong ao Mắm ở Cổ Loa những cây gỗ đục thành thuyền độc mộc nhưng tiếc đã đem bổ củi đun bếp (...)

Trong mộ Việt Khê có (...) trống đồng. Chiếc trống đã bị vỡ nhưng còn nghiên cứu được. Đường kính mặt trống 23cm, chính giữa có ngôi sao 8 cánh, không nổi cao, giữa hai cánh có những hình chữ V lồng nhau. Bên ngoài ngôi sao có 3 vòng tròn chìm chạy vòng quanh, vòng giữa rộng nhất có những chấm nhỏ đều nhau. Ngoài vòng này có 4 con chim đang bay, mỏ dài, đầu có mào, bố trí cách đều nhau, bay ngược chiều kim đồng hồ. Hình chim được cách điệu hóa đi nhiều. Bên ngoài lại có 3 vòng chìm khác. Tang trống phình to ra có đường kính là 26,5cm. Lưng và thân chỉ còn một mảnh, trên có một con chim chân cao đang đứng chẩu mỏ lên trời. Trống thuộc loại I theo bản phân loại của Héger nhưng thuộc thời kỳ muộn (...)



ảnh khuyết danh


Có những hiện vật đồng rất độc đáo như chiếc muôi đồng (...) gồm hai bộ phận bầu và cán. Bầu có hình một chiếc cốc, đường kính miệng 7,5cm, đường kính đáy 6,5cm, cao 5,3cm. Cán là một đoạn đồng cong hình thuyền, đo thẳng dài 15cm, có tiết diện hình tam giác. Đầu to hàn (tôi nhấn mạnh – NDH) gắn vào bầu, đầu nhỏ cong lên cuộn 7 vòng thành một bánh tròn, đường kính 3,1cm. Trên cán ở gần về phía cuối có một tượng người ngồi thổi khèn cao 4,5cm. Hình tượng là một người nam, tóc búi ra sau, ngồi hơi ngã về phía trước, ngực nở, bụng thon, mình tròn, đóng khố hai vòng vải. Hai chân tượng gấp cao, bàn chân đỡ lấy một đầu khèn, hai tay khuỳnh vòng cung gần ngang vai ôm khèn đưa lên miệng thổi. Đầu trên của chiếc khèn tựa vào vòng tròn ở đầu cuối cán. Khèn gồm có 4 ống chắp lại, dài 5cm. Hiện vật này được đúc bằng khuôn hai mang (...)



ảnh khuyết danh


Sự hiện diện của đồ đồng Chiến Quốc (...) chứng minh có giao lưu văn hóa bình thường giữa cư dân Lạc Việt với cư dân Trung Quốc trước Tần Hán (...) Giao lưu Việt - Hoa đã bắt đầu từ thời văn hóa Phùng Nguyên (khoảng 3800-3300 năm trước ngày nay) với những chiếc nha chương (...)


(Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2004. Những số trang trong ngoặc đơn là dẫn sách Khảo cổ học Việt Nam – Thời đại kim khí Việt Nam. Nhan đề phần trích tạm đặt.)